Thứ 2, 20/05/2024 07:07:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:48, 10/09/2017 GMT+7

Voi đất biết đi

Chủ nhật, 10/09/2017 | 13:48:00 277 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên khi 13 tuổi. Ông là người làng Dương A, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường (nay là xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Ông thi đỗ trạng nguyên và trở thành trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam, tại khoa thi tháng 2-1247, thời vua Trần Thái Tông. Cùng năm đó có Lê Văn Hưu (17 tuổi) đỗ bảng nhãn và Đặng Ma La (14 tuổi) đỗ thám hoa. Đây cũng là khoa thi đầu tiên trong lịch sử đặt ra danh vị Tam khôi (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa). Vì còn thiếu niên nên vua cho ông về quê 3 năm tu dưỡng, sau ra làm quan đến chức Thượng thư bộ Công.

Ông mồ côi cha từ bé và được mẹ cho theo học sư thầy trong làng. Cậu bé Nguyễn Hiền sớm thể hiện tư chất thông minh vượt trội, học tập rất nhanh. Năm 11 tuổi, Hiền đã nổi tiếng và được mệnh danh là thần đồng. Năm 1247, triều đình mở khoa thi. Nguyễn Hiền lúc đó mới 13 tuổi khăn gói lên kinh dự kỳ thi đình với bài phú “Áp tử từ kê mẫu du hồ phú”. Với trí tuệ tinh thông hơn người đã giúp ông đạt danh hiệu Trạng nguyên - vị trí cao nhất trong Tam khôi. Khi vào cung diện kiến nhà vua, vua Trần Thái Tông rất thán phục khả năng ứng đối trôi chảy của trạng nguyên nhỏ tuổi, bèn hỏi ông học thầy nào. Nghe Nguyễn Hiền kể ông chỉ tự học, chỗ nào không hiểu thì hỏi sư thầy, vua cho rằng, trạng có tài nhưng còn nhỏ tuổi nên chưa hiểu hết lễ nghĩa và phán: Trạng nguyên niên ấu vị tri lễ hứa hồi gia học lễ đãi tam niên nhi hậu dụng (trạng nguyên còn nhỏ tuổi chưa hiểu hết lễ nghĩa, về nhà học tiếp và 3 năm sau sẽ trọng dụng). Vì thế, mặc dù đỗ cao, Nguyễn Hiền chưa được phong chức quan hay mũ áo. Ông trở về quê, tiếp tục học và đọc sách.

Trên thực tế, sử sách viết về Nguyễn Hiền không nhiều, đa phần là những giai thoại truyền miệng, trong đó, nổi tiếng nhất là câu chuyện ông nặn voi biết đi và câu trả lời về cách xâu chỉ qua ốc. Trong cuốn Kho tàng về các ông trạng Việt Nam, giáo sư Vũ Ngọc Khánh viết về 2 giai thoại như sau: Khi về quê, ngoài việc phụng dưỡng mẹ và đọc sách, cậu bé Nguyễn Hiền vẫn thường xuyên chơi đùa cùng các bạn. Có lần sứ giả nước khác sang thăm, thách đố vua quan nhà Trần xâu chỉ qua con ốc. Triều đình bó tay. Lúc đó, vua mới nhớ đến trạng Nguyễn Hiền, sai người đến hỏi ý kiến.

Minh họa: S.H

Viên quan được giao việc đến quê trạng gặp ngay một lũ trẻ chăn trâu đang nghịch đất ngoài làng. Trong đó, một đứa bé mặt mũi khôi ngô chỉ huy nhóm bạn nặn voi từ đất. Kỳ lạ là con voi đó có thể đi, hỏi ra mới biết, đám trẻ dùng cua làm mình voi và lấy đỉa làm vòi nên con voi có thể di chuyển. Viên quan đoán đây là trạng Nguyễn Hiền nhưng vẫn ra vế đố để thử tài: Tự là chữ, cắt giằng đầu, chữ tử là con, con ai con ấy? Trạng nhanh chóng ứng đối: Vu là chưng, bỏ ngang lưng, chữ đinh là đứa, đứa nào đứa này! Biết chắc đây là người cần tìm, viên quan xuống ngựa và truyền lại ý chỉ vua muốn mời Nguyễn Hiền về kinh nhưng trạng không chịu vì cho rằng, vua làm vậy cũng không đúng lễ. Viên quan đành thuật lại câu đố của sứ giả nước ngoài, Nguyễn Hiền xui bọn trẻ hát: Tích tịch tình tang; Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng; bên thì lấy giấy mà bưng; Bên thì bôi mỡ kiến mừng kiến sang. Viên quan nghe xong, biết đây là câu trả lời triều đình cần liền vội vã về kinh.

Sau này, Nguyễn Hiền vào triều làm quan. Theo cuốn “Danh nhân văn hóa Nam Định”, sử sách không ghi lại được quá trình làm quan cùng những công trạng của ông khi giữ trọng trách trong triều đình. Ông cũng không sáng tác thơ văn hoặc có sáng tác nhưng đã thất truyền. Còn theo một số ghi chép khác, có thể Nguyễn Hiền làm đến chức Thượng thư bộ Công và từng cho đắp đê quai vạc sông Hồng. Năm 1255, Nguyễn Hiền lâm bệnh nặng và qua đời. Nhà vua thương tiếc truy phong ông là “Đại vương thành hoàng” và tôn làm thần ở 32 nơi. Cuộc đời ngắn ngủi của vị khai quốc trạng nguyên được tóm gọn trong cuốn “Ngọc phả” được bảo tồn tại đền thờ trạng nguyên Nguyễn Hiền ở quê hương ông.

Lời bàn:

Từ nội dung của hai giai thoại trên đây cũng đã quá đủ để người đương thời cũng như hậu thế ngày nay thấy được sự thông minh, lanh lợi của Nguyễn Hiền, đồng thời phần nào khái quát được tài năng lỗi lạc của trạng nguyên đầu tiên và nhỏ tuổi nhất trong lịch sử khoa cử nước ta. Điều hậu thế phải kính trọng và tôn vinh ở trạng nguyên Nguyễn Hiền là ông không chỉ rất thông minh và ham học, mà đáng quý hơn ông có thái độ học tập nghiêm túc, luôn tìm tòi, mày mò để học và để được học. Hơn thế nữa, ông biết khả năng của bản thân, biết vận dụng đúng lúc trí tuệ để thử khả năng của mình và cuối cùng là ông biết vận dụng khả năng vào thực tiễn cuộc sống để giúp ích cho đời.

Trong thời gian làm quan ở triều đình, ông đưa ra nhiều kế sách giữ nước và chính nhờ trí tuệ cũng như tài năng của ông mà vương triều Trung Quốc thời đó phải nể phục nước Nam ta. Giữa lúc tài năng và sự nghiệp giúp dân giúp nước đang trên đà phát triển mạnh, ông đã tạ thế vì căn bệnh hiểm nghèo khi vừa tròn 20 tuổi. Cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng tài năng, công đức và học vấn uyên thâm của trạng nguyên Nguyễn Hiền đã làm rạng danh thế hệ trẻ của Việt Nam, xứng đáng là gương sáng về năng lực tự học thành tài, về đức độ yêu nước thương dân... Ông xứng đáng được ghi nhận như là một nhà bác học, nhà ngoại giao và nhà chính trị kiệt xuất của dân tộc.

N.D

  • Từ khóa
109956

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu