Thứ 2, 20/05/2024 07:26:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:54, 23/01/2014 GMT+7

Chuyện về Trịnh Tùng

Thứ 5, 23/01/2014 | 08:54:00 166 lượt xem

Theo sử sách còn lưu truyền cho đến ngày nay thì ngày 18 tháng 2 năm Canh Ngọ (1570), thượng tướng Thái Quốc Công là Trịnh Kiểm bị đau nặng và qua đời tại Thăng Long. Sau đó, triều đình đã truy tôn ông làm Minh Khang Thái Vương và đặt cho tên thụy là Trung Huân.

Ngay sau khi Trịnh Kiểm chết, nhà vua đã ban chiếu chỉ cho con trưởng của Trịnh Kiểm là Tuấn Đức Hầu Trịnh Cối được phép nắm giữ binh quyền để thay cha cầm quân đánh giặc. Tuy nhiên, Trịnh Cối lại là người chỉ biết đam mê tửu sắc và khi đã có quyền bính trong tay thì lại càng ngày càng ngông cuồng, kiêu ngạo, không xót thương gì đến quân lính. Chính vì vậy mà các tướng dưới trướng đều có ý xa lánh, lìa bỏ, rồi những người theo giúp Trịnh Cối ngày một ít đi. Bấy giờ, ai ai cũng nghĩ rằng chuyện gây biến sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra, vì mầm tai họa đã xuất hiện.

Và chỉ hơn một tháng sau, điều mà các bậc quan lại trong triều ai cũng lường trước đã xảy ra. Ngày mồng 2 tháng 4 năm Canh Ngọ (1570), Đoan Vũ Hầu là Lê Cập Đệ, Văn Phong Hầu là Trịnh Vĩnh Thiệu, Vệ Vương Hầu là Trịnh Bách, cùng với Lương Quận Công, Phổ Quận Công và Lai Quận Công là Phan Công Tích, đang đêm dẫn gia quyến và binh sĩ dưới quyền tới nơi ở của Phúc Lương Hầu Trịnh Tùng để bàn định kế sách, ép Trịnh Tùng phải hành động. Trịnh Tùng bất đắc dĩ phải cùng với Lê Cập Đệ, Trịnh Vĩnh Thiệu... thu tập binh tướng, ngay đêm đó chạy ra nơi hành tại ở Yên Trường. Sáng hôm sau, họ đến dinh Kim Thành rồi ép Nghĩa Quận Công là Đặng Huấn cùng vào cửa để bái yết nhà vua. Khi vào tới cung cấm, Trịnh Tùng cùng với cả bọn vội quỳ trước bệ rồng rồi than khóc mà nói rằng:

Anh thần là Trịnh Cối, vì say đắm tửu sắc nên mất lòng người, không sớm thì muộn thế nào cũng có biến loạn xảy ra. Đêm nay, họ mưu đoạt binh lính và ấn quý của thần, bởi thế cho nên chúng thần phải đang lúc nửa đêm mà chạy vào cửa khuyết. Vậy, chúng thần đau đớn báo tin và cúi mong thượng hoàng thương tình mà thu nạp.

Nghe Trịnh Tùng và một số quan văn võ trong triều tâu vậy, vua Lê Anh Tông khi ấy chẳng biết xử trí thế nào, mà chỉ biết than rằng: Khi thượng phụ (Trịnh Kiểm) còn sống thì anh các khanh đâu có đến nông nỗi này, nay trẫm phải làm sao đây?

Ngay lúc đó, Trịnh Tùng cùng với Lê Cập Đệ, Trịnh Vĩnh Thiệu, Trịnh Bách... đã bí mật tâu với vua là xin dời hành cung vào cửa Vạn Lại rồi chia quân đóng giữ các cửa lũy để phòng bị quân giặc từ bên ngoài. Không hiểu Trịnh Tùng nói như thế nào mà nhà vua đã nghe theo. Và việc ấy đã châm lửa cho cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa anh em nhà họ Trịnh. 

Lời bàn:

Với những người vốn bản thân mình đã chẳng ra gì, nhưng lại thường hay đi nói xấu người khác, nên dân gian xưa mới có câu rằng: “Chuột chù chê khỉ rằng hôi; khỉ mới trả lời: Cả họ mày thơm”. Vẫn biết rằng chuột chù với khỉ là hai giống khác nhau, còn Trịnh Tùng và Trịnh Cối lại là hai anh em ruột. Nhưng xem ra việc Trịnh Tùng chê Trịnh Cối là người chỉ biết đam mê tửu sắc chẳng khác nào việc chuột chù chê khỉ. Bởi Trịnh Tùng sau ngày giành được ngôi chúa cũng đã trác táng, hoang dâm vô độ và lộng quyền chẳng kém gì người anh của mình.

Vẫn biết rằng giữa nói và làm là hai việc hoàn toàn khác nhau, nhưng từ sự việc trên cho thấy ngày xưa đã có những kẻ nói một đường mà làm lại một nẻo. Và có lẽ vì thế mà cho đến ngày nay dù ở đâu vẫn có không ít người nói thì hay, nhưng lại không chịu làm hoặc làm thì cũng chỉ là để cho có mà thôi. Đã vậy, với những người này thì quyền lợi đối với họ là không thể thiệt, dù chỉ là một chút nhỏ. Còn trách nhiệm, họ sẵn sàng nhường cho người khác. Vâng, ai đó không tin hãy cứ nhìn kỹ ở xung quanh mình ắt sẽ thấy.                    

N.N

  • Từ khóa
109497

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu