Thứ 5, 09/05/2024 05:02:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 00:00, 18/09/2011 GMT+7

Khi đã không ưa...

Chủ nhật, 18/09/2011 | 00:00:00 464 lượt xem

Theo cuốn 5 ngàn năm lịch sử Trung Hoa, Vệ là tên gọi của một quốc gia chư hầu của nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Nước này khởi nguồn từ vùng đất phong của em trai cùng mẹ với Chu Vũ Vương là Khang Thúc Cơ Phong. Kinh đô của quốc gia này là Triều Ca, Tào, Sở Khâu, Đế Khâu, Dã Vương với lãnh thổ là vùng đất ngày nay thuộc tỉnh Hà Nam và Hà Bắc, Trung Quốc. Vào thời kỳ đầu của nhà Chu, Vệ Khang Thúc tuân thủ những điều Chu Công Đán nói với ông là “khải dĩ Thương chính, cương dĩ Chu sách” (tuân theo chính trị nhà Thương nhưng áp dụng kỷ cương nhà Chu), dùng thể chế chính trị của nhà Thương nhưng triệt để thi hành pháp chế nhà Chu, vì thế đạt được những thành công nhất định. Và khi đó, nước Vệ được coi là phên dậu tin cậy của nhà Chu, nên Khang Thúc được nhà Chu tin dùng làm tư khấu. Vì thế thực tế công việc nội bộ của Vệ đều do con trai của ông là Vệ Khang Bá đảm nhận.

Đến năm 221 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng tiêu diệt xong 6 nước chư hầu lớn, thống nhất Trung Quốc, nhưng khi đó tiểu quốc Vệ vẫn chưa bị tiêu diệt. Đến khi Tần Nhị Thế năm thứ nhất (209 TCN), vua Vệ là Giác bị phế làm dân thường, nước Vệ chính thức diệt vong. Vệ là nước chư hầu của nhà Chu tồn tại lâu hơn cả và bị nhà Tần tiêu diệt cuối cùng. Mặc dù nước Vệ không còn, nhưng ngày nay nhiều giai thoại về nước Vệ vẫn còn tồn tại và câu chuyện sau đây là một minh chứng. Chuyện kể lại rằng Tử Hà người nước Vệ là quan cận thần được vua rất tin yêu. Phép của nước Vệ rất nghiêm khắc, bất kể trong hoàng tộc, nếu người nào tự ý sử dụng long xa - tức là xe của vua, thì người đó sẽ bị chặt đứt hai chân.

Đêm ấy, có người thân đến báo tin mẹ Tử Hà ốm nặng. Không thể chậm trễ nên Tử Hà liền lấy long xa ra đi cho kịp. Sáng hôm sau cận vệ hốt hoảng vào tâu vua. Nghe xong, nhà vua không hề giận mà khen rằng: Đấy là một con người có hiếu! Vì thương mẹ hết lòng mà quên hẳn cái tội bị chặt chân. Mọi người hãy noi theo tấm gương hiếu thảo đó.

Một hôm theo vua vào chơi trong khu vườn thượng uyển, Tử Hà đang nếm một quả táo và thấy ngọt quá nên ông liền đưa cho nhà vua ăn thử. Rất cảm động trước việc làm của Tử Hà, nhà vua đã nói: Ôi người bạn thân thiết ngàn lần đáng quý, đáng yêu! Của ngon đến miệng mà còn nhường ta! Trên thế gian này có được một người bạn cùng chia ngọt sẻ bùi, buồn vui có nhau thì quả là tốt phúc!

Thế nhưng... chỉ ít lâu sau, khi Tử Hà không còn được vua mến yêu như trước, thì cũng là lúc tai họa giáng xuống đầu ông. Nhân một lần vì sơ suất nhỏ trong việc lễ nghi, vua đùng đùng nổi giận chỉ tay thẳng vào mặt Tử Hà mà quát: Ngươi là kẻ đã mắc nhiều tội lớn. Trước đây ngươi dám cả gan tự tiện lấy xe ta mà đi! Trong vườn thượng uyển ngươi nỡ lòng nào cho ta ăn trái đào thừa!?

Nói xong, không cần đến đao phủ, nhà vua liền đưa tay rút thanh kiếm của tên lính hầu cận rồi giơ lên chặt đứt cả hai chân của người bạn đã một thời cùng vào sinh ra tử mà không hề thương xót!

Lời bàn:

Nhờ có thừa tướng Tử Hà thực thi chính sách pháp trị mà nước Vệ ở Trung Quốc ngày xưa tuy nhỏ, dân ít nhưng đã nhanh chóng trở thành quốc gia binh mạnh lương nhiều và vẫn tồn tại bên những quốc gia lớn. Chính vì vậy mà trong bàn dân thiên hạ khi đương thời cũng như hậu thế hôm nay, tất cả những người được nghe kể lại hay được đọc về giai thoại này đều đau xót, căm giận nhà vua nước Vệ ngày xưa và thốt ra lời than rằng: Quả là quá đúng với câu thành ngữ “Khi đã không ưa, thì dưa có dòi” hay “Lưỡi không xương nên nhiều đường lắt léo”! Thói đời là vậy, từ thượng cổ cho tới nay đã có không ít người “vắt chanh bỏ vỏ”, “ăn cháo đá bát”...

Tuy nhiên, suy cho cùng thì hậu quả mà Tử Hà phải gánh chịu về sau cũng có phần lỗi của chính ông. “Tiên trách kỷ hậu trách nhân” và “Pháp bất vị thân”, nhưng Tử Hà thân là cận thần và là người đưa ra chính sách pháp trị, nhưng chính ông lại là người vi phạm trước với việc tự động lấy xe của nhà vua để về quê thăm mẹ, thì còn trách được ai. Học theo Tử Hà, ngày nay có không ít người vẫn thường dùng xe công vào việc riêng, như: Đưa con đi học, đón con từ trường về nhà. Lại có người dùng xe công đi thăm vườn rẫy hằng tuần. Còn có người khi đi họp xa tranh thủ đưa vợ con và thậm chí cả người tình cùng đi để cùng được du hí miễn phí. Nếu ngày nay việc chấp pháp cũng nghiêm như ở nước Vệ ngày xưa thì trong xã hội sẽ có không biết bao nhiêu người bị cụt cả hai chân?

Đ.T

  • Từ khóa
109334

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu