Thứ 2, 20/05/2024 09:38:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:00, 17/10/2017 GMT+7

Bi kịch một cuộc đời

Thứ 3, 17/10/2017 | 08:00:00 1,445 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Nam thực lục”, năm 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đổ bộ và tấn công tại cửa biển Đà Nẵng. Bị sự kháng cự quyết liệt tại Đà Nẵng, giặc Pháp chuyển hướng sang Nam kỳ. Năm 1859, Pháp tấn công thành Gia Định (TP. Hồ Chí Minh ngày nay). Đến năm 1862, đại đồn Chí Hòa thất thủ. Với tâm thế của kẻ yếu và cũng để tránh cuộc chiến lan rộng, Phan Thanh Giản với vai trò là Chánh sứ và Lâm Duy Hiệp là Phó sứ được triều đình cử đi điều đình với Pháp, sau đó đại diện cho triều đình Tự Đức ký kết Hòa ước Nhâm Tuất ngày 5-6-1862 tại Sài Gòn.

Hòa ước này gồm 12 khoản, với nội dung triều đình nhà Nguyễn đồng ý nhượng 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (bao gồm Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) và đảo Côn Lôn cho Pháp (Khoản 3 trong Hòa ước). đồng thời, triều đình nhà Nguyễn phải trả cho Pháp và Tây Ban Nha một khoản bồi thường chiến phí là 4 triệu piastre trong 10 năm, mỗi năm 400 ngàn đồng (quy ra bạc là 288 ngàn lạng - Khoản 8 hòa ước). đổi lại, người Pháp sẽ trả lại tỉnh Vĩnh Long cho triều đình Huế, nhưng kèm theo điều kiện là triều đình phải có biện pháp chấm dứt cuộc khởi nghĩa chống lại người Pháp ở các tỉnh (Khoản 11 hòa ước).

Minh họa: S.H

Do hành động này mà dân gian thời ấy có câu truyền “Phan - Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước; triều đình bỏ dân chúng). Theo nhà sử học Phan Huy Lê, nguồn gốc và xuất xứ của câu này chưa được làm rõ và theo ông câu này không thấy ghi chép lại trong những tác phẩm viết về Trương Định của những tác giả đương thời như Nguyễn Thông.

Tuy việc thương nghị với phía Pháp, vua Tự Đức có cho ông tùy nghi tình thế mà định đoạt, nhưng về việc cắt đất, nhà vua có căn dặn Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp ráng sức chuộc lại 3 tỉnh với giá 1.300 vạn lạng. Còn nếu phía Pháp đòi cắt đất luôn thì kiên quyết không nghe, nhưng Phan Thanh Giản đã phải cắt đất lại còn bồi thường chiến phí. Do đó 2 ông khi trở về đã bị quở trách nặng nề.

Việc chuộc 3 tỉnh không thành, Phan Thanh Giản bị cách lưu làm Tổng đốc Vĩnh Long, nhưng rồi lại được cử làm Chánh sứ (Phó sứ là Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản) sang nước Pháp để điều đình một lần nữa về việc chuộc lại 3 tỉnh miền Đông (1863), nhưng cũng không đạt được kết quả. Năm 1865, ông được phục chức Hiệp biện đại học sĩ, Hộ bộ Thượng thư, sung Kinh lược sứ 3 tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) và được tha tội cách lưu.

Ngày 20-6-1867, với dã tâm xâm lược toàn bộ vùng đất Nam kỳ, Pháp điều tàu chiến đến đánh chiếm tỉnh Vĩnh Long (vốn đã được trao trả triều đình Huế ngày 25-5-1863). Chúng còn yêu cầu ông gửi mật thư cho thủ thành An Giang và Hà Tiên buông súng đầu hàng. Trước sức mạnh áp đảo của Pháp về mặt quân sự, biết thế không thể giữ nổi nên để tránh đổ máu vô ích, Phan Thanh Giản đã quyết định trao thành, không kháng cự, với yêu cầu người Pháp phải bảo đảm an toàn cho dân chúng. Thế là chỉ trong 5 ngày (từ 20 đến 24-6-1867), Pháp chiếm gọn 3 tỉnh miền Tây không tốn một viên đạn.

Sau khi thành mất, Phan Thanh Giản gói mũ áo, phẩm hàm, kèm theo sớ tạ tội và gửi về triều. Song chờ nửa tháng vẫn không thấy triều đình hồi âm. Lo lắng rồi thất vọng, Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự sát vào nửa đêm mồng 5 tháng 7 năm Đinh Mão, tức ngày 4-8-1867, hưởng thọ 72 tuổi.

Với việc ký hòa ước Nhâm Tuất 1862 trao 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ cho Pháp, đến năm 1867, ông lại để mất 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ vào tay giặc, ông đã bị triều đình Huế buộc tội dù đã chết, bị đục bỏ tên khỏi bia tiến sĩ. 12 năm sau, vua Đồng Khánh mới khôi phục danh dự cho ông. Nhiều thập kỷ sau, vẫn còn có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều về công - tội của ông. Đến năm 2008, Viện Sử học Việt Nam mới thống nhất kết luận và công nhận đức độ, tài năng, sự cống hiến của ông.

Lời bàn:

Phan Thanh Giản ra đời trong lúc chế độ phong kiến Việt Nam đã suy yếu đến cực độ. Vì vậy, dù là vị quan thanh liêm, đức độ, cương trực, có tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, nhưng một mình ông không thể chèo chống nổi. Hơn nữa, với dã tâm xâm lược của giặc Pháp cùng sức mạnh vượt trội, Nam kỳ lục tỉnh rơi vào tay giặc là việc tất yếu phải xảy ra. Và khi ấy, lịch sử nhân loại đã sang trang, chính nghĩa phong kiến đã nhường chỗ cho chủ nghĩa tư bản, nhưng ở Việt Nam giai cấp địa chủ phong kiến đã lỗi thời vẫn tồn tại và nắm giữ quyền uy... Và tất cả những điều này đã góp thêm vào nguyên nhân gây nên sai lầm của ông.

Việc Phan Thanh Giản ký hòa ước về 3 tỉnh miền Đông cũng như để thất thủ 3 tỉnh miền Tây là những sai lầm, nhưng trách nhiệm chính về sai lầm đó là thuộc triều đình vua Tự Đức, còn ông chỉ là người thừa hành và liên đới chịu trách nhiệm. Vì vậy, sự quyên sinh của Phan Thanh Giản trong điều kiện và hoàn cảnh ấy là đáng ca ngợi. Bởi đó là việc làm biểu lộ rõ phẩm chất của một người suốt đời tận tụy với dân với nước, nhận trách nhiệm trước sai lầm của mình, không tham danh hám lợi, không tham sống sợ chết mà đã tự nguyện quyên sinh.

H.B

  • Từ khóa
109972

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu