Thứ 2, 20/05/2024 10:34:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:05, 11/04/2013 GMT+7

Lòng Trung Nhầm Chỗ

Thứ 5, 11/04/2013 | 09:05:00 211 lượt xem

Theo sách “Đại Việt sử ký tục biên”, Trần Danh Án làm quan vào thời Lê trung hưng và ông cũng là nhà thơ có tài. Quê ông ở làng Bảo Triệu, huyện Gia Bình, trấn Kinh Bắc, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Ông xuất thân trong gia đình khoa bảng, có nhiều người làm quan lớn trong triều. Ông nội là tiến sĩ Trần Phụ Dực, làm quan đến chức Tư huấn Quốc Tử Giám, tham gia soạn “Đại Việt sử ký tục biên”. Bác ruột ông là tiến sĩ Trần Danh Ninh và cha ông là tiến sĩ Trần Danh Lâm (cùng đỗ Tiến sĩ năm 1731), làm quan đồng triều và đều làm đến chức thượng thư.

Trần Danh Án từ nhỏ đã thông minh học giỏi. Năm Chiêu Thống thứ nhất (1787), ông thi đỗ Hoàng Giáp khoa khoa Đinh Mùi (khoa thi cuối cùng của triều Hậu Lê) và sau đó được bổ chức quan. Tháng 12 năm ấy, tướng Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm kéo quân ra Thăng Long, vua Lê nghe lời Nguyễn Hữu Chỉnh, nên đã bỏ kinh thành chạy về vùng Kinh Bắc.

Tháng 4 năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc, bắt giết tướng Nhậm. Trong khoảng thời gian ấy, Trần Danh Án và Lê Duy Đản được vua Lê cử sang cầu cứu vua nhà Thanh (Trung Quốc). Sau đó, hơn 20 vạn quân Thanh rầm rộ kéo sang. Nhờ vậy, vua Lê giành lại được ngai vàng và phong cho Trần Danh Án là Tĩnh nạn công thần, với tước Định nhạc hầu.

Mùa Xuân 1789, vua Quang Trung (tức Nguyễn Huệ) kéo đại quân ra Bắc và đại phá tan tác đội quân xâm lược của nhà Thanh. Khi ấy, vua Lê Chiêu Thống phải trốn chạy sang nhà Thanh để sống nương nhờ. Còn Trần Danh Án vì chạy theo không kịp nên đã lẻn trốn về quê mai danh ẩn tích. Sau vua Quang Trung biết Trần Danh Án là người hiền và đã sai Ngô Thời Nhiệm viết thư để triệu về triều, nhưng ông khăng khăng từ chối. Về sau, Trần Danh Án bị bắt giam ở Thăng Long nhưng vẫn không đổi ý.

Khi Tây Sơn thua, Gia Long lên ngôi, mời các cựu thần nhà Lê ra giúp việc, Trần Danh Án cũng kiên quyết từ chối. Ông chỉ nhận một cái khăn của Gia Long biếu, không chịu quan tước gì cả. Không những vậy, ông còn rất tự hào về cách xử sự này và đã làm bài thơ lưu truyền đến ngày nay: Nhân chi dữ vật bất đồng quần; Phong nghệ tuy vi thượng hữu quân. Huống thị thiếu niên tăng bội phục; Kiêm tri tráng tuế dĩ quan thần. Bắc song xử sĩ do tri Tấn; Đông Hải tiên sinh bất đế Tần. Tử hậu mộ bàng nhân chỉ điểm; Cố Lê triều tiến sĩ tính Trần.

Nghĩa là: Người và giống vật khác trăm phần; Ong kiến còn kia nghĩa chúa quân. Huống đã tuổi thơ khuôn lễ giáo; Lại thêm hồi lớn vẻ đai cân. Bắc song xử sĩ không quên Tấn; Đông Hải tiên sinh chẳng chịu Tần. Người sau bên mộ giơ tay trỏ; Tiến sĩ triều Lê cũ, họ Trần.

Với nội dung bài thơ trên, Trần Danh Án đã nói lên được sự tự đắc trong việc giữ gìn danh tiết của mình. Nhưng với việc ông tuân lệnh vua Lê Chiêu Thống đi rước 20 vạn quân Thanh về cướp nước thì có ai thời ấy mà quên được. Chính vì thế, khi nghe bài thơ của ông, đương thời tỏ rõ không phục. Người ta đã bình luận rằng là người giữ gìn tiết tháo thì sao không từ chối tất cả, mà còn nhận cái khăn của Gia Long? Nhận không phải là vì phép lịch sự, mà là vì... sợ? Hơn nữa, như thế cũng không phải là hoàn toàn trong trắng. Vì vậy, đã có người chữa lại câu cuối thành ra:

Tự hậu mộ bàng nhân chỉ điểm; Lê triều tiến sĩ, Nguyễn triều cân.

Nghĩa là: Bên mộ đời sau người sẽ trỏ; Triều Lê tiến sĩ, Nguyễn triều khăn.

Đây quả là một sự mỉa mai đến chua chát. Và có lẽ vào thời ấy, khi nghe được hai câu này chắc chắn Trần Danh Án cũng phải sượng sùng.

Lời bàn:

Đó là chuyện của đương thời, còn theo sử cũ thì Trần Danh Án là một nho sĩ, một nhà thơ và là người đầu tiên ở nước ta sưu tầm ca dao rồi dịch sang chữ Hán. Công việc sưu tập ca dao và dịch sang Hán văn của ông về sau được Ngô Đình Thái tiếp tục. Sau đó cử nhân Trần Doãn Giác, cháu gọi Trần Danh Án bằng ông chú tiếp tục hoàn thành, rồi đặt tên sách là “Nam Phong giải trào” và dâng lên vua Tự Đức. Ngay từ thời đó, “Đại Nam nhất thống chí” đã có đoạn đánh giá về tác phẩm này như sau: “Những câu ca dao nơi xóm làng có quan hệ với phong hóa có thể gần với các câu của Kinh Thi”. Và điều đáng ghi nhận là việc sưu tập ca dao của hoàng giáp Trần Danh Án và những người kế tục ông đều xuất phát từ lòng tự tôn, tự hào về văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, người đương thời cũng như hậu thế nhắc đến ông là ở tấm lòng trung quân, nhưng tiếc rằng lòng trung ấy lại là sự trung thành mù quáng. Trong tác phẩm “Liễu Am Tản Ông thi tập”, do ông sáng tác gồm 141 bài thơ và 2 bức thư bằng chữ Hán, ông đã bày tỏ rõ tâm tư, cảnh ngộ từ lúc theo Lê Chiêu Thống khôi phục ngai vàng cho đến sau khi nhà Lê thất bại. Nội dung tập thơ cho thấy mâu thuẫn trong tâm tư của ông về lòng trung với Chiêu Thống, một lòng phò vua và sau đó biết chắc sẽ thất bại nhưng vẫn giữ lòng trung ấy, nên đã bỏ phí cả tài sức một đời. Và đây chính là nguồn tư liệu quý để hậu thế hiểu rõ hơn về tư tưởng, tình cảm của người trí thức Việt Nam đương thời nói chung và cá nhân Trần Danh Án nói riêng trong việc chọn con đường giúp nước.                 

Kim Ngọc

  • Từ khóa
109406

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu