Thứ 2, 20/05/2024 08:20:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:12, 21/10/2013 GMT+7

Tiếng thơm muôn đời

Thứ 2, 21/10/2013 | 14:12:00 375 lượt xem

Danh tướng Đinh Liệt là công thần khai quốc của nhà Hậu Lê, người Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ông cùng người anh ruột là Đinh Lễ thuộc dòng dõi của Nam Việt vương Đinh Liễn, con vua Đinh Tiên Hoàng và là cháu gọi Lê Lợi bằng cậu. Những ngày đầu khởi nghĩa Lam Sơn, ông theo Lê Lợi chiến đấu vùng núi Chí Linh trải qua nhiều gian khổ.

Năm 1424, quân Lam Sơn chiếm được thành Trà Lân, sắp đánh thành Nghệ An. Các tướng Minh mang quân thủy bộ cùng đến. Lê Lợi chia cho Đinh Liệt 1.000 quân sai đi theo đường tắt chiếm trước huyện Đỗ Gia (nay là huyện Hương Sơn). Lê Lợi nhử địch vào ổ phục kích để Đinh Liệt đánh tập hậu, quân Minh thua to. Năm 1427, quân Lam Sơn vây Đông Quan (Hà Nội), anh ông là tướng Đinh Lễ bị tử trận. Lê Lợi bèn phong ông làm Nhập nội thiếu úy Á Hầu.

Cuối năm 1427, Liễu Thăng mang viện binh sang, ông được lệnh cùng Lê Sát mang quân lên Chi Lăng, góp sức diệt địch, chém được Liễu Thăng, đánh tan đạo viện binh. Đầu năm 1428, ông được xếp vào chức Thủ quân thiết đột. Trong số những công thần theo Lê Lợi từ hội thề Lũng Nhai thì Đinh Liệt được xếp hàng đầu, phong làm Suy Trung tán trị hiệp mưu bảo chính công thần Vinh lộc đại phu tả kim ngô đại tướng quân, tước Thượng tri tự.

Năm 1429, khi khắc biển công thần, Đinh Liệt được phong làm Đình Thượng hầu. Năm 1432, ông được phong làm Nhập nội tư mã, tham dự triều chính. Tháng 5 năm 1434, vào đời Lê Thái Tông có quân Chiêm Thành vào cướp phá, ông được lệnh lĩnh các quân Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa đánh địch. Quân Lê đi đến Hóa Châu, vua Chiêm vội rút về.

Năm 1444 đời Lê Nhân Tông, vua còn nhỏ, có người vu cáo ông. Thái hậu Nguyễn Thị Anh cầm quyền nhiếp chính sai giam cả nhà ông dưới hầm. Nhờ có người trong hoàng tộc là Lê Khắc Phục và công chúa Ngọc Lan xin hộ, đến tháng 6 năm 1448 ông mới được tha ra, nhưng vợ con vẫn bị giam. Đến năm 1450 gia đình ông mới được thả. Trong niên hiệu Diên Ninh của Lê Nhân Tông (1454-1459), ông được giữ chức Thái bảo.

Năm 1459, anh vua Nhân Tông là Lê Nghi Dân giết vua cướp ngôi. Ông cùng Nguyễn Xí, Lê Lăng cầm đầu các tướng làm binh biến lật đổ Nghi Dân đưa hoàng tử Tư Thành lên ngôi, tức vua Lê Thánh Tông. Tháng 6 năm 1460 ông được phong chức Khai phủ nghi đồng tam ty, Bình chương quân quốc trọng sự, Nhập nội thái phó Á quận hầu. Trong năm đó ông liên tiếp được gia phong. Tháng 12 năm 1460, ông cùng Lê Lăng đi đánh tù trưởng họ Cầm làm loạn, được thăng lên chức Thái sư phụ chính.

Năm 1465, Nguyễn Xí mất, Đinh Liệt làm quan đầu triều, từ đó thường quyết định nhiều việc lớn của triều đình, được vua và các quan lại rất tôn trọng. Năm 1470, Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, ông làm chức Chinh lỗ tướng quân, cùng Lê Niệm (cháu nội Lê Lai) làm tiên phong đi trước, đánh chiếm kinh thành Đồ Bàn, bắt vua Chiêm là Trà Toàn.

Năm 1471, ông mất, được truy phong là Trung Mục vương. Ông là một trong những công thần khai quốc sống lâu nhất sau khi nhà Hậu Lê thành lập, sống tới tận thời Hồng Đức. Con cháu Đinh Liệt sau tiếp tục nối đời làm quan cho nhà Hậu Lê và thời Lê - Trịnh.

Theo gia phả họ Đinh Danh ở Thái Bình, Đinh Liệt còn để lại một số bài thơ nói về vụ án Lệ Chi Viên đương thời. Ghi nhận công lao của hai anh em, tên của ông và người anh là Đinh Lễ đều được đặt tên đường ở trung tâm Hà Nội.

Lời bàn:

Đinh Liệt là một trong những công thần khai quốc của nhà Lê sơ. Những ngày đầu khởi nghĩa Lam Sơn, ông theo Lê Lợi chiến đấu tại vùng núi Chí Linh trải qua nhiều khó khăn, gian khổ và đã lập được nhiều công lao to lớn. Trong suốt cuộc trường chinh hơn 10 năm chống quân Minh tàn bạo, Đinh Liệt đã tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối của mình với Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn. Với ông, gian nan không quản ngại, thất bại chẳng sờn lòng, càng chiến đấu, tài năng quân sự của ông càng không ngừng nảy nở và phát triển. Đinh Liệt là một trong số rất ít những người cùng Lê Lợi dự hội thề Lũng Nhai có may mắn được chứng kiến ngày đại thắng và đặc biệt là được chứng kiến ngày non nước thịnh trị, thái bình thịnh vượng trong suốt nửa chặng đầu của thời Lê sơ.

Cho đến ngày nay, hậu thế biết đến ông và tôn vinh ông không phải chỉ ở những chiến thắng vang dội ở Trà Lân, Chi Lăng, Đông Quan... mà còn ở tấm lòng trung thành, triết lý sống. Và cho đến ngày nay, hậu thế vẫn không quên lời ông: Vận nước gặp cơn nguy biến, đại họa thật khó lường. Kẻ thần tử lập được công cao thì việc báo đáp phải càng thêm hậu. Đó là công luận, nào phải ơn riêng. Mong rằng những ai đã, đang và sẽ làm quan xin đừng bao giờ quên điều ấy.                            

K.N

  • Từ khóa
109464

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu