Thứ 2, 20/05/2024 08:21:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 00:00, 13/11/2011 GMT+7

Quyết chí vì giang sơn

Chủ nhật, 13/11/2011 | 00:00:00 140 lượt xem

Theo cuốn lịch sử Việt Nam tập 2 của Nhà xuất bản Khoa học xã hội, vào cuối năm 1915, tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội được thành lập, do cụ Phan Bội Châu tổ chức và là người đứng đầu, nhằm mục đích vận động nhân dân đứng lên đánh bỏ ách thống trị của thực dân Pháp.

Trong những chủ trương của Việt Nam Quang Phục Hội có quy định: “Phụng kim thượng vi an dân cư sở” (nghĩa là: Rước nhà vua tham gia an lòng dân). Sau đó, hội đã cử hai nhà chí sĩ cách mạng là Trần Cao Vân và Thái Phiên tìm cách liên lạc tiếp xúc với vua Duy Tân. Riêng hai ông đã bỏ tiền ra vận động người lái xe cho nhà vua thôi việc và đưa một hội viên của hội vào thay là Phạm Hữu Khánh. Khánh là một thanh niên có tư tưởng cách mạng và phẩm chất tốt nên được vua Duy Tân cảm mến, tin cậy.

Qua Khánh, nhà vua đã nhận được một bức tâm thư của Trần Cao Vân. Lá thư với nội dung phơi bày thực trạng của nhân dân đau khổ, bị áp bức, bóc lột tàn tệ và nỗi nhục mất nước cùng với những lời lẽ lâm li, thống thiết hoặc hùng hồn, khích động lòng yêu nước, căm thù giặc của nhà vua: “Trời sinh vua thông minh, chánh trực, có chí cử binh chống Pháp. Đất sinh người tài giỏi, có quyền đuổi giặc thương dân! Đức vua cha là Thành Thái, vì tội gì bị đày? Lăng tẩm vua Dục Tôn (Tự Đức) vì cớ gì mà bị đào bới?...”

Đọc xong thư, nhà vua cảm động và tha thiết gặp người viết thư. Phạm Hữu Khánh sung sướng quỳ xuống lạy tạ. Vua nâng dậy và nói:

- Đáng lẽ ta phải tạ ơn ngươi, sao ngươi lại bái lạy ta!

Sau đó, vua Duy Tân hẹn gặp Trần Cao Vân vào lúc 2 giờ chiều hôm sau tại Hậu hồ (ngay bên cửa Hòa Bình, trong thành nội).

Giữa tháng 4-1916, đúng giờ hẹn, Trần Cao Vân và Thái Phiên đến câu cá ở Hậu hồ, nhà vua cũng đến đó câu cá vui chơi... Sau cuộc tiếp xúc “câu cá”, hai nhà chí sĩ trở về họp các nhân vật đầu não của Việt Nam Quang Phục Hội để bàn kế hoạch cụ thể, chi tiết về một cuộc khởi nghĩa trên phạm vi của năm tỉnh thuộc Trung kỳ (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình).

Kế hoạch tổng khởi nghĩa đã được thông qua. Thái Phiên được bầu làm chủ tịch, Trần Cao Vân là quân sư. Còn vua Duy Tân mặc nhiên được xem như là cố vấn tối cao. Vì tình hình khẩn trương, bức bách, hàng ngàn lính tùng chinh cho quân Pháp sắp xuống tàu đi Tây (đi làm lính đánh thuê cho Pháp trong thế chiến thứ nhất), nên hội nghị đã quyết định tổng phát động khởi nghĩa lúc 1 giờ sáng ngày 3 tháng 5 năm 1916, bắn súng thần công cho Quảng Trị, Quảng Bình biết rồi nổi lửa trên đèo Hải Vân cho Quảng Nam, Quảng Ngãi biết mà hưởng ứng.

Trong hội đã phân công các yếu nhân mỗi người phụ trách một tỉnh. Riêng ở Huế, Trần Cao Vân và Thái Phiên có trách nhiệm chiếm kinh thành, rước vua Duy Tân rời khỏi hoàng thành. Nếu khởi nghĩa chưa thắng lợi thì quân Quảng Nam rút lên núi Bà Nà, Quảng Ngãi kéo lên miền Gió Rút để làm hậu thuẫn phản công sau này. Đồng thời, hội còn tổ chức các bộ máy hành chính để kịp thời thay thế các cấp quan lại, chính quyền sau khi khởi nghĩa thắng lợi...Thế nhưng cuộc khởi nghĩa đã thất bại vì kế hoạch bị lộ.

Lời bàn:

Ngày nay, được xem lại kế hoạch chuẩn bị tổng khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục Hội ai cũng có thể nhận xét rằng quá đơn giản. Thế nhưng, trong tầm nhận thức suy nghĩ của những chí sĩ ngày ấy mà làm được như vậy đã là đáng kính, đáng khâm phục. Và sự thất bại của họ âu cũng là điều dễ hiểu, bởi với họ khi đó chưa có gì được chuẩn bị chu đáo, mà duy nhất chỉ có tấm lòng yêu nước thương dân nồng nàn, lòng căm thù giặc thì sự sôi sục có thừa và ý thức khôi phục giang sơn lại mạnh không ai bằng. Chính vì lẽ ấy mà lãnh tụ của Việt Nam Quang Phục Hội đã quá chủ quan xem thường địch nên sớm bị thất bại.

Song, chính sự thất bại ấy của Việt Nam Quang Phục Hội là bài học quý giá cho các phong trào khởi nghĩa chống Pháp của nhân dân ta về sau. Tuy nhiên, điều đọng lại đối với hậu thế từ giai thoại này là tấm lòng yêu nước thương dân và ý chí quyết tâm đánh đuổi bọn thực dân cướp nước của vị vua trẻ Duy Tân và những bậc chí sĩ như Phan Bội Châu, Trần Cao Vân, Thái Phiên... Và tên tuổi của các vị sẽ mãi mãi trường tồn cùng lịch sử của dân tộc Việt Nam.

                                                        Kim Ngọc

  • Từ khóa
109344

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu