Thứ 2, 20/05/2024 07:47:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:52, 19/11/2013 GMT+7

Khổng Tử với “chấp chính”

Thứ 3, 19/11/2013 | 14:52:00 703 lượt xem

Khổng Tử sinh ra và lớn lên trong xã hội Trung Hoa thời Xuân Thu (722 - 481 trước Công nguyên). Đây là thời kỳ các chư hầu luôn tìm cách thôn tính lẫn nhau. Các nước lớn nuốt dần các nước bé. Một số nước lớn dần dần trở thành các chư hầu cường thịnh nên coi thường hay lăm le cạnh tranh với thế lực trung ương của nhà Chu. Cùng với chiến tranh loạn lạc là cảnh đảo ngược kỷ cương, luân thường như “tôi giết vua, con giết cha” diễn ra hằng ngày trong khoảng mấy trăm năm của thời Xuân Thu.

Lớn lên trong hoàn cảnh xã hội đó, Khổng Tử muốn đem đạo đức, luân lý cải thiện con người cũng như xã hội. Khổng Tử có chí muốn cải lương chính trị nên ông đã nói: Cẩu hữu dụng ngã giả, cơ nguyệt như dĩ khả dã, tam niên hữu thành. Điều này có nghĩa là nếu có bậc quân vương nào dùng đến Khổng Tử trong việc cai trị thì trong 1 năm ông đã có thể sắp đặt làm cho tình hình khả quan hơn và trong 3 năm thì chính sách của ông đã thành tựu vậy.

Hoài bão đem đạo thánh hiền ra thi hành để cứu đời, đem vương đạo ra áp dụng vào chính sách cai trị để làm cho quốc gia có trật tự, hưng thịnh và làm cho thiên hạ được thái bình là điều mà Khổng Tử luôn ấp ủ trong lòng. Cho nên vào năm 50 tuổi, khi Công Tôn Phất Nhiêu làm phản ở ấp Phi, gia thần họ Quý sai người đến triệu Khổng Tử ra giúp và Khổng Tử đã có ý muốn đi giúp. Nhưng rồi ngài lại không đi vì có lời can ngăn của học trò là thầy Tử Lộ. Sỡ dĩ Khổng Tử muốn ra giúp Công Tôn Phất Nhiêu vì ngài nghĩ rằng:

Vua Văn, vua Vũ ngày xưa cũng khởi sự từ một tỉnh nhỏ mà làm nên vương nghiệp của nhà Chu. Ngày nay ấp Phi tuy nhỏ, nhưng cũng cứ thử xem.

Ngài muốn thử thi hành vương đạo ở nơi ấp Phi này xem như thế nào rồi từ đó phát triển dần ra trong thiên hạ. Nhưng vì có lời can ngăn của học trò nên sau cùng ngài đã bỏ ý định ra giúp Công Tôn thất Nhiêu.

Sau đó ít lâu, vua Lỗ mời Khổng Tử giữ chức Trung Đô tể, cũng giống như kinh thành Phủ Doãn, tức là như đô trưởng ngày nay. Khổng Tử nhận lời và sau 1 năm cai trị kinh thành nước Lỗ trở thành nơi kiểu mẫu khiến nhiều nước láng giềng ganh tị. Sau khi vua Lỗ băng hà, ngài được thăng lên chức Đại Tư khấu, tức như Hình bộ Thượng thư, hay Tổng trưởng tư pháp ngày nay. Ngài ở chức vụ này được 4 năm thì lại được cử làm Nhiếp Tướng sự, quyền nhiếp chính việc chính trị trong nước.

Làm ở chức vụ này được 7 ngày, Khổng Tử giết Thiếu Chính Mão, vốn là một quan đại phu tham lam, gian nịnh nổi tiếng thời bấy giờ. Sau 3 tháng làm việc thì tình hình chính trị được hoàn thiện, kỷ cương luật lệ phân minh, cảnh thịnh trị đã bày ra trước mắt. Nước Tề ở bên cạnh phải xin cầu thân và phải chịu trả lại 3 ấp trước kia Tề đã chiếm cứ của nước Lỗ. Nhưng vua Tần trong lòng không muốn cho nước Lỗ trở nên cường thịnh. Vua Tề dùng 80 người con gái đẹp, múa giỏi cùng với 30 con ngựa tốt dâng cho nước Lỗ. Từ đó Lỗ hầu mê say gái đẹp, ngựa hay, bỏ cả công việc triều chính.

Thấy vậy, Tử Lộ nói với Khổng Tử: Thầy trò ta đã đến lúc rút lui rồi.

Nghe thế, Khổng Tử bảo:

- Hãy chờ xem. Sắp đến ngày Tế Nam giao rồi. Nếu nhà vua còn nghĩ đến chính sự thì trong ngày này nhà vua phải đến để tự tay mình xẻ thịt, chia phần cho các quan. Nếu nhà vua không đến ta sẽ ra đi.

Quả nhiên Lỗ hầu đã mê say gái đẹp và ngựa hay đến nỗi quên hết cả việc tế lễ. Thế là thầy trò Khổng Tử và Tử Lộ bèn khăn gói ra đi.

Lời bàn:

Khổng Tử cho rằng, làm chính trị là làm cho mọi việc ngay thẳng, ngài lấy ngay thẳng mà khiển người thì ai dám không ngay thẳng? Bởi vì nếu người trên mà ngay thẳng thì ắt người dưới sẽ làm theo, noi theo. Vua mà ngay chính thì không sai khiến người ta cũng làm theo điều phải, còn vua mà không ngay chính thì có sai khiến người ta cũng sẽ không theo, trừ những kẻ gian thần nịnh bợ. Tuy nhiên, đó không phải là điều cốt lõi trong tư tưởng “chấp chính” của Khổng Tư. Điều ông muốn nói với hậu thế là người cầm quyền thời nào cũng phải nêu cao cái đức của mình, tức là, người cầm quyền trước hết phải biết sửa mình cho đoan chính. Vâng, với Khổng Tử thì “chính giả, chính giả” là như vậy.

Tư tưởng trên đã được Khổng Tử phát kiến cách đây hơn 2.500 năm, nhưng đến ngày nay chẳng những còn nguyên giá trị, mà còn mang cả tính thời sự. Vì chính cha ông chúng ta cũng đã dạy rằng ở đâu và thời nào cũng vậy, nếu “thượng bất chính thì ắt hạ sẽ tắc loạn”. Thế mới hay rằng, việc làm gương và nêu gương của cấp trên có ý nghĩa giáo dục to lớn và hiệu quả thiết thực đối với cấp dưới.                

N.N

  • Từ khóa
109472

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu