Thứ 4, 08/05/2024 20:20:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:50, 17/02/2019 GMT+7

Kế sách chấn hưng giáo dục

Chủ nhật, 17/02/2019 | 13:50:00 137 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, kỳ thi đình năm 1472, với bài văn sách - một kiệt tác trị quốc đã đưa Vũ Kiệt trở thành trạng nguyên. Trong đề thi lần đó, vua Lê đã hỏi rằng: Sách xưa có câu: “Thầy nghiêm thì việc học đạo mới được tôn kính”. Nhưng hiện tại nho sinh lại cảm thấy xấu hổ khi đến học thầy, cốt làm những chuyện họa may hoặc qua tuần, qua tháng lại đổi thầy. Một nho sinh mà chưa bao giờ biết gò mình trong việc tu chỉnh, khi đạt được danh vọng ở triều đình thì ít tuân theo lễ nghĩa. Đạo làm thầy bị bỏ rơi sao mà lâu thế, làm thế nào để cứu vãn được...

Vũ Kiệt đã làm bài rằng: Thần nghe, cái học của người xưa nhất thiết phải có thầy, người thầy làm nhiệm vụ truyền đạo, thụ nghiệp nêu lên những chỗ nhầm lẫn, giải thích những điều tôn nghi trong sách vở. Các ngành, các nghề, ngay cả những nghề vụn vặt cũng không thể không có thầy được, huống hồ người theo học đạo Nho?... Là kẻ sĩ phải thấy rằng mình được vinh hạnh, càng chăm lo việc thực học. Trong lúc chưa thành đạt thì sống theo đạo lý thông thường để chờ thời gặp mệnh. Không để mất phẩm chất riêng của mình. Lúc đã được tin dùng thì phải giữ đúng danh vị và làm việc thực sự, không thể để mất cái điều mà mình hằng mong muốn, như thế mới có thể được.

Vũ Kiệt cũng nêu ra thực tại trong nền giáo dục thời bấy giờ: Nhưng cũng có khá nhiều người làm thầy, tư chất kém cỏi, văn vẻ vụng về. Cái mà người học trò cần có là sự uyên bác nhưng người thầy lại có kẻ nông xoàng, tài cán thô thiển. Đạo làm thầy không vững như thế thì còn lạ gì khi thấy sĩ tử xấu hổ việc đi học?... Tâm thật đã mất trước khi ra làm quan rồi, thì sau khi ra làm quan còn tìm sao được tiết tháo và phong độ của họ...

Cũng từ đó, Vũ Kiệt nêu ra phương hướng khắc phục: Thần mong bệ hạ: Đạo làm thầy phải được tuyển chọn kỹ càng. Việc nuôi dạy sĩ tử phải được nghiêm nghị đúng hướng... Tìm nhân tài trước hết phải chú ý đến mặt đức hạnh, phế truất kẻ phù hoa...

Theo sách “Văn hiến Kinh Bắc” thì bài “Văn sách thi Đình” của Vũ Kiệt được triều đình coi là kiệt tác nhằm trị quốc, an dân. Bài thi này cũng là chuẩn mực cho những đời sĩ tử sau này. Không những thế, vua Lê Thánh Tông đã tham khảo phép trị quốc này của Vũ Kiệt nhằm bổ sung cho Bộ luật Hồng Đức, tăng thêm sức mạnh chống tham nhũng vào bộ luật này. Việc chống tham nhũng được tiến hành từ các quan to nhất đầu triều xuống đến địa phương. Cụ thể là qua các năm, vua Lê Thánh Tông cũng ban các sắc chỉ dụ như sau:

Năm 1475, định lệnh cấm vơ vét xoay tiền trong các việc xây dựng, sửa chữa, kẻ nào mượn cớ và vơ vét xoay tiền thì trị tội như luật xoay tiền. Năm 1478, trong sắc chỉ cho các địa phương xét quan lại trong địa hạt, người nào tham ô, lười biếng thì tâu lên để định việc giáng chức. Năm 1487, xét quan lại thấy tham nhũng thì bãi chức sung quân ở Quảng Nam. Năm 1483, trong sắc chỉ ân xá của nhà vua, những kẻ tham nhũng xếp cùng tội đại nghịch không được hưởng khoan hồng của nhà vua.

Như vậy, vua Lê Thánh Tông đã coi nạn quan tham ngang hàng với tội đại nghịch, những tội làm tổn hại đến nền móng nhà nước. Chủ trương chống tham nhũng, chỉ dùng bậc hiền tài, loại trừ kẻ xu nịnh được thực hiện từ các quan to nhất đầu triều xuống dưới, khiến các quan chức vốn chỉ lo tiến thân bằng nịnh bợ không còn đất dụng võ nữa, nạn tham nhũng đang tàn phá đất nước bị đẩy lùi và dẹp bỏ.

Lịch sử cho thấy, thời kỳ vua Lê Thánh Tông là thời kỳ toàn thịnh của Đại Việt, đất nước phát triển rực rỡ về mọi phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và quân sự.

Giang sơn hùng mạnh thì không chỉ lân bang không dám ngó ngàng đến, mà lãnh thổ bờ cõi còn được mở rộng khi vua Lê Thánh Tông thực hiện các cuộc tiến quân về phía Nam và phía Tây, chinh phục Chiêm Thành, Ai Lao và Bồn Man. Những thành tựu trị quốc, chống tham nhũng kiệt xuất của vua Lê Thánh Tông đã đưa Đại Việt trở thành quốc gia hùng mạnh bậc nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ.

Lời bàn:

Trạng nguyên Vũ Kiệt được người đương thời và hậu thế ca ngợi là “bậc thiên tài kiệt xuất, đức độ vẹn toàn”, tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Là hiền tài của đất Việt, tên tuổi của Vũ Kiệt không những được lưu lại trên Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội và Văn Miếu ở Bắc Ninh, mà còn đi vào lịch sử khoa bảng nước nhà với tư cách là một trong những bậc nhân tài kiệt xuất. Vì vậy, tài năng cùng phép trị quốc của ông được các hậu thế nhiều đời sau này truyền tụng.

Thời nay, nhiều người cho rằng xã hội và tư tưởng xưa kia là “lạc hậu”, gán cho chúng cái mũ “phong kiến”, khiến những tinh hoa trong văn hóa truyền thống bị bài xích, rồi dần dần bị mai một. Trong khi đó, thực trạng tham nhũng lại tràn lan. Và đặc biệt là nền giáo dục vẫn chưa tìm ra hướng đi đúng đắn cho vấn đề đạo đức trong học đường. Bởi thế nên việc bỏ tiền lo lót để chạy chức, chạy quyền, hay việc biếu xén thầy cô để con có thành tích học tập cao lại được xem như một điều “tất nhiên” và “rất đỗi bình thường”. Nếu như ngày nay, phép trị quốc của vua Lê Thánh Tông và của trạng nguyên Vũ Kiệt được áp dụng một cách nghiêm túc, thì hẳn nhiều quốc nạn sẽ được dẹp bỏ.

N.D

  • Từ khóa
110149

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu