Thứ 2, 20/05/2024 08:21:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:29, 27/10/2013 GMT+7

Sống vì dân

Chủ nhật, 27/10/2013 | 08:29:00 164 lượt xem

Trong công cuộc khai hoang lấn biển lập huyện Tiền Hải (1828) và Kim Sơn (1829), Nguyễn Công Trứ nổi lên như một người có đầu óc tổ chức tuyệt vời. Trên cơ sở những thông tin thu nhận được qua các cuộc khảo sát điền dã về thế đất và đặc điểm địa lý từng vùng, Nguyễn Công Trứ đã vạch quy hoạch cư trú không giống nhau cho mỗi vùng. Tiền Hải có sông Long Hầu chảy theo hướng Bắc - Nam, chia thành hai vùng khác nhau căn bản: Vùng đất phía Tây sát vùng đất cũ ít nhiều đã được khai phá, còn vùng phía đông là đất bãi bồi chưa được khai phá nên ông quy hoạch thành hai kiểu làng: Làng xa biển và làng sát biển.

Đối với làng xa biển, Nguyễn Công Trứ thường chọn người sở tại, lực lượng khai hoang chủ yếu là “dân làng cựu” tách ra, đã có kinh nghiệm thâm canh ruộng đất. Kiểu làng sát biển, phần lớn nằm ở phía Đông sông Long Hầu, lực lượng khai hoang phần lớn tập hợp nhiều nơi tới. Còn ở Kim Sơn chỉ có một kiểu làng giống nhau theo hướng Tây - Đông (chiều dài), phía Tây giáp với huyện Yên Khánh, chạy ra tới biển. Các làng ở Kim Sơn đều có biển, nên khả năng mở rộng làng còn rất lớn.

Ở Tiền Hải cũng như Kim Sơn, Nguyễn Công Trứ rất chú ý tới việc kết hợp hài hòa giữa hệ thống thủy lợi và giao thông vận tải trong khi quy hoạch các đơn vị dân cư. Chẳng hạn như các làng sát biển ở Tiền Hải, do đất nhiễm mặn nặng nên việc đắp đê, đào sông, xây dựng hệ thống thủy nông có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của công cuộc khai hoang lấn biển. Nguyễn Công Trứ tiến hành cho đắp đê sông Lân, tiếp đó là đê sông Long Hầu, sông Trà Lý. Ranh giới của các làng là những con sông đào mà dân địa phương gọi là “sông Chái” hay “sông Dọc”. Những sông đào này rộng 4-5m, sâu 3m, thuyền lớn có thể đi lại dễ dàng.

Trên đất Kim Sơn, do gặp khó khăn trong việc lợi dụng địa hình, Nguyễn Công Trứ cho đào một con sông từ đầu huyện đến cuối huyện, nối sông Côn với sông Đáy, gọi là sông Ân, dài 13.500m, rộng 12m, sâu 4m, bờ tây con sông này là đê Hồng Ân, dài 435 trượng, mặt rộng 3 thước, đáy rộng 7 thước, cao 3 thước. Lợi dụng chế độ thủy triều ổn định của vùng này, Nguyễn Công Trứ cho quy hoạch một mạng lưới thủy nông tự tiêu - tưới. Hệ thống sông hào, kênh mương chằng chịt ở Tiền Hải, Kim Sơn đóng vai trò thau chua rửa mặn, tưới tiêu, đồng thời đảm nhiệm chức năng giao thông vận tải nông thôn rất hữu hiệu và điều hòa khí hậu tiểu vùng trong vùng đất nắng, gió, mặn mòi buổi ban đầu này.

Trong công cuộc khai hoang lấn biển do Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ chủ trương và tổ chức thực hiện quyết liệt trong hai năm đã lập nên hai huyện Tiền Hải và Kim Sơn. Huyện Tiền Hải khi thành lập có 7 tổng, gồm 47 ấp, lý, trại, giáp với 2.300 suất đinh và hơn 18.970 mẫu. Còn huyện Kim Sơn khi mới thành lập có 16.400 mẫu, chia cấp cho 1.260 suất đinh, tổ chức thành 7 tổng với 63 làng, ấp, trại, giáp. Thành tựu khai hoang lấn biển không chỉ góp phần làm tăng diện tích đất canh tác của đất nước, mà còn góp phần không nhỏ vào việc ổn định tình hình chính trị nông thôn vùng châu thổ sông Hồng vốn đầy biến động và không mấy bình yên lúc mới thành lập vương triều Nguyễn.

Công lao đó trước hết thuộc về Nguyễn Công Trứ và những người đi theo tiếng gọi đổi đời của ông. Công lao đó không chỉ được triều đình Huế ghi nhận, mà còn được tạc vào lòng dân bằng việc đưa ông vào thờ như thành hoàng làng trong các làng thuộc hai huyện khi Nguyễn Công Trứ còn sống. Và mới đây, trong dịp Tết Nhâm Thìn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc ở Ninh Bình, ông đã về thắp hương đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Kim Sơn, như một lần nữa ghi nhận công ơn đối với người có công mở nước.

Lời bàn:

Trong công cuộc khai hoang lấn biển do Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ chủ trương và tổ chức thực hiện quyết liệt trong hai năm đã lập nên hai huyện Tiền Hải và Kim Sơn. Và đó không chỉ là việc khẩn hoang, mở đất, mà còn là xây dựng và củng cố dải phòng thủ ven biển Bắc bộ của Tổ quốc ta. Không chỉ được triều đình Huế ghi nhận, mà công đức của ông còn được tạc vào lòng dân bằng việc chính những người dân trong vùng đã đưa ông vào thờ như thành hoàng trong các làng thuộc hai huyện ngay khi Nguyễn Công Trứ còn sống.

Với sự nghiệp to lớn là vậy, văn chương trác việt là vậy nhưng điều đáng quý, đáng trân trọng là tất cả những điều ấy đều xuất phát từ nhân cách, tâm hồn cao cả của ông. Dù trong hoàn cảnh nghèo khó, làm quan ở cái thời nhiễu nhương và rất nhiều lần bị đối sử bất công, từ là quan Thượng thư với hàm nhất phẩm rồi bị cách xuống trở thành anh lính trơn gác cổng thành, nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn cứ là một nho sĩ với phương châm trên vì vua, dưới vì dân. Hơn nữa, ở cương vị nào ông cũng làm tròn chức phận của mình. Là một vị quan, ông giữ đúng mực “thanh, cần, thận, trực”, là một con người ông có đủ trung, dũng, trí tín. Ông là một phẩm cách cao đẹp, luôn nhập thế để hành động vì cuộc đời, vì con người. Vâng, Nguyễn Công Trứ là một danh nhân được hậu thế muôn đời tôn vinh.

K.N

 

  • Từ khóa
109466

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu