Thứ 5, 09/05/2024 07:11:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 00:00, 26/07/2011 GMT+7

Một Cách Học

Thứ 3, 26/07/2011 | 00:00:00 111 lượt xem

Theo sách Danh nhân đất Việt, Trạng Nguyên Lương Thế Vinh có tên chữ là Cảnh Nghị, tên hiệu là Thụy Hiên. Ông sinh năm 1441 và mất năm 1496. Ông đỗ trạng nguyên dưới triều Lê Thánh Tông và làm quan tại viện Hàn Lâm. Ông là một trong 28 nhà thơ của hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông lập năm 1495. Quê ông ở làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, trấn Sơn Nam (nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Từ nhỏ Lương Thế Vinh đã nổi tiếng về khả năng học mau thuộc, nhanh hiểu và khả năng sáng tạo trong các trò chơi như đá bóng, thả diều, câu cá, bẫy chim.

Quách Đình Bảo và Lương Thế Vinh là hai người nổi tiếng học giỏi. Với Quách Đình Bảo thì hễ cứ rảnh rỗi là lại ngồi vào bàn học. Còn Lương Thế Vinh khác, ông là người biết kết hợp rất khéo giữa chơi và học, nên từ nhỏ Lương Thế Vinh học rất thoải mái và lại đạt kết quả cao. Ông học đến đâu, hiểu đến đấy, học một mà biết mười. Khi đã ngồi học thì tập trung tư tưởng rất cao, luôn muốn thực nghiệm những điều đã học vào đời sống. Ngay trong những lúc vui chơi như câu cá, thả diều, bẫy chim, ông luôn kết hợp với việc học. Lúc thả diều, ông rung dây diều để tính toán, ước lượng chiều dài, chiều cao. Khi câu cá, ông tìm hiểu đời sống các sinh vật, ước tính đo lường chiều sâu ao hồ, chiều rộng sông ngòi... và kiểm tra lại bằng thực nghiệm. Lương Thế Vinh nghĩ ra cách đo bóng cây mà suy ra chiều dài của cây.

Cho đến nay, ở vùng quê của Lương Thế Vinh vẫn còn truyền lại giai thoại về việc học của hai người như sau: Một hôm, sắp đến kỳ thi, Lương Thế Vinh tìm sang làng Phúc Khê bên Sơn Nam hạ để thăm Quách Đình Bảo, với mục đích là bàn chuyện sẽ cùng nhau lên kinh ứng thí trong kỳ thi sắp tới. Khi đến làng, Lương Thế Vinh ghé vào một quán nước nghỉ chân. Tại đây, ông được nghe người trong làng nói là Quách Đình Bảo đang ngày đêm dùi mài kinh sử quên ngủ, quên ăn. Chắc chắn kỳ này Quách Đình Bảo phải đứng đầu bảng vàng. Nghe vậy, Lương Thế Vinh mỉm cười nói: Kỳ thi đến nơi mà còn chúi đầu vào những quyển sách, cố tụng niệm thêm vài chữ. Vậy cũng gọi là biết học ư? Người này chắc chỉ có tiếng hão thôi chớ cái đầu thì hoàn toàn rỗng. Ta có đến thăm cũng chẳng có gì để bàn bạc.

Nói xong thì Lương Thế Vinh quay về, không vào thăm Quách Đình Bảo nữa. Đến khi Quách Đình Bảo ra quán chơi, bà chủ quán kể lại cho nghe và Quách Đình Bảo nói ngay rằng:

- Người ấy nhất định là Lương Thế Vinh.

Nói rồi, Quách Đình Bảo vội sửa soạn hành lý đến nhà Lương Thế Vinh. Nhưng khi tới nơi, Lương Thế Vinh đi vắng, hỏi đi đâu thì người nhà đáp là Lương Thế Vinh đang cùng với lũ trẻ con trong làng chơi thả diều ở ngoài đồng. Quách Đình Bảo nghe vậy hoang mang nói:

- Tài học của người này ta không thể theo kịp được.

Trở về nhà nhưng từ hôm đó Quách Đình Bảo không khổ công dùi mài kinh sử như trước nữa. Vào thi Hội, Quách Đình Bảo đỗ đầu. Khi vào thi Đình, Lương Thế Vinh lại đỗ Trạng Nguyên còn Quách Đình Bảo chỉ đỗ Thám Hoa, tức là còn kém Lương Thế Vinh đến hai bậc.

Lời bàn:

Người xưa vẫn thường nói “thiên hạ nhân, thiên hạ tài”, tức là người tài trong thiên hạ không hiếm và ở đâu cũng có hay hiểu rộng ra là trong thiên hạ mỗi người có một cái tài riêng. Vẫn biết điều ấy là đúng, nhưng để trở thành người tài và được thiên hạ nể trọng và tôn vinh thì không thể là người không học và sự học của mỗi người mỗi khác. Ví như nhân vật Nguyễn Đình Bảo trong giai thoại trên là người chí thú cho sự học. Với ông dường như lúc nào cũng có quyển sách bên mình. Đó là cách học mà người xưa vẫn thường nói là mưa dầm thấm lâu. Còn với Lương Thế Vinh thì cách học của ông lại hoàn toàn khác, ông vừa học vừa chơi, tức là chơi mà học và học mà chơi. Chơi là để chứng minh cho những gì mình đã học, đã đọc trong sách là đúng hay sai. Và cách học này giúp người ta đào sâu kiến thức, thực nghiệm kiến thức nên dễ nhớ và nhớ lâu hơn.

Cả hai cách học trên ngày nay ai cũng biết hiệu quả của nó, thế nhưng không hiểu vì sao lớp trẻ ngày nay hàng ngày cứ phải đến trường với những chiếc cặp trĩu vai. Đã thế, các em, các cháu lại phải học ngày học đêm, sáng học ở trường, chiều học thêm ở nhà thầy cô, tối về lại phải làm bài tập ở nhà. Chính vì thế mà có không ít học sinh trở thành học vẹt, làm bài kiểm tra hay thi xong là quên. Thậm chí có không ít học sinh vừa mới rời ghế nhà trường đã quên lịch sử dân tộc hoặc tên của danh nhân này lại gắn với sự kiện khác trong lịch sử. Những ai là “Dân ta mà không biết sử ta”... thì liệu những người ấy có thể làm rạng danh truyền thống của tổ tiên và cha ông?

Đào Trung

  • Từ khóa
109329

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu