Thứ 2, 20/05/2024 09:38:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:30, 16/07/2013 GMT+7

Hậu quả của lời nói dối

Thứ 3, 16/07/2013 | 14:30:00 1,782 lượt xem

Trong cuốn sách “Người Do Thái dạy con” có mẩu chuyện với nội dung như sau: Ngày 4 tháng 7 năm 1946, phát xít Đức đã bị diệt vong được đúng một năm hai tháng. Vậy mà tại một thị trấn cách thủ đô Varsovie của Ba Lan khoảng 170km, có đông đảo dân chúng chạy ùa ra ngoài đường, cứ gặp người Do Thái là đánh chửi, bắt bớ. Nhiều người Do Thái đã bị đánh chết tươi. Cuộc tàn sát đẫm máu kéo dài từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều và có tới 42 người bị giết, trong đó có cả hai người Ba Lan bị giết nhầm.

Điều khó tin hơn cả là nguyên nhân của cuộc tàn sát này là do một lời nói dối của đứa bé tên Herian gây ra. Đứa bé ấy là con của một thợ giày người Ba Lan, cả gia đình chỉ mới dọn về thị trấn này ở được hơn tuần lễ. Ngày 1 tháng 7, đứa bé chưa quen với cuộc sống ở nơi mới này bèn bỏ nhà trốn sang làng bên cạnh chơi với bạn cũ và đến ngày 4 tháng 7 mới về.

Thấy con về, ông bố giận lắm, giơ cao chiếc roi da chỉ vào mặt chú bé:

- Mấy hôm nay mày đi đâu mà bây giờ mới về? Mày bị bọn Do Thái bắt à?.

Herian lúc này sợ quá, mặt tái xanh, co dúm người lại rồi vội tát nước theo mưa nhận bừa rằng đã bị người Do Thái bắt, nhốt ở nhà số 7 phố Palandi. Ông thợ giày thấy con nói thế vội tức tốc đến báo cho sở cảnh sát. Tin này nhanh chóng lan truyền, một đồn mười, mười đồn trăm, làm dân chúng sục sôi căm hờn. Thế là xảy ra vụ tàn sát đẫm máu nói trên vì ảnh hưởng của phong trào chống Do Thái lúc đó còn khá nặng nề.

Đến nay, ngôi nhà số 7, phố Palandi đã được trùng tu và trở thành nhà tưởng niệm về vụ tàn sát này.

Mẩu chuyện dưới đây do một cựu binh sĩ người Do Thái kể lại cũng có nội dung tương tự như mẩu chuyện trên. Và cũng chỉ vì lời nói không trung thực đã dẫn đến cái chết thương tâm của thương binh. Chuyện kể lại rằng:

Hôm đó, anh binh sĩ này gọi điện thoại về nhà cho bố và nói:

- Bố ơi, con sắp được về nhà rồi.

- Hay quá bố mẹ đang mong con về đấy. Người bố trả lời.

- Nhưng con có một nguyện vọng: Con muốn mang theo một bạn chiến đấu cùng về nhà.

- Được, bố mẹ rất vui lòng và sẵn sàng đón cả hai. Người bố nói.

- Nhưng có một điều con phải nói trước để bố mẹ rõ. Bạn con bị thương cụt một chân và một tay, không nơi nương tựa, sẽ về ở hẳn nhà ta.

Ông bố nghe con nói vậy thì suy nghĩ lung lắm. Mãi một lúc sau thì ông bố mới trả lời rằng:

- Con ơi, thế thì gay lắm. Bố chỉ có thể tìm giúp anh thương binh đó một chỗ an thân. Người tàn tật là một gánh nặng rất lớn cho gia đình, bố mẹ không chịu nổi đâu. Nghe bố nói xong, anh con trai cúp ngay điện thoại.

Vài ngày sau, ông bố được sở cảnh sát cho biết, con trai ông ta đã nhảy lầu tự sát. Cả hai vợ chồng vội bay đến San Francisco là nơi anh cựu binh sĩ đã tự sát. Khi được cảnh sát dẫn tới nơi đặt thi hài của con mình, cả hai đã lặng người đi vì thấy con trai họ bị cụt một chân và một tay.

Lời bàn:

Cho đến ngày nay, không một ai có thể chứng minh một cách rõ ràng rằng lời nói dối xuất hiện trong đời sống của con người từ khi nào. Song, điều mà mọi người đều biết và đều tin tưởng rằng đã là con người thì không một ai lại thích những lời nói dối, nhất là những lời nói dối ấy lại được phát ra từ miệng của những đứa trẻ. Dù ai cũng biết, có những lời nói dối cực kỳ tai hại, thậm chí mang lại hậu quả chết người... thế nhưng lời nói dối vẫn cứ tồn tại. Và vì thế, cuộc chiến chống lại những thói hư, tật xấu của con người vẫn tiếp diễn và không ai biết rõ điểm dừng của nó.

Có lẽ giải pháp hữu hiệu nhất đối với việc này là người lớn phải biết làm gương cho trẻ bằng cách luôn luôn sống trung thực, không bao giờ nói dối, dù là lời nói dối ấy không mang lại hậu quả gì và cũng chẳng ảnh hưởng tới ai. Trẻ em thường bắt chước người lớn và chúng bắt chước rất nhanh. Hành vi nói dối được lặp lại vài lần thì dễ trở thành thói quen, mà giữa thói quen với tính cách không có ranh giới. Một khi hành vi nói dối đã trở thành tính cách của một ai đó thì vô phương sửa chữa, vì “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Mong rằng đừng ai quên điều này.

Đ.T

  • Từ khóa
109430

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu