Thứ 2, 20/05/2024 09:03:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 06:40, 10/06/2012 GMT+7

Quan nhất thời

Chủ nhật, 10/06/2012 | 06:40:00 143 lượt xem

Tháng 3 năm Tân Mùi (1271) triều đình nhà Trần đã triệu Chiêu Minh vương Trần Quang Khải ở châu Hoan về kinh giữ chức Tướng quốc thái úy để coi giữ việc nước. Trước khi đi, ông đã gặp Bạch Liêu dặn dò tiếp tục giúp các quan tướng thực hiện “biến pháp” đã định. Từ đó, mặc dù cách trở đường xa nhưng Trần Quang Khải vẫn trao đổi thư từ với Bạch Liêu, hỏi ý kiến ông về nhiều việc quan trọng.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ II, đất Hoan Diễn được coi là địa bàn chiến lược. Bấy giờ quân Nguyên tiến vào nước ta theo hai hướng khác nhau, hướng thứ nhất do Thoát Hoan chỉ huy từ phía Bắc đánh xuống, chúng chia làm hai cánh quân và bắt đầu xâm phạm lãnh thổ nước ta cuối tháng Giêng năm Ất Dậu (1285). Hướng thứ hai do tướng Toa Đô cầm đầu theo đường thủy vượt biển đánh chiếm Chiêm Thành, tạo bàn đạp từ phía Nam đánh thốc lên.

Trước tình thế đó, vua Trần sai cha con Trần Quốc Khang và Trần Kiện đem binh vào hỗ trợ cho việc trấn giữ Hoan Diễn để cản bước tiến của Toa Đô, thế nhưng Trần Quốc Khang không có tài cầm quân nên thua trận, Trần Kiện thì hèn nhát ra hàng giặc. Tình hình chiến trường phía Nam hết sức khó khăn, phức tạp; chính vì vậy Trần Quang Khải được cử vào tăng viện cho Trần Nhật Duật đang chống giặc ở đây. Ông cho mời Bạch Liêu vào quân doanh để giúp việc quân. Bạch Liêu đã dâng kế sách đối phó, chỉ rõ tình hình Hoan Diễn, phân tích thế và lực của ta, của giặc.

Trên cơ sở đó Trần Quang Khải điều khiển binh tướng tổ chức đánh trả quyết liệt khiến cho đạo quân của Toa Đô bối rối, sa lầy. Chúng buộc phải đóng lại ở một số thành tại Nghệ An, Thanh Hóa rồi cuối cùng cố sức tiến ra Bắc để thực hiện mưu đồ tạo gọng kìm chiến lược tiêu diệt quân chủ lực của ta. Thế nhưng âm mưu đó hoàn toàn thất bại, từ tháng 4 năm Ất Dậu (1285) quân Đại Việt tổ chức phản công trên khắp chiến trường, để rồi đến đầu tháng 6 cùng năm, quân Nguyên Mông đã bị quét sạch ra khỏi bờ cõi.

Là người có những đóng góp nhất định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống giặc nên Bạch Liêu có tên trong danh sách được triều đình định công ban thưởng nhưng ông từ chối mọi tước vị, vật phẩm. Biết tài của ông, lại thấy nhà Nguyên vẫn chưa chịu từ bỏ tham vọng xâm chiếm nước ta, năm Đinh Hợi (1287) vua Trần sai Bạch Liêu đi sứ để thăm dò; khi về nước ông trở lại quê hương dạy học, bốc thuốc chữa bệnh. Một thời gian sau đó ông di cư ra Bắc, tới sống ở làng Nghĩa Lư, huyện Thanh Tâm, xứ Hải Đông (này là tỉnh Hải Dương).

Khi Bạch Liêu mất, ở Nghĩa Lư cũng như tại quê hương, dân làng đều xây đền thờ phụng; triều đình phong ông làm Phúc thần, hiệu là Dương cảnh thành hoàng đại vương. Hiện nay tại đền thờ ông ở làng Nguyễn Xá, huyện Yên Thành, Nghệ An vẫn còn lưu giữ đôi câu đối: Sinh tiền bất dĩ Đông A đế; Một vị năng vi Nguyễn Xá thần.

Nghĩa là: Sống không nhận quan tước của vua Trần; Chết làm phúc thần của làng Nguyễn Xá.

Lời bàn:

Dưới các triều đại phong kiến, muốn “có danh gì với núi sông” thì con đường duy nhất của những kẻ sĩ là học để thi đậu và ra làm quan. Bởi vì chỉ có con đường làm quan thì họ mới mong thoát khỏi cuộc sống “cổ cày, vai bừa”, “đầu tắt mặt tối” vì chuyện cơm áo gạo tiền và hơn nữa, “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Thế nhưng đó là việc của mọi người, còn riêng ông trạng Bạch Liêu ở vùng Diễn Châu, Nghệ An thời nhà Trần thì ngược lại. Sau khi thi đỗ, ông xin nhà vua cho được ở nhà để báo hiếu cha mẹ già và giúp đỡ dân làng. Tuy có công lao lớn trong việc giúp triều đình đánh đuổi ngoại xâm và được vua ban thưởng nhưng ông từ chối không nhận mọi tước vị, vật phẩm.

Thế mới hay rằng, với ông trạng Bạch Liêu thì câu nói của người xưa rằng “quan nhất thời” quả là không hề sai. Bởi cùng thời với ông có biết bao người làm quan trong triều, nhưng có mấy ai được người đời nhắc đến như ông. Tiếc rằng hậu thế ngày nay không phải ai cũng học được đức tính ấy của cụ Bạch Liêu. Ngược lại, còn có người tài hèn, đức mỏng nhưng lại ham danh vọng, quyền uy nên họ tìm đủ mọi cách để ngoi lên. Thậm chí có người còn sẵn sàng lừa thầy, phản bạn hoặc giẫm đạp lên đầu người khác để tiến thân. Và từ xưa tới nay, những người sống như vậy nếu có được điều mình muốn thì cũng không bền, bởi dẫu sao thì “quan nhất thời”.

Kim Ngọc

  • Từ khóa
109369

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu