Thứ 2, 20/05/2024 08:58:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:14, 17/09/2013 GMT+7

Vua dạy con

Thứ 3, 17/09/2013 | 09:14:00 242 lượt xem

Vua Trần Minh Tông có tên húy là Mạnh, được vua cha là Trần Anh Tông truyền ngôi vào năm 1314. Vua Trần Minh Tông ở ngôi vua 15 năm, sau đó nhường ngôi cho con là thái tử Vượng (tức vua Trần Hiến Tông sau này). Vào năm Ất Tỵ (1329), hoàng đế Trần Minh Tông xuống chiếu phong Trần Vượng làm Hoàng thái tử. Cũng trong năm đó, Trần Minh Tông nhường ngôi cho thái tử Vượng để lên làm Thượng hoàng. Thái tử Vượng trở thành vua Trần Hiến Tông. Hiến Tông lấy niên hiệu là Khai Hưng. Trần Minh Tông làm thượng hoàng được 28 năm thì mất vào ngày 19 tháng 2 năm Đinh Dậu (1357), thọ 58 tuổi.

Bình sinh, thượng hoàng Trần Minh Tông thường hay lấy gương tốt, xấu của bề tôi trong các đời vua trước và lấy ngay nếp sống thanh đạm của chính mình để dạy các vị hoàng tử. Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” có đoạn chép về sự việc này như sau:

Sau khi đã nhường ngôi, thượng hoàng lui về ở hành cung phủ Thiên Trường, mỗi khi các hoàng tử vào chầu, thượng hoàng thường bình luận đến nhân vật bản triều. Một hôm, nhân lúc vào chầu, Uy Túc vương Văn Bích đã thưa với thượng hoàng rằng: 

- Phàm bình luận nhân vật để dạy các hoàng tử, thì chỉ nên nói đến việc của người hay, còn việc của người dở, hãy gạt bỏ đi, không nên nói để cho người nghe về sau khỏi bắt chước.

Nghe vậy, thượng hoàng nói:

- Việc làm của kẻ hay, người dở thì tất thảy đều nên bàn đến cả, không thể gác bỏ thiên lệch được. Nếu con ta quả là người hiền thì việc hay tất phải nghe mà bắt chước, nghe việc dở tất ghét mà tránh đi. Thế thì kẻ hay, người dở đều có thể làm gương cả. Nếu con ta quả không hiền thì cứ gì phải thấy việc dở rồi sau mới bắt chước. Cứ xem như Thái Khang (vua thất đức của nhà Hạ, sau bị Hậu Nghệ đuổi đi) là kẻ hôn quân, thì có phải vì ông vua đời trước chơi bời luông tuồng mà Thái Khang bắt chước đâu? Dưỡng Đế nhà Tùy cũng vậy, miệng nói việc của Nghiêu, Thuấn mà làm thì bạo ngược hơn Kiệt, Trụ, thế có phải thấy người hay mà bắt chước được đâu?

Uy Túc vương nghe thượng hoàng nói vậy rồi cúi đầu tạ tội.

Một hôm, thượng hoàng mời Huệ Túc vương là Đại Niên vào tẩm điện (nơi ăn ngủ của vua) bảo ngồi chơi. Thượng hoàng ăn cơm chay. Huệ Túc vương vốn tính hay bài bác đạo Phật và đạo Lão, nhân đó nói rằng:

- Thần không biết ăn chay có lợi ích gì?

Thượng hoàng nghe xong thì dụ bảo:

- Ông cha ngày trước ăn chay nên ta cũng bắt chước, còn như bảo rằng ăn chay có ích lợi hay không thì ta không biết.

Huệ Túc vương lặng lẽ lui ra.

Sau khi thượng hoàng Trần Minh Tông mất, Trần Dụ Tông một mình làm vua nhưng không quan tâm tới việc triều chính, nhà Trần bắt đầu suy.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” nhận định về Trần Minh Tông như sau: Vua đem văn minh để sửa sang trị đạo, làm rạng rỡ công nghiệp người trước, giữ lòng trung hậu, lo xa cho con cháu, nên trong nước được yên, bên ngoài theo phục, kỷ cương đủ bày. Tiếc rằng không biết Trần Khắc Chung là người có lòng gian tà, đến nỗi chú ruột và cũng là cha vợ là Trần Quốc Chẩn phải chết oan và đó chính là chỗ kém thông minh của vua Trần Minh Tông. 

Lời bàn:

Từ thượng cổ cho đến ngày nay, người ta vẫn thường hay nói rằng, trẻ em như những tờ giấy trắng. Các bậc làm cha, làm mẹ mong muốn điều gì con cháu mình thì cứ việc vẽ lên đó điều mình muốn, thì ắt sẽ được như ý. Điều ấy cũng có nghĩa là muốn con cháu trở thành người tốt thì những người làm cha, làm mẹ, là ông, là bà phải biết dạy con theo lẽ phải và đạo lý làm người. Tuy nhiên, muốn dạy được con, cháu thì trước hết phải hiểu con, cháu mình là người như thế nào. Và cứ theo nội dung của giai thoại trên thì vua Trần Minh Tông là người hiểu rõ con mình, đồng thời ông cũng là bậc hiền nhân quân tử nên mới bạo dạn đem hết việc hay dở của người xưa ra bàn. Mà phàm là đã bàn bất cứ điều gì thì phải tin ở người nghe, người đối thoại với mình.

Tiếc rằng trong số những người con của vua Trần Minh Tông thì Uy Túc vương Văn Bích tuy là bậc vương giả, nhưng lại thiếu hẳn niềm tin ở các bậc vương giả, nên cúi đầu tạ tội với Trần Minh Tông là phải lắm. Còn với Huệ Túc vương thì thật đáng tiếc, vì thân là hoàng tử nhà Trần mà không biết thời ấy Phật giáo được coi là quốc giáo, ăn chay là việc thường của các bậc quân vương. Đã vậy, Huệ Túc vương lại còn có ý bài bác xã hội ăn chay và việc ấy chẳng khác nào xúc phạm quốc giáo, nên nếu có phải lãnh hậu quả cũng là điều dễ hiểu. Vì thế, phép dạy người, dạy đời của thượng hoàng Trần Minh Tông thời xưa quả đáng ghi vào sử sách và đáng để người đời sau phải suy ngẫm.                             

Kim Ngọc

  • Từ khóa
109453

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu