Thứ 2, 20/05/2024 08:59:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:30, 24/09/2017 GMT+7

Lời khuyên bất hủ

Chủ nhật, 24/09/2017 | 15:30:00 157 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Bạch Liêu quê làng Yên Xá, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu (nay là xã Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), mất năm 1315. Ông thông minh, nhớ lâu, đọc sách ngàn dòng một mạch. Ông đỗ trạng nguyên năm 1266, đời vua Trần Thánh Tông, nhưng không ra làm quan. Ông ở lại làm môn khách giúp Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải được triều đình giao trấn giữ vùng Nghệ An. Với tư cách là một quân sư, ông đã giúp Trần Quang Khải thảo ra kế hoạch về tuyển quân và dự trữ lương thực, củng cố biên giới phía Nam (gọi là Biến pháp tam chương), góp phần quan trọng trong việc đánh thắng quân Nguyên - Mông. Được cử theo đoàn sứ bộ sang nhà Nguyên, bằng trí tuệ uyên bác và tài ngoại giao, ông đã góp phần thiết lập quan hệ ngoại giao hòa hiếu giữa 2 nước.

Minh họa: S.H

Trạng nguyên Bạch Liêu còn được biết đến là một người say mê tìm hiểu các hiện tượng kỳ lạ. Chính ông đã giúp dân chúng hiểu được những hiện tượng kỳ lạ đó chỉ là những hiện tượng bình thường của tự nhiên chứ không phải do ma quỷ, thần thánh tạo ra... Chuyện xưa kể rằng, vào mùa khô, những cơn gió Lào thổi về càng làm cho không khí vùng Đông Thành, quê của Bạch Liêu, thêm ngột ngạt, bức bối. Không khí khô hạn đến nỗi người ta phải dời bếp đun xa hẳn khỏi nhà, đến gần những nơi chứa nước. Chỉ cần một tia lửa bắn ra, mọi thứ đều có thể bốc cháy ngùn ngụt. Đặc biệt, những ngọn lửa ở vùng khô hạn này có nhiều điều quái lạ. Dường như càng hắt nước vào thì nó càng cháy to. Lửa vừa cháy vừa giật đùng đùng, thiêu rụi mọi thứ thì mới chịu ngưng.

Người già ở làng kể lại với con cháu rằng, ngày xưa có một chàng trai làng đã dám bỡn cợt với vợ thần lửa khi bà ta biến thành một thiếu nữ xuống trần dạo chơi. Từ đó trở đi, hằng năm thần lửa đều trừng phạt dân chúng làng Nguyên Xá bằng cách thiêu rụi một vài ngôi nhà. Người ta lập cả đền thờ thần lửa rồi bốn mùa dâng hoa quả, đốt trầm xin thần nguôi giận. Có một điều trùng hợp là năm nào vào mùa khô, ít nhất cũng có một ngôi nhà trong làng bị thiêu rụi dù dân chúng có cẩn thận đến đâu chăng nữa.

Năm ấy trời khô hạn hơn mọi năm. Khí hậu khắc nghiệt đến mức ngay cả những ngọn gió tây nóng rát cũng không còn thổi đến nữa. Trời lặng gió đến ghê người. Thế nhưng, đáng ngạc nhiên thay, nhà Bạch Liêu lại bị cháy. Sau khi ôm được đống sách ra ngoài, Bạch Liêu và gia đình đành đứng nhìn ngọn lửa nhanh chóng thiêu rụi căn nhà của mình. Và lần đó, Bạch Liêu phát hiện ra rằng, trời không hề có gió nhưng mà gió ở ngọn lửa lại rất lớn. Mọi người cũng công nhận điều này và cho rằng đó đúng là một ngọn lửa ma quái. Chỉ đến khi ngôi nhà cháy rụi thì ngọn lửa mới thôi nhảy múa.

Sau khi nhà cháy, gia đình Bạch Liêu dựng một túp lều nhỏ trên nền nhà vừa bị cháy. Một lần, Bạch Liêu được giao nhiệm vụ đun nước pha trà tiếp khách. Vì mải đọc sách, Bạch Liêu không để ý đến bếp cho đến khi cha giục lấy nước. Lúc đó, Bạch Liêu mới ngạc nhiên khi thấy dường như có gió thổi vào đống lửa và khi lửa cháy càng cao thì cảm giác có gió càng thấy rõ. Khi ấy, siêu nước sôi sùng sục nhưng Bạch Liêu cứ tròn mắt đứng nhìn, quên cả mang nước vào cho cha. Ngay tối hôm đó, Bạch Liêu gặp một người bạn, nói ra suy nghĩ của mình. Rồi hai người cùng đốt một đống lửa và thấy đúng như vậy. Tuy nhiên, vì không thể lý giải nên Bạch Liêu và bạn quyết định đợi đến sáng để đi hỏi thầy giáo.

Sáng hôm sau, Bạch Liêu cùng bạn đến lớp, đem thắc mắc hỏi thầy. Thầy đồ cũng đốt một đống lửa, rồi lại đốt cây nến để có thể thấy được “ngọn gió ma quái”. Sau những gợi ý của thầy giáo, Bạch Liêu đã nhanh trí hiểu được vấn đề và phát hiện ra rằng những ngọn gió ấy được sinh ra từ chính đám cháy. Khi đám cháy càng lớn, không khí càng bị đốt nóng thì những luồng không khí mới sẽ ùa đến càng nhanh, tạo ra gió. Đây hoàn toàn là một hiện tượng bình thường của tự nhiên chứ không phải như dân làng vẫn lo sợ là thần lửa hay thần gió nổi giận.

Lời bàn:

Dưới thời phong kiến, mục đích của các nho sinh là thi đậu rồi ra làm quan để gia đình, dòng họ được rạng danh. Khác với những người đương thời, tuy đậu trạng nguyên nhưng Bạch Liêu xin không ra làm quan mà ở nhà báo hiếu song thân, góp công sức xây dựng quê nhà. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược lần thứ 2, ông là người có những đóng góp nhất định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống giặc nên Bạch Liêu có tên trong danh sách được triều đình định công ban thưởng, nhưng ông từ chối mọi tước vị, vật phẩm. Chỉ riêng điều này cũng đủ thấy phẩm chất cao quý của ông: Không màng công danh phú quý, chịu nghèo khó lo phụng dưỡng cha mẹ, giúp đỡ quê hương. Vào thời ấy, không phải ai cũng có được tư duy như ông.

Trong suốt cuộc đời của mình, trạng nguyên Bạch Liêu cố gắng giải thích các hiện tượng tự nhiên một cách dễ hiểu rồi cho người chép thành nhiều bản để phổ biến trong dân chúng. Vì thế, sau khi mất, dân chúng suy tôn ông như vị thần có thể trừ ma quỷ. Và điều mà hậu thế trân trọng, tôn vinh ở trạng nguyên Bạch Liêu là tư tưởng vượt thời đại của ông được thể hiện rõ trong quan điểm: Làm quan hay không làm quan thì cũng đều là con dân của nước Đại Việt. Dân chúng không chỉ là gốc của nước nhà mà đời sống của dân chúng còn chính là nơi lưu giữ những ý tưởng, những ước mơ của các bậc hiền nhân Đại Việt. Nếu chăm dân không tốt, ấy là ta có tội với chính tổ tông chúng ta. Hậu thế xin đừng ai quên lời dạy bất hủ này.

N.D

  • Từ khóa
109962

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu