Thứ 2, 20/05/2024 12:33:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 00:07, 09/06/2013 GMT+7

Mẹ nào con nấy

Chủ nhật, 09/06/2013 | 00:07:00 1,002 lượt xem

Theo sách “Hoàng Lê nhất thống chí”, Lê Chiêu Thống, tên thật là Lê Duy Khiêm, sau đổi tên thành Lê Duy Kỳ và là vị vua thứ mười sáu của nhà Lê trung hưng. Cũng thuộc dòng dõi con vua, cháu chúa, nhưng thời Lê Chiêu Thống, chế độ “Lưỡng đầu chế” vua Lê - chúa Trịnh đang cùng song song tồn tại, bên cạnh cung vua là phủ chúa. Dù về danh nghĩa thì vua Lê có quyền lực cao nhất, trị vì đất nước, nhưng thực quyền lại nằm hết trong tay các chúa Trịnh. Bởi vậy, ngôi vua Lê chỉ để làm danh mà thôi, chúa Trịnh muốn lập ai, phế ai đều là việc làm dễ như trở bàn tay, thậm chí việc chi tiêu của vua Lê cũng do nhà chúa quyết định.

Vì thế, Lê Chiêu Thống cũng không thoát khỏi cảnh con tốt trong cuộc cờ chính trị đầy biến động thời ấy. Và xét cả đời Chiêu Thống, nghiệp vua của ông hết do loạn tam phủ của kiêu binh mở lối, lại đến Quang Trung giúp rập theo lời khuyên của công chúa Ngọc Hân thì ông ta mới được lên làm vua, rồi sau lại nhờ cả ngoại bang Thanh triều giúp sức chứ không do thực lực mà làm nên công danh hiển hách như tiền nhân thời Lê sơ. 

Mẹ của Lê Chiêu Thống là hoàng thái hậu Nguyễn Thị, vợ thái tử Lê Duy Vỹ. Khi quân Tây Sơn đánh ra Bắc tháng 11 năm Đinh Mùi (1787), mẹ con vua Lê Chiêu Thống cùng với đình thần phải chạy khỏi Thăng Long. Bị quân Tây Sơn đuổi đánh khắp nơi, các thị vệ, bầy tôi của vua Lê người bị lạc, kẻ trốn chạy tự lo thân, nên mẹ con vua Lê Chiêu Thống cũng chia hai ngả. Tháng 12 năm ấy, Lê Chiêu Thống sai hoàng đệ là Duy Trù hộ tống thái hậu, hoàng phi Nguyễn Thị Kim và thái tử (con trưởng của Lê Chiêu Thống) cùng các cung tần rời kinh thành Thăng Long để trốn chạy sang nhà Thanh.

Khi đến Kinh Bắc, Lê Chiêu Thống lại sai hoàng đệ là Lê Duy Chỉ đem thị thần Lê Quýnh và Tôn Thất rước thái hậu cùng thái tử đi Cao Bằng. Sau đó, Lê Chiêu Thống lại lệnh cho Duy Chỉ vẫn cứ nắm quyền thống trị hai trấn Cao Bằng và Thái Nguyên, với mục đích tụ tập vỗ về các phiên thần để thúc đẩy họ cố gắng giúp vua đánh nhà Tây Sơn.

Tháng 7 năm Mậu Thân (1788), thái hậu Nguyễn Thị cùng với tôn thất và gia quyến tổng cộng 62 người chạy đến ải Đẩu Áo trấn Cao Bằng. Phiên mục Bế Nguyễn Trù dẫn tướng Tây Sơn đến đánh úp trấn doanh. Khi ấy, Đốc đồng Nguyễn Huy Túc, phiên thần Địch quận công Hoàng Ích Hiểu, tụng thần Lê Quýnh và Nguyễn Quốc Đống bảo vệ thái hậu và thái tử qua cửa ải Thủy Khẩu chạy sang Long Châu nhà Thanh. Nghĩ con trai làm vua chưa ấm chỗ đã bị lùa khỏi ngai vàng, thái hậu Nguyễn Thị bèn sai thảo một tờ biểu, lệnh cho Đốc đồng Nguyễn Huy Túc đưa thư sang Long Châu, Bằng Tường xin nhà Thanh cứu viện, để giành lại ngai vàng cho con mình. 

Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị và Tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh lúc ấy đang hội họp ở Nam Ninh. Thái hậu bèn đưa thái tử (con của Chiêu Thống) đến yết kiến ở trong sân, gào khóc xin cứu viện. Cảm cái lòng của bà mẹ vì con, lại thấy đây là cơ hội tốt để ràng buộc nước Nam vào phận bề tôi, nhà Thanh liền động binh sang “giúp” Lê Chiêu Thống phục quốc.

Với lực lượng 29 vạn, quân Thanh tiến thẳng đến Thăng Long, quân Tây Sơn thì lui về phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn. Vua Chiêu Thống được về kinh, lên ngôi trở lại, thái hậu từ nhà Thanh cũng về đến nước nhà. Tuy nhiên, vua Chiêu Thống vốn là người hẹp hòi, hay để bụng. Được quân Thanh giúp sức rồi, vua không nghĩ đến việc làm cho quốc thái dân an, mà ngay sau đó chỉ chăm chăm vào việc trả thù, báo oán, dân tình, quan lại cũ mắc lỗi nhiều người bị giết, bị lưu đày. Vì vậy, khi về đến Thăng Long, thái hậu nghe biết những việc làm ngang ngược của nhà vua, chỉ thưởng hay phạt theo một chiều bằng tình cảm riêng của mình là yêu hoặc ghét, nên bà nổi giận nói:

- Trải bao cay đắng, ta mới cầu xin được quân cứu viện sang đây, nước nhà phỏng chừng chịu được bao phen phá hoại bằng cách đền ơn báo oán thế này! Thôi diệt vong đến nơi rồi!

Nói xong rồi bà gào khóc không chịu vào cung. Bầy tôi theo hầu là Nguyễn Huy Túc phải khuyên giải mãi thái hậu mới thôi.

Lời bàn:     

Cứ theo nội dung của giai thoại trên thì dù năng lực và phẩm hạnh không đáng làm thiên tử, nhưng trong cuộc sống riêng, Lê Chiêu Thống lại có được sự giúp đỡ, yêu thương nhất mực của người mẹ hiền là thái hậu Nguyễn Thị. Nhưng đó là sự yêu thương mù quáng và chính lỗi lầm này đã biến thái hậu Nguyễn Thị mang tội lớn nhất của mọi thời đại - phản quốc. Chỉ vì muốn giành lại ngai vàng cho con mình, thái hậu Nguyễn Thị đã cam tâm “rước voi về giày mả tổ”.

Và lẽ dĩ nhiên là nếu không có sự đồng ý của Lê Chiêu Thống thì thái hậu Nguyễn Thị  dù có đến mấy lá gan cũng không dám làm việc ấy. Vâng, người xưa có câu “Mẹ nào con nấy” quả không sai. Một bà mẹ như thái hậu Nguyễn Thị thì có người con nhu nhược, hèn nhát và ích kỷ như Lê Chiêu Thống cũng là điều dễ hiểu.      

K.N

  • Từ khóa
109420

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu