Thứ 2, 20/05/2024 07:27:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:22, 26/11/2017 GMT+7

Lòng dân

Chủ nhật, 26/11/2017 | 15:22:00 111 lượt xem

BP - Theo sử cũ, sau khi loạn Trần Cảo tạm được dẹp yên thì các đại thần nhà Lê quay sang đánh nhau. Nguyễn Hoằng Dụ và Trịnh Tuy trở về kinh nghe theo lời gièm pha của con em nên xảy ra hiềm khích. Hoằng Dụ đóng quân ở phường Đông Hà, Trịnh Tuy đóng quân ngoài thành Đại La để giữ nhau. Hoằng Dụ cáo ốm không vào chầu. Nguyễn Quán Chi tâu lên vua việc đó. Vua Chiêu Tông đem chuyện Lạn Tương Như và Liêm Pha nước Triệu thời Chiến Quốc để khuyên 2 tướng giảng hòa nhưng không được.

Minh họa: S.H

Nguyễn Hoằng Dụ đem quân đánh Trịnh Tuy ở các phường Vĩnh Xương, Khúc Phố, Phục Cổ tại kinh thành, 3 lần đánh mà không được. Tỳ tướng của Trịnh Tuy là Nguyễn Thế Phó trúng tên phải lui. Tuy bèn chạy vào Thanh Hoa. Trần Chân về phe với Tuy thấy Nguyễn Hoằng Dụ đuổi Trịnh Tuy, bèn cất quân đánh Hoằng Dụ. Sau đó Chân mật gửi thư cho con em ở các dinh Sơn Tây là Nguyễn Kính, Nguyễn Áng cùng đánh. Hôm ấy, Nguyễn Hoằng Dụ vào yết kiến vua, định ra cửa Đại Hưng, nhưng ông ngờ là có Trần Chân ở đó nên ra cửa Đông Hoa. Lát sau, ông xuống thuyền lánh về Thanh Hoa.

Bấy giờ, thông gia của Trần Chân là Mạc Đăng Dung trấn thủ Sơn Nam, Trần Chân gửi thư khuyên Đăng Dung chặn giữ lại. Song Đăng Dung không nỡ nên Hoằng Dụ đi thoát. Sau khi đuổi được Hoằng Dụ, Trần Chân một mình nắm quyền trong triều. Đầu năm 1517, theo lời của Trần Chân, Lê Chiêu Tông sai Nguyễn Công Độ đem quân bộ, Mạc Đăng Dung đem quân thủy đuổi Hoằng Dụ chạy vào huyện Thuần Hựu. Quân triều đình đào mả cha Hoằng Dụ là Nguyễn Văn Lang. Hoằng Dụ lại hội quân chống đối với triều đình. Ông gửi bức thư và một bài thơ cho Mạc Đăng Dung, khuyên Đăng Dung đừng bức bách mình. Mạc Đăng Dung nhận được thư liền đóng quân không đánh. Hoằng Dụ được toàn quân chạy về. Quyền thế của Trần Chân ngày càng lớn. Tháng 7-1518, vua Chiêu Tông tin theo lời gièm pha của các cận thần, sợ Trần Chân cướp ngôi, bèn dụ Trần Chân vào cung giết chết.

Các thủ hạ của Trần Chân là Nguyễn Kính, Nguyễn Áng, Hoàng Duy Nhạc mang quân đánh vào kinh đô báo thù. Vua Chiêu Tông không chống nổi, đang đêm phải bỏ chạy sang dinh Bồ Đề ở Gia Lâm để tránh. Bấy giờ, Trịnh Tuy đóng quân ở xứ Sơn Nam có trên 1 vạn người, nghe tin vua chạy ra ngoài, quân lính tan cả. Thế là quân Nguyễn Kính thả sức cướp phá, trong thành sạch không. Chiêu Tông cho gọi Nguyễn Hoằng Dụ ra đánh Nguyễn Kính, nhưng Hoằng Dụ vì lần trước vừa bị Chiêu Tông sai quân truy sát nên lưỡng lự không đi. Chiêu Tông bèn triệu thông gia của Trần Chân là Mạc Đăng Dung đang trấn thủ Hải Dương về cứu, rồi sai người đi dụ Nguyễn Kính. Nguyễn Kính đòi giết Chử Khải, Trịnh Hựu, Ngô Bính là những người gièm pha Trần Chân. Chiêu Tông nghe kế của Đàm Cử, bèn giết 3 người, nhưng Nguyễn Kính vẫn đóng quân không rút.

Tháng 9-1518, Trịnh Tuy và văn thần Nguyễn Sư làm phản, lập người trong hoàng tộc khác là Lê Do, đổi niên hiệu là Thiên Hiến, làm hành diện ở xã Do Nha, huyện Từ Liêm. Trịnh Tuy sai người dụ Nguyễn Kính và Kính thấy Tuy là người cùng phe với Trịnh Duy Sản và Trần Chân trước đây nên đồng lòng đi theo. Trước thế lực phản quân ngày càng lớn, Chiêu Tông sai người đi mời Nguyễn Hoằng Dụ lần nữa và sai Mạc Đăng Dung cùng đi đánh Nguyễn Kính. Lần này thì Hoằng Dụ đồng ý đem quân từ Thanh Hoa ra cứu. Tuy nhiên, quân Hoằng Dụ ra Bắc giao chiến không lâu sau bị Nguyễn Kính đánh bại, chết rất nhiều. Ông tự liệu không địch nổi Nguyễn Kính, bèn bãi binh, bỏ chạy về Thanh Hoa để một mình Mạc Đăng Dung ở lại cầm cự.

Không lâu sau, Nguyễn Hoằng Dụ mất ở Thanh Hoa, không rõ bao nhiêu tuổi. Cuộc biến loạn giữa các phe phái trong triều còn diễn ra trong nhiều năm tiếp theo. Về sau, Mạc Đăng Dung thắng thế và cướp ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc. Anh họ của Nguyễn Hoằng Dụ là Nguyễn Kim đã bỏ chạy vào Thanh Hoa tập hợp lực lượng chống lại và khôi phục nhà hậu Lê vào năm 1533.

Lời bàn:

Nhà hậu Lê là triều đại lớn trong lịch sử Việt Nam, mặc dù quyền bính thăng trầm không dứt nhưng triều đại này có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước và để lại dấu ấn sâu đậm trong xã hội trên mọi phương diện. Và người có đóng góp vĩ đại nhất thời đó là Lê Thánh Tông. Thế nhưng, không đầy một thập kỷ sau khi Lê Thánh Tông qua đời, triều đình nhà Lê rơi vào cảnh hỗn loạn, suy thoái dẫn đến sự thay thế triều Lê sơ bằng chính quyền nhà Mạc. Từ đó, đất nước rơi vào cạnh loạn lạc liên miên, đời sống người dân lâm vào cảnh cùng cực.

Và cuộc nổi dậy của Trần Cảo là khởi nghĩa lớn nhất thời Lê sơ, tuy cuối cùng thất bại nhưng đã khiến triều đình nhà Lê nghiêng ngả. Các lực lượng quân phiệt khi đó lợi dụng việc chống Trần Cảo để phát triển lực lượng cho mình và hình thành các thế lực chia rẽ, chống đối nhà Lê. Dù không trực tiếp nhưng cuối cùng khởi nghĩa do ông đề xướng là nguyên nhân khiến nhà Lê sụp đổ. Thế mới biết rằng, dù hưng thịnh đến chừng nào, nhưng cái gốc của quốc gia, xã tắc là nhân dân và tài sản lớn nhất của đất nước là lòng dân, một khi lòng dân đã không yên thì cái gốc ắt sẽ lung lay.

N.D

  • Từ khóa
109987

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu