Thứ 2, 20/05/2024 09:03:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:24, 24/12/2017 GMT+7

Tể tướng mặc áo vá

Chủ nhật, 24/12/2017 | 09:24:00 292 lượt xem
BP - Theo sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, Trần Cảnh là người làng Điền Trì, xã Hộ Xá, tổng Đột Lĩnh, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, đạo Hải Dương. Ông đỗ tiến sĩ năm 1718, làm quan suốt 40 năm. 22 năm đầu, ông giữ chức thấp, rồi làm Tế tửu Quốc Tử Giám và Đốc đồng, Hiệp trấn các xứ. 18 năm sau, ông mới được tin dùng, lần lượt làm Thượng thư bộ Công, bộ Hình, bộ Binh, bộ Lễ, hai lần làm tể tướng.

Ông nổi tiếng thanh liêm chính trực, rất ghét các thói xấu của đám quan lại. Trước hết là thói tham lam vơ vét tiền bạc của nhân dân của đám quan lại, ông rất ghét và khinh bỉ. Ông thấy đám quan của triều đình: Vẫn làm việc xấu xa, vui say tửu sắc, nói là đi bảo vệ dân nhưng thực chất là đi cướp của dân. Chúng vơ vét từ cái chổi cùn, rế rách của dân. Đám quan lại này, khi được nhà vua giao cho quyền quản lý họ là ông kiên quyết thanh trừng.

Minh họa: S.H

Thứ hai là nạn hối lộ rất phổ biến, ở chỗ nào cũng thấy, cấp nào cũng có. Ngày 18-1-1741, ông nhậm chức Tể tướng lần thứ nhất. Tháng 7 năm đó, có viên quan nội thị tên Nghệ là người nhà của quan Tham tụng trước đây, tham ô khi “xuất nạp đồ chính”, ông kiên quyết phế truất, dù có một viên quan ngang cấp với ông kiên quyết không đồng ý. Ở bộ Hộ có 4 viên lại nhận hối lộ. Ông cho điều tra và khi chúng nhận tội, ông xử chúng án tử hình và tịch thu toàn bộ gia sản. Các quan trong triều nhiều người không ưa nên khi có điều kiện là đề nghị nhà vua chuyển ông đi làm việc khác.

Thứ ba là nạn thâu gom ruộng đất vào tay các quan. Ông thấy đây là điều bất công lớn nhất trong xã hội. Khi được nhà vua trao cho chức Điền chính sứ quản lý về ruộng đất, ông xem sổ kê khai, thấy các quan có quá nhiều ruộng đất mà các hộ dân thì nhiều người không một tấc cắm dùi. Ông đề nghị nhà vua cho chia lại ruộng đất một cách chính thức, vì sau những cuộc đại loạn, tình hình càng rối ren, không thể truy cứu vào đâu được. Chủ trương ấy của ông, các đạo (tỉnh) phần nhiều bỏ bễ, không làm hoặc làm qua quýt, không chịu tra xét. Riêng ông ghét thậm tệ nạn đó nên ra sức thi hành, chủ yếu là giúp đỡ kẻ yếu (để họ có ruộng đất mà làm ăn), ức chế kẻ cường quyền, tước ruộng của kẻ mạnh chia cho người yếu. Một tư tưởng có thể nói là rất hiếm có ở thời Lê. Tất nhiên, do chạm vào quyền lợi thiết cốt của đám quan lại tham nhũng nên sau đó người khác thay chức ông và việc bị bãi bỏ.

Thứ tư là khi ông đi công cán ở địa phương nào, ông đều lệnh trước cho địa phương đó không được thết đãi bằng cách giết gà, mổ lợn. Như vậy, ngay giết gà để đãi ông cũng cấm. Chỉ ăn rau, tôm cá như ăn ở nhà mà thôi, vì dân còn đang đói. “Tôm cá là loài vật nhỏ... còn lợn gà thì không thể được”. Khi ông thết đãi quan từ hàng thượng thư trở lên, chỉ giết gà, chưa từng mổ lợn.

Thứ năm, nêu gương sáng hiếm có ở thời đại ông: Một là, toàn bộ ruộng đất đã mua từ lúc ra làm quan, đều đem trả lại cho dân, đồng thời không lấy tiền chuộc vì ông cho rằng, tiền lương mà ông lĩnh hằng năm đã là tiền của dân rồi, dùng tiền đó mà mua ruộng thì đã trả ruộng là xong, sao còn lấy lại tiền đã bỏ ra mua ruộng. Từ năm 1741, tức năm ông nhậm chức Tể tướng, về sau, ông không mua ruộng nữa. Hai là, tuyệt đối không biếu xén ai và không nhận hối lộ của bất cứ ai. Khi ông làm Hiệp trấn xứ Sơn Tây, có người phạm tội bán cả nhà đi nộp cho ông xin được tha, ông kiên quyết từ chối, vẫn xử đúng tội. Có người muốn độc quyền bán muối, được nhà vua đồng ý rồi đến biếu quà ông nhưng ông không nhận. Sau đó, ông tâu lên nhà vua rằng, nếu việc đó được làm, e sau này ông ta sẽ tự ý nâng giá để bóp chẹt dân, không ai kiểm soát được.

Có quan ngang cấp đến tận nhà ông xin miễn tội cho người nhà hay người mà ông ta bảo lãnh, ông đều từ chối. Vì thế, nhiều quan tức giận, vu cáo ông. Chính vì lẽ đó, ông luôn bị giáng cấp, có khi xuống đến 6 bậc, vẫn “tuyệt đối không kêu ca, cũng không nhờ ai xin cho”.

Lời bàn:

Theo các tài liệu còn lưu truyền đến ngày nay, tuy làm quan đến chức Tể tướng, tức là người dưới vua nhưng đứng trên bách quan trong triều đình, nhưng Trần Cảnh vẫn rất vui với cảnh nghèo. Khi ông tháp tùng vua đi công cán, vợ con đói đến mức phải đến bộ Lại xin trợ cấp tiền gạo để cứu đói. Phạm Đình Hổ viết về Trần Cảnh như sau: Làm quan đến bậc khanh tướng mà vẫn ở trong nhà tranh vách đất thì tôi chưa thấy một ai. Ông thường dặn vợ con: Nhà mình vốn xuất thân từ người dân cày nên ăn mặc phải như những người tá điền, phải tiết kiệm, nấu ăn không được để thừa.

Vì thế, không những người đương thời mà cả hậu thế ngày nay đều tôn vinh ông là một vị quan suốt đời vì dân, coi hạnh phúc của người dân là mục đích sống còn của kẻ làm quan. Cuộc đời và sự nghiệp của ông xứng đáng là gương sáng cho hậu thế hôm nay và mãi mãi về sau noi theo. Tiếc rằng, thời nay không phải ai cũng học và làm theo gương sáng của tiền nhân. Bởi thế đâu đó mới có người phải lâm vào cảnh lao lý vì bòn rút của công, vì lợi ích nhóm...

N.D

  • Từ khóa
109999

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu