Thứ 5, 09/05/2024 05:04:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:08, 12/06/2018 GMT+7

Trần Hưng Đạo tiếp sứ

Thứ 3, 12/06/2018 | 14:08:00 87 lượt xem
BP - Theo sử cũ, vào năm 1254, quân Mông Cổ đánh chiếm nước Đại Lý (Vân Nam, Trung Quốc ngày nay) và muốn đánh chiếm Đại Việt để tạo thế “gọng kìm” bao vây Nam Tống. Các đoàn ngoại giao của Mông Cổ được phái sang Đại Việt đề nghị mở đường cho quân đội Mông Cổ đi qua để tiến lên đất Tống. Nhưng các vua Trần không những từ chối mà còn bắt giam các nhà ngoại giao Mông Cổ và chiến tranh giữa 2 nước đã nổ ra vào tháng 1-1258.

Khi đó, quân Nguyên - Mông vượt qua biên giới phía Bắc tiến vào Đại Việt. Đích thân vua Trần Thái Tông và thái tử Trần Hoảng dẫn quân lên nghênh địch tại Bình Lệ Nguyên (nay là huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Quân Mông Cổ tỏ ra chiếm ưu thế, quân Trần khi thất lợi đã chủ động rút lui về vùng Phù Lỗ để bảo toàn lực lượng chứ không dốc sức đánh tới cùng. Vì vậy quân Nguyên - Mông đã không thành công trong việc tiêu diệt quân chủ lực Đại Việt và bắt các vua Trần.

Minh họa: S.H

Trận tiếp theo diễn ra tại Phù Lỗ (bên sông Cà Lồ). Quân Đại Việt lại bị đánh bại. Tuy nhiên, nhà Trần đã dự tính trước điều này và chủ động sơ tán người dân, của cải ra khỏi kinh thành Thăng Long từ trước đó. Quân Mông Cổ dù chiếm được Thăng Long, nhưng nhà Trần đã thực hiện “vườn không nhà trống”, đem đi hết lương thực trong thành khiến quân Nguyên - Mông gặp phải khó khăn về lương thực.

Chỉ 10 ngày sau khi rút khỏi Thăng Long, vua Trần và thái tử lại dẫn quân phản công, đánh thắng quân Mông Cổ trong trận Đông Bộ Đầu (nay là quận Ba Đình, Hà Nội). Quân Mông Cổ lập tức bỏ thành Thăng Long rút lui về nước, cũng bằng con đường dọc theo sông Hồng. Trên đường rút lui, quân Mông Cổ đã bị lực lượng các dân tộc thiểu số miền núi Tây Bắc do Hà Bổng chỉ huy tập kích. Toàn bộ cuộc chiến lần thứ nhất chỉ diễn ra trong khoảng nửa tháng, với chỉ 3-4 trận đánh lớn. Sau thất bại tại Đại Việt, quân Mông Cổ phải tìm đường khác để tấn công Tống từ phía nam.

Sau chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ nhất, vào năm 1281, cuộc đấu tranh ngoại giao giữa Đại Việt với nhà Nguyên đang ở trong thời kỳ rất căng thẳng. Khi đó, vua nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt liên tiếp xuống chiếu bắt vua Trần phải sang chầu. Để kéo dài thời gian hòa hoãn nhằm có đủ cơ hội chuẩn bị thật chu đáo cho cuộc đọ sức bằng lực lượng vũ trang, vua Trần lúc ấy là Trần Nhân Tông đã sai chú họ là Trần Di Ái (còn có tên là Trần Ái) thay mình sang chầu vua Nguyên.

Hốt Tất Liệt chớp ngay cơ hội đó, phong Trần Di Ái làm An Nam quốc vương, bọn tùy tùng đi cùng Trần Di Ái cũng đều được nhận quan tước. Sau đó, vua nhà Nguyên đã sai Sài Thung đem 1.000 quân hộ tống Trần Di Ái về nước. Tình hình đã căng thẳng lại càng căng thẳng hơn. Phải đối phó với Sài Thung ra sao, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có một đoạn chép về việc này như sau:

Sài Thung rất ngạo mạn và vô lễ, y cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh, quân sĩ Thiên Trường ngăn lại. Thung dùng roi ngựa quất họ bị thương ở đầu. Đến điện Tập Hiền, thấy chăng đầy màn trướng, hắn mới chịu xuống ngựa. Vua sai Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp, nhưng khi đó Thung vẫn nằm khểnh trong nhà không ra. Quang Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không thèm ngồi dậy tiếp.

Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn nghe thấy thế liền tâu với vua Trần xin đến sứ quán xem Thung làm gì. Lúc ấy Trần Quốc Tuấn đã gọt tóc, mặc áo vải. Đến sứ quán, ông đi thẳng vào phòng. Thung đứng dậy, vái chào và mời ngồi. Mọi người đều kinh ngạc, bởi cứ ngỡ người gọt tóc, mặc áo vải này là nhà sư phương Bắc. Ông ngồi xuống pha trà và cùng uống với hắn. Về sau, người hầu của Thung nhận ra ông, hắn cầm cái tên chọc vào đầu Quốc Tuấn đến chảy máu, nhưng sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không hề thay đổi. Khi về, Sài Thung ra tận cửa tiễn ông.

Lời bàn:

Theo nội dung của giai thoại đã nêu cho thấy, sự hèn nhát và nhu nhược của Trần Di Ái cùng với sự ngang ngược của Sài Thung không làm lay chuyển ý chí của quân dân Đại Việt thời ấy. Điều đáng để cho hậu thế ngày nay phải khâm phục là chiến thuật nhún nhường của nhà Trần. Và đối với Chiêu Minh Vương Quang Khải đã khéo nhịn mà Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn còn khéo nhịn hơn. Cố nhịn để lo quốc gia đại sự đã là đáng kính, nhịn đến hết mức mà vẫn giữ được quốc thể thì lại còn đáng kính hơn. Hậu thế nói nhiều đến một Hưng Đạo Vương uy nghi trên bành voi trận, chưa có mấy ai nói đến một Hưng Đạo Vương ung dung mà đầy mưu lược trong tấm áo cà sa, thật là một bậc đại tài!

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ nhất không những đã đánh bại một kẻ thù hùng mạnh và tàn bạo nhất thế giới lúc bấy giờ, mà còn bảo vệ được độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của dân tộc. Thắng lợi đó đã góp phần xây đắp nên truyền thống quân sự Việt Nam, truyền thống chiến đấu của một nước nhỏ nhưng luôn phải chống lại những kẻ thù mạnh hơn nhiều lần đến xâm lược. Đồng thời đã để lại bài học vô cùng quý giá, đó là củng cố khối đoàn kết toàn dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là sự quan tâm của nhà nước đến toàn dân, dựa vào dân để đánh giặc.

N.D

  • Từ khóa
110052

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu