Thứ 5, 09/05/2024 04:46:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:25, 09/06/2019 GMT+7

Đại công thần

Chủ nhật, 09/06/2019 | 09:25:00 124 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, vào tháng 9-1816, Nguyễn Văn Thoại xin từ chức vì ốm (thật ra xin từ chức là vì bất đồng ý kiến với Phiên vương Nặc Chân), được triệu về kinh. Chưởng cơ Lưu Phước Tường thay, Bảo hộ Chân Lạp. Tháng 6-1817, Trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Triêm ốm phải nghỉ việc, Nguyễn Văn Thoại được triều đình cử làm Trấn thủ Vĩnh Thanh. Tháng 9-1818, ông được phong Thống chế, Bảo hộ nước Chân Lạp.

Cũng trong năm 1818, ông nhận lệnh vua đào kênh Đông Xuyên. Thật ra, đã có lạch nước sẵn, chỉ đào sâu thêm, nên hơn 1 tháng là xong con kênh rộng, ghe thuyền qua lại thuận tiện, dài khoảng 30km thông đến Rạch Giá. Khi việc đào kênh hoàn tất, Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại cho vẽ họa đồ và làm sớ tâu lên. Vua Gia Long khen, ra lệnh lấy tên người mà đặt cho tên sông là Thoại Hà; ngọn núi bên bờ phía Đông của Thoại Hà (tục gọi là núi Sập) cũng được vua cho cải tên là Thoại Sơn để biểu dương công khó của quan Trấn thủ.

Năm 1819, vua truyền cho Gia Định thành lo việc đào kênh từ Châu Đốc thông ra Hà Tiên (đặt tên là kênh Vĩnh Tế), lệnh cho quan Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại chỉ huy dân binh khởi công vào ngày rằm tháng chạp. Ý tưởng đào kênh Vĩnh Tế đã có từ năm 1816, khi thành Châu Đốc được đắp xong và được tâu lên, vua Gia Long xem địa đồ miền Châu Đốc rồi truyền với các thị thần: Xứ này nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên thì 2 đàng nông thương đều lợi. Trong tương lai dân đến ở càng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to vậy.

Phụ lực với Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại còn có Chưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên, Điều bát Nguyễn Văn Tồn và Trần Công Lại. Kênh đào gặp nhiều trở ngại nên bị gián đoạn nhiều lần. Phải huy động đến khoảng 80.000 nhân công, lúc cao điểm có mặt hàng chục ngàn người, đào kênh chỉ với công cụ thô sơ, trong điều kiện hết sức gian khổ. Có tài liệu ghi nhận số người chết do dịch bệnh, tai nạn lên đến 6.000 người. Đến tháng 5-1824, hoàn thành con kênh dài hơn 90km nối từ sông Hậu thẳng ra biển Hà Tiên. Kênh đào xong và được tâu lên, vua Minh Mạng mừng, giáng chỉ khen ngợi công lao của Nguyễn Văn Thoại.

Năm 1820, nước Cao Miên nội loạn, quan lại tham ô, trộm cướp nổi lên... Trước tình hình đó, triều Nguyễn đã cử Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại và Phó đô thống chế Nguyễn Văn Trí cầm quân dẹp loạn. Sau khi dẹp xong, vua Cao Miên yêu cầu lập lại chức Bảo hộ và người được vua cử giữ chức lần này cũng lại là Nguyễn Văn Thoại. Trước đó, vua Gia Long bãi chức Bảo hộ nước Chân Lạp năm 1819 vì thấy lúc bấy giờ không còn cần thiết nữa. Năm 1821, Nguyễn Văn Thoại lãnh ấn Bảo hộ Cao Miên. Năm 1822, ông đặt dinh bảo hộ tại Châu Đốc, lập làng Thoại Sơn và dựng bia Thoại Sơn, lập đội quân Châu Đốc, lập đội quân mang tên An Hải (quê hương) để trấn giữ Hà Tiên. Năm 1823, lập 5 làng mới bên bờ kênh Vĩnh Tế gồm: Vĩnh Tế, Vĩnh Nguơn, Vĩnh Điều, Vĩnh Gia và Vĩnh Thông. Năm 1826, ông cho mở con đường từ Châu Đốc đi núi Sam, dựng bia “Châu Đốc Kiều Lương”.

Tháng 9-1828, ông dựng bia Vĩnh Tế Sơn tại khu lăng mộ, nơi đã an táng 2 phu nhân và cũng là nơi dự định làm chốn yên nghỉ cuối cùng của ông sau này. Ngày làm lễ dựng bia, Thoại Ngọc Hầu đứng ra chủ tế các cô hồn dân binh đã bỏ mình vì công tác đào kênh, tuyên đọc Tế nghĩa trủng văn. Khoảng năm 1820-1828, Thoại Ngọc Hầu cho xây đình Châu Phú thờ Nguyễn Hữu Cảnh - một vị khai quốc công thần đã có công rất lớn trong việc khai hoang lập làng, xác lập chủ quyền, bình định an dân trên vùng đất Gia Định xưa. Trong dân gian cũng truyền rằng, chính Thoại Ngọc Hầu đã cho cất miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Thoại Ngọc Hầu mất khi đương chức, nhằm ngày 6-6-1829, thi hài ông được an táng tại khu lăng núi Sam.

Lời bàn:

Thoại Ngọc Hầu là một trong những vị khai quốc công thần hàng đầu của vua Gia Long và triều đình nhà Nguyễn. Ông là danh tướng một đời “tả xung hữu đột” để giúp vua Gia Long lên ngôi. Nhà Nguyễn là vương triều có công lớn trong việc mở mang và phát triển bờ cõi đất Nam, đặc biệt là vùng đất Nam bộ. Tuy nhiên để có những thành quả lớn lao đó không thể không nhắc đến công sức của các vị “Khai quốc công thần” nhà Nguyễn như Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Tả quân Lê Văn Duyệt... và đặc biệt là Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại - danh tướng mà tên tuổi đã gắn liền với các công trình kinh tế, quốc phòng lớn tại vùng đất phương Nam đầu thế kỷ XVIII mà giá trị vẫn còn nguyên cho đến nay.

Sau khi hoàn thành 2 công trình thủy lợi, giao thông và quốc phòng ở biên giới Tây Nam, Nguyễn Văn Thoại được vua Minh Mạng đặc ân cho lấy tên vợ ông đặt tên kênh gọi là Vĩnh Tế hà, lấy tên ông đặt tên núi gọi là Thoại Sơn. Thế nhưng, sau khi ông mất, tấm lòng son sắt vì nước, vì dân của ông gần như bị chính vua Minh Mạng phủi sạch. Mãi đến ngày 25-7-1924, vua Khải Định mới xét và chính thức truy phong ông là Đoan Tức Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần. Như vậy, nỗi oan mà anh linh Thoại Ngọc Hầu và con cháu ông gánh chịu kéo dài 90 năm. Mặc dù vậy, nhưng với nhân dân miền Tây Nam bộ nói chung và vùng đất An Giang, Kiên Giang nói riêng không bao giờ quên công lao to lớn của vợ chồng ông. Thế mới biết nhân dân là người viết sử trung thực nhất.

N.D

  • Từ khóa
110189

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu