Thứ 2, 20/05/2024 09:38:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:26, 28/01/2018 GMT+7

Trung thần chết oan

Chủ nhật, 28/01/2018 | 15:26:00 310 lượt xem

BP - Năm 1443, Nhân Tông còn nhỏ, thái hậu Nguyễn Thị Anh  coi chính sự, Trịnh Khả được phong làm Nhập nội suy trung tá lý Dương Vũ công thần, kiêm Lỗi Giang trấn phủ quân thượng tướng quân, cai quản việc quân các vệ Tây đạo, quận thượng hầu. Khi ấy, vua Chiêm Thành là Bí Cai 2 lần mang quân vây Hóa Châu. Năm 1446, triều đình sai ông làm tiên phong đi đánh, các tướng Lê Thụ, Lê Khắc Phục đi sau. Trịnh Khả phá được thành Thi Nại, dụ được cháu Bí Cai là Tả Quý Lai đến ăn thề, sai Tả Quý Lai dụ Bí Cai ra hàng. Sau đó, lại lập Tả Quý Lai làm vua. Trở về, ông được phong làm Suy trung tán trị dương vũ tĩnh nạn công thần, Thái Nguyên trấn phiêu kỵ thượng tướng quân, đặc tiến làm khai phủ nghi đồng tam ty, nhập nội thiếu úy, kiểm hiệu bình chương quân quốc trọng sự, thượng trụ quốc, ban kim phù, Quốc thượng hầu.

Minh họa: S.H

Trịnh Khả cùng Lê Thụ là bậc thái tể đứng đầu triều đình. Ông luôn là người thẳng thắn, giữ phép công và chức phận, lấy việc sửa lỗi cho vua nhỏ làm trách nhiệm. Trịnh Khả dùng pháp luật rất nghiêm khắc, đã xử án thì không thể xin nới tay. Sinh thời, Trịnh Khả là người nghiêm nghị và rất thẳng thắn. Sử cũ có chép 2 mẩu chuyện khá độc đáo về ông, xin trích dịch như sau: Một hôm, ông vừa từ buổi chầu trở ra thì thấy có đám đông tụ tập ở trước cổng dinh công đường, trong số ấy, có người cầm cái lưới săn. Ông vội bảo họ phải cất đi ngay, không được để vua trông thấy, vì như thế sẽ kích thích tính ham mê săn bắn của vua sau này. Ông là người phòng xa cẩn thận như thế. Lúc này, vì vua Nhân Tông còn quá nhỏ (nhà vua lên ngôi năm 2 tuổi), cho nên Trịnh Khả mới sợ như thế.

Ngày ấy, viên quan giữ chức Chủ bạ của Nam Đạo là Đàm Thảo Lư ẩn lậu 4 quan tiền thuế, theo phép thì chưa đến nỗi phải xử tử, nhưng vì hắn từng vu hãm Nguyễn Thiên Tích, cho nên ông ghét lắm, quyết khép vào tội phải chết mới thôi. Viên quan giữ chức Chuyển vận Phó sứ của huyện Văn Bàn là Trương Tông Ký ăn hối lộ. Việc ấy bị phát giác, các quan tả hữu xin tha, ông nói: Ăn trộm của một nhà còn không thể nào tha, huống chi là ăn trộm của một huyện. Nói xong, ông giao xuống cho các quan tra xét. Rốt cuộc, viên Chuyển vận Phó sứ bị xử tội phải chết. Các quan thời bấy giờ, không ai là không sợ. Ông cứ theo ý mình mà làm hết chức phận. Trong khoảng vài năm, nước nhà được yên ổn.

Trịnh Khả là người trung thành, thanh liêm và tận tụy. Nhờ tài năng và công lao hoạt động quân sự ngay trong thời hậu chiến, ở đời trị vì của vua Lê Thái Tông (1434-1442), giữa những rối ren bè phái, tranh chấp quyền lực (mà đứng đầu và cũng đồng thời thành nạn nhân là những võ tướng đồng đội cũ: Tể tướng Lê Sát, Lê Ngân...), Trịnh Khả không những đã thoát hiểm mà còn ngày càng trở thành cận thần của nhà vua.

Ông là người chủ chốt hộ giá vua Lê Thái Tông trong chuyến đi kinh lý miền Đông Bắc năm 1442, đồng thời là quan chức cao cấp nhất có mặt trong cái đêm định mệnh: Lê Thái Tông chết đột ngột và đầy uẩn khúc. Vì thế, ông cũng là người đứng đầu danh sách các đại thần nhận cố mệnh phò lập thái tử Bang Cơ lên ngôi (tức Lê Nhân Tông) và trong đời trị vì của nhà vua này, ông giữ vai trò trọng thần hàng đầu. Nhưng, cũng tương tự không ít trung thần và lương tướng đương thời, Trịnh Khả chẳng khác gì cái gai trước mắt bọn tiểu nhân xu nịnh và chúng đã tìm mọi cách để hại ông. Tháng 7-1451, có người gièm pha rằng cha con Trịnh Khả kết đảng mưu phản. Thái hậu Nguyễn Thị Anh sai bắt giết ông cùng con là Trịnh Bá Quát. Bà thái hậu này cũng là người đã kết tội tru di tam tộc đối với Nguyễn Trãi năm 1442. Khi ấy, mọi người đều cho rằng ông bị oan.

Nhưng phải 2 năm sau, khi vua Lê Nhân Tông khôn lớn, ra coi việc triều chính và thấy được nỗi oan nên đã khôi phục lại quan tước cho Trịnh Khả và ban cho con cháu ông 100 mẫu ruộng. Năm 1484, Lê Thánh Tông truy tặng ông làm Thiếu phó Liệt quốc công, sau lại truy tặng làm Hiển Khánh vương, cho thờ ông ở miếu trong làng. Do ông có công cứu thoát mẹ của Thánh Tông khi còn là tiệp dư của Thái Tông nên con cháu ông được biệt đãi hơn các bề tôi khác.

Lời bàn:

Theo Lê Lợi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh từ những ngày đầu, có rất nhiều người tài ba xuất chúng, lập nhiều chiến công hiển hách và được vinh danh là khai quốc công thần, như: Nguyễn Trãi, Lê Sát, Lê Ngân, Trịnh Khả, Lưu Nhân Chú,... Song, khi đất nước thái bình thì chính những người này lại trở thành nạn nhân của sự ganh tỵ và tranh giành quyền lực. Lê Sát thì phải uất ức, tức tưởi chết vì một ly thuốc độc, Lê Ngân phải nuốt hận mà treo cổ, Lưu Nhân Chú và Trịnh Khả cùng con trai bị chém rơi đầu, còn Nguyễn Trãi thì bị tru di cả 3 họ.

Nếu chiếu theo luật pháp thời nay, tội trạng của các công thần nhà Lê phải được đưa ra xem xét bởi một phiên tòa. Trong phiên tòa ấy, người buộc tội phải chứng minh được hành vi của họ đã phạm vào tội gì, đáng phải xử phạt ra sao. Cho dù họ có đáng tội chết thì cũng phải có một bản án và chứng cứ rõ ràng. Vẫn biết rằng vào thời ấy, vua bắt các bề tôi phải chết thì họ không thể không chết, nhưng quyết định này của nhà vua khiến các bậc khai quốc công thần và con cháu họ không phục. Đây chính là nguyên nhân và cũng là dấu mốc về sự suy vi của nhà Lê sơ và không bao lâu sau, ngôi báu của nhà Lê rơi vào tay nhà Mạc.

ND

  • Từ khóa
110011

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu