Thứ 5, 09/05/2024 07:17:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:04, 27/01/2019 GMT+7

Người vợ thông minh

Chủ nhật, 27/01/2019 | 14:04:00 299 lượt xem
BP - Chuyện kể lại rằng, xưa có một người đàn bà làm nghề dệt vải và bà ta là người có bản tính thông minh, tháo vát nhưng lấy phải người chồng đần độn không làm được nghề gì nên thân. Một hôm, vợ đưa cho chồng mấy tấm vải bảo mang ra chợ bán. Trước khi đi, người vợ dặn rằng: Nếu không được bốn quan mỗi tấm thì đừng có bán, nghe! Sau đó, người chồng mang vải ra chợ đi khắp nơi, rao khản cả cổ mà chẳng có ai mua.

Mãi về sau có một cụ già mua cho hai tấm. Nhưng ông ta lại không mang tiền theo. Ông cụ bảo hắn: Chốc nữa anh đến nhà tôi lấy tiền nhé! Nhà tôi cũng ở trong xã này thôi. Nghe vậy, hắn hỏi lại: Nhà ông ở đâu? - Tôi ở chỗ “chợ đông không ai bán, chỗ kèn thổi tò le, chỗ cây tre một mắt”. Đến đó tôi sẽ trả tiền ngay. Đến chiều hắn đi tìm người mua hàng chịu. Gặp ai hắn cũng hỏi thăm “chỗ chợ đông không ai bán, chỗ kèn thổi tò le, chỗ cây tre một mắt” là ở đâu, nhưng chẳng một ai biết thế nào mà trả lời. Người ta chỉ nói với hắn: Thôi rồi, anh mắc phải tay bịp bợm nào đấy thôi! Hắn đi loanh quanh mãi đến tối mịt không tìm được nhà, đành phải trở về ôm mặt hu hu khóc. Vợ hỏi lý do thì hắn kể cho vợ nghe tất cả câu chuyện. Người vợ bảo: Cũng dễ tìm thôi! “Chỗ chợ đông không ai bán” là cái nhà trường, “chỗ kèn thổi tò le” là bụi lau vì khi gió thổi nghe như tiếng kèn sáo, “chỗ cây tre một mắt” là bụi hành hay tỏi gì đó. Vậy anh phải kiếm người đó ở một cái trường học, gần đó có bụi lau, trước cửa có vườn trồng hành tỏi.

Qua ngày hôm sau, anh chồng lại cất bước đi tìm. Quả đúng như lời người vợ nói, hắn gặp ông lão hôm qua. Đó là một thầy đồ dạy học trò. Thấy hắn đến, ông đồ liền hỏi xem nhờ ai mách cho mà biết được chỗ ở của mình. Hắn đáp: Tôi tìm ông suốt cả một buổi chiều hôm qua. May nhờ có vợ tôi mách cho đấy. Ông thầy nghĩ: Người đàn bà này hẳn là một cô gái thông minh tài trí, ít người sánh kịp.

Hôm đó nhân nhà có giỗ, ông đồ mời hắn ngồi lại ăn cỗ. Hắn ta cắm đầu chén một bữa no nê lại được ông đồ gửi phần về biếu vợ. Nhưng khi trả tiền, ông đồ gửi hắn thêm một gói khác và bảo đưa cho vợ. Trong đó chỉ có một cục phân trâu ở giữa cắm một cành hoa nhài. Hắn ta chẳng hiểu gì cả cứ việc cầm lấy về nhà. Người vợ trông thấy, hiểu ý ông thầy muốn mỉa mai mình rằng: Con vợ khôn lấy thằng chồng dại. Như bông hoa lài cắm bãi phân trâu.

Càng ngẫm nghĩ về “gói quà”, người càng buồn bực, trách chồng dốt nát mang về cho mình một lời trêu chọc chua cay, rồi nghĩ tới duyên phận hẩm hiu, nước mắt nàng lã chã. Nàng vứt cái thoi, bụng bảo dạ: Thân thế ta thật chả ra gì. Trên đời có bao nhiêu người khôn ngoan tài giỏi, còn ta thì lấy nhầm phải một thằng chồng u mê đần độn! Trong một cơn phiền muộn, nàng chạy ra bờ sông, toan nhảy xuống dòng nước trẫm mình cho rồi đời.

Lại nói chuyện ông thầy dạy học, sau khi tiễn chân anh chàng bán vải ra khỏi cửa, nghĩ đi nghĩ lại thấy sự trêu chọc ác nghiệt của mình thật là không phải. Ông đâm ra lo câu chuyện đưa tới một kết quả không hay: Không biết chừng người đàn bà ấy phẫn chí liều thân hoại thể thì ta sẽ có tội rất lớn với danh giáo. Nghĩ thế, ông đồ bèn đi mượn một cái giỏ đựng cá thủng trôn, rồi mang ra bờ sông cùng chiếc cần câu làm bộ câu cá. Ông cứ men theo dọc bờ sông gần làng, đi lại trông chừng.

Khi thấy một người đàn bà ngồi trên bờ vắng đang ôm mặt khóc thút thít, ông biết ý vội tiến đến gần, có ý chìa giỏ cho nàng thấy và nói: Chị này ngồi tránh đi chỗ khác cho tôi câu cá nào. Người đàn bà đó đúng là vợ anh chàng bán vải. Nàng ngước mắt trông lên thấy có một người đàn ông đầu đã hai thứ tóc mà lại mang chiếc giỏ rách đi câu. Nàng tự nghĩ: Người nào đây ngu quá là ngu. Chồng mình tuy khờ dại nhưng cũng chưa đến nỗi này. Rồi nàng kết luận: Vậy ra chồng mình vẫn còn có những chỗ hơn người. Nghĩ vậy, nàng bỏ ý định tự tử mà trở về nhà.

Lời bàn:

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì trong quá trình sống gần gũi với tự nhiên và chưa hoàn toàn tách mình ra khỏi tự nhiên, người cổ đại từng quan sát, tìm hiểu các con vật để dễ săn bắt và tự vệ. Khi con người có ý thức mượn truyện loài vật để nói về con người thì khi đó truyện ngụ ngôn xuất hiện. Và trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, truyện ngụ ngôn có vị trí đặc biệt. Vì truyện ngụ ngôn Việt Nam thường có tính đả kích, châm biếm sâu sắc như việc đả kích tầng lớp thống trị thời đó về tính ngang ngược, cậy quyền cậy thế, đạo đức giả, thói xu nịnh... Phê phán những đức tính xấu của con người như keo kiệt, xu nịnh, huênh hoang, tham lam, hoặc tính không có chủ kiến dẫn tới hậu quả xấu cho cuộc sống của mình.

Đặc biệt, truyện ngụ ngôn cho chúng ta nhiều triết lý đạo đức làm người. Nêu lên những bài học từ thực tiễn cuộc sống. Đó chính là những bài học bổ ích, chân thành nhằm giúp biết mình biết người, không bị những thói hư tật xấu, những điều xa hoa bên ngoài làm mất đi bản chất tốt đẹp của mình. Và nội dung của truyện ngụ ngôn nêu trên là phê phán những ông thầy đồ chữ nghĩa thì chẳng hơn ai nhưng lại thường hay xỏ xiên, chê bai người khác. Điều đặc biệt là ở chỗ ông ta đã nhận ra cái sai của mình và biết cách sửa sai để cứu sống một mạng người. Đoạn kết của truyện ngụ ngôn này thật có hậu và đậm tính nhân văn.

N.D

  • Từ khóa
110143

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu