Thứ 5, 09/05/2024 07:02:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:18, 10/06/2018 GMT+7

Chuyến đi sứ đặc biệt

Chủ nhật, 10/06/2018 | 13:18:00 282 lượt xem

BP - Không chỉ là thiên tài quân sự bách chiến bách thắng, Quang Trung - Nguyễn Huệ còn tạo ra chuyến đi sứ có một không hai trong lịch sử ngoại giao nước nhà. Và với phương châm ngoại giao đúng đắn của hoàng đế Quang Trung, từ kẻ thù không đội trời chung, nhà Thanh và vương triều Tây Sơn đã nhanh chóng nối lại quan hệ giao hảo, mở ra một trang sử mới cho quan hệ 2 nước.

Sau đại thắng tết Kỷ Dậu 1789, uy thế của triều đại Tây Sơn rất lớn. Tuy nhiên, vua Quang Trung nhận định nhà Thanh “sau khi bị nhục một trận, ắt lấy làm thẹn mà lo báo thù. Như thế, việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân”. Do đó, nhà vua thi hành chính sách ngoại giao khôn khéo, linh hoạt. Trong khi đó, quan lại nhà Thanh đang cai quản những vùng đất giáp nước ta như Phúc Khang An, Thang Hùng Nghiệp... cũng rất sợ nếu phải đối đầu quân Tây Sơn, nhất là khi bài học từ Tôn Sĩ Nghị vẫn còn nguyên vẹn.

Minh họa: S.H

Theo kế của Ngô Thì Nhậm, tháng 1-1790, vua Quang Trung sai người đóng giả mình cầm đầu đoàn sứ bộ trên 150 người, gồm các quan văn, võ cao cấp như Ngô Văn Sở, Đặng Văn Chân, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Tiến Lộc... sang Trung Quốc. Trong sách “Hoàng Lê nhất thống chí” và sách “Việt Nam sử lược” đều chép rằng người đóng vua Quang Trung là Phạm Công Trị, cháu gọi Nguyễn Huệ bằng cậu. Còn theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, đóng giả vua Quang Trung khi đó là tướng Nguyễn Quang Thực, người Nghệ An. Dưới sự sắp xếp của Ngô Thì Nhậm, trước lúc lên đường, đoàn sứ bộ đặt ra nhiều tình huống và cách giải quyết khác nhau nếu bị bại lộ. Phái đoàn sứ bộ đã đạt được thành công lớn trong chuyến đi sứ nhà Thanh lần này.

Trong sách “Hoàng Lê nhất thống chí” có đoạn ghi lại rằng: Vua Càn Long tỏ ra rất trân trọng, chu đáo. Phái đoàn đi đến đâu cũng được đón tiếp long trọng. Tương truyền, tại Tử Cấm Thành, khi nhà bếp làm được loại bánh sữa dâng lên vua, Càn Long liền cho đem một hộp bánh cho An Nam quốc vương. Tháng 7 năm Canh Tuất, đoàn đến Yên Kinh (Bắc Kinh) vào lúc lễ vạn thọ (mừng vua Càn Long thượng thọ 80 tuổi) đã được cử hành. Khi ấy, vua Càn Long đã đi nghỉ mát ở Nhiệt Hà. Khi biết tin đoàn sứ bộ của nước ta tới, hoàng đế nhà Thanh cho mời đoàn đến Nhiệt Hà, tiếp đãi trọng hậu rồi ban thưởng rất nhiều.

Ngoài viên ngọc như ý, tòa ngọc phật và nhiều phẩm vật quý lấy từ kho thượng phương, cả đoàn được tặng tới 1 vạn lạng bạc. Những người đi theo đều được ban thưởng mũ áo. Theo “Đại Thanh thực lục”, chỉ riêng số tiền mà triều đình nhà Thanh chi ra để đón tiếp phái đoàn đã là 80 vạn lạng bạc. Tháng 11, khi vua Quang Trung giả vào bệ kiến vua Càn Long lần cuối cùng trước khi về nước, ông được Càn Long mời vào ngồi bên giường ngự, rồi lấy tay vỗ vai, ân cần an ủi. Sau đó sai thợ vẽ vẽ một bức chân dung để tặng “vua Quang Trung”. Ngày 29-11 năm Canh Tuất, đoàn giả vương lên đường về nước. Như vậy, với vua Càn Long thì việc vua Quang Trung sang Yên Kinh trở thành một sự kiện lớn trong ngoại giao của nhà Thanh.

Nhận xét về chuyến đi sứ, thành viên đoàn sứ bộ Phan Huy Ích đã viết lại rằng: Từ trước đến giờ, người mình đi sứ Trung Quốc chưa có lần nào lạ lùng và vẻ vang như thế. Tất cả hành trình từ ải Nam Quan đến Yên Kinh trải qua nhiều đơn vị hành chính. Đi đến đâu, sứ đoàn nước ta cũng được một đội quân hộ tống đông đảo. Đến một địa phương, đích thân tuần phủ các tỉnh phải ra nghênh đón, mở yến tiệc linh đình chiêu đãi. Đích thân các vị tuần phủ phải đi theo đoàn sứ để sắp xếp nhằm đảm bảo an toàn cho sứ bộ nước ta đến hết địa bàn hành chính mình quản lý. Sau khi bàn giao lại cho tuần phủ tỉnh khác, lúc đó họ mới được trở về. Nghi thức đón tiếp này được thực hiện nghiêm túc trong suốt cuộc hành trình cả đi lẫn về của đoàn sứ nước ta.

Riêng với phái đoàn của ta, mặc dù tháp tùng vua giả đi sứ nhưng rõ ràng trước bá quan văn võ của nhà Thanh, đoàn sứ mình vẫn thản nhiên nhận sự đối đãi, cho thấy sự bình tĩnh hiếm có của những sứ giả nước Nam. Mọi việc thuận lợi và “qua mặt” được tất cả chính quyền Mãn Thanh quả là một chiến tích lưu danh với sử xanh.

Lời bàn:

Lịch sử thời kỳ phong kiến ở nước ta đã ghi nhận, thông qua thư từ bang giao với nhà Thanh, vương triều Tây Sơn đã khẳng định mạnh mẽ nền độc lập và chủ quyền dân tộc. Nêu cao  tinh thần dân tộc và chủ quyền quốc gia, cùng với ý chí bất khuất, kiên cường, quyết chiến, quyết thắng các thế lực xâm  lược là tư tưởng chủ đạo trong các áng văn ngoại giao của nhà Tây Sơn qua ngọn bút tài hoa Ngô Thì Nhậm. Trong lịch sử dân tộc, vương triều Tây Sơn không chỉ gắn liền với những võ công hiển hách trong kháng chiến chống xâm lược mà còn để lại những trang sử ngoại giao vẻ vang và đặc sắc. Thành quả ngoại giao to lớn của vương triều Tây Sơn với nhà Thanh Trung Quốc không thể tách rời tư tưởng ngoại giao lỗi lạc của Ngô Thì Nhậm.

Đó là tư tưởng ngoại giao chủ động, dựa trên sức mạnh chính nghĩa và thực lực của dân tộc, vừa kiên quyết vừa mềm dẻo, linh hoạt, khôn khéo đồng thời biết giữ “thể diện” cho nước lớn - Thanh triều. Tư tưởng ngoại giao đặc sắc thời Tây Sơn còn để lại nhiều bài học lịch sử quý giá cho hậu thế. Với tư tưởng ngoại giao hết sức linh hoạt, khôn khéo cộng với những nhà ngoại giao lỗi lạc, uyên thâm như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, đây là những bài học sâu sắc về sách lược ngoại giao của tổ tiên để lại cho chúng ta. Và trong tình hình hiện nay, những bài học ấy vẫn vẹn nguyên giá trị.

N.D

  • Từ khóa
110051

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu