Thứ 5, 09/05/2024 07:37:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 16:24, 12/05/2011 GMT+7

Ân oán

Thứ 5, 12/05/2011 | 16:24:00 125 lượt xem
Chuyện xưa kể lại rằng, sau khi đánh bại đội quân của triều đình nhà Nguyễn Tây Sơn và thống nhất đất nước, trong dịp “mừng công” vào năm 1802, Gia Long đã tổ chức lễ “Hiến Phù” như người xưa. Tại lễ này, Gia Long lệnh cho quân sĩ dẫn vua tôi nhà Tây Sơn đến trước bàn thờ tổ tiên mình để hành quyết.

Đầu tiên, Gia Long buộc Quang Toản mở mắt chứng kiến cảnh quân sĩ phơi bày thi thể Quang Trung và những người bạn thân vừa mới được khai quật từ dưới huyệt mộ lên. Tất cả những bộ hài cốt ấy được bỏ vào một cái giỏ lớn rồi cho quân sĩ đi tiểu vào đó. Chưa hết, Gia Long còn lệnh cho quân sĩ mang những bộ hài cốt này đem giã nát thành bột rồi đưa đến dí sát vào mắt Quang Toản.

Sau khi khủng bố tinh thần, Gia Long cho Quang Toản ăn một bữa cơm ngon rồi bịt mồm tất cả gia đình Quang Toản bằng giẻ rách để khỏi kêu la. Tay chân Quang Toản bị trói bằng dây thừng rồi cột vào chân của 4 con voi. Dưới sự điều khiển của 4 tên nài, 4 con voi chạy theo bốn hướng đã xé nát thân thể Quang Toản làm 4 mảnh ruột gan bầy nhầy. Sau đó, thịt da của Quang Toản được róc thành 5 phần rồi được đem phơi bày tại 5 cửa chợ trong khắp kinh thành. Mục đích việc làm này của Gia Long là để răn đe quần chúng không còn bụng dạ nào dám theo Tây Sơn.

Sau Quang Toản là đến xử Thiếu phó Trần Quang Diệu. Nhờ là người con có chí hiếu với mẹ già nên Trần Quang Diệu được hưởng đặc ân chỉ bị chặt đầu! Tiếp theo là Gia Long cho xử cô con gái của Thiếu phó. Cô bé xinh đẹp mới 14-15 tuổi hãi hùng kêu thét lên khi bị vòi voi quấn:

- “Mẹ ơi! Cứu con với!”.

Bà mẹ - tức là nữ tướng Bùi Thị Xuân - nhìn con và cao giọng:

- Con ơi, hãy chết với cha con hơn là sống với bè lũ lang sói kia.

Con voi tung cô bé lên trời hai lần rồi lấy cặp ngà nhọn hoắt để hứng tấm thân yêu kiều... máu phun lai láng!

Nữ tướng Bùi Thị Xuân sau khi chứng kiến cái chết thê thảm của chồng và con gái, bà vẫn bình tĩnh hiên ngang đi thẳng đến con voi sắp giết mình. Bọn lính hô “Quỳ xuống!”. Nhưng bà vẫn ung dung đứng nhìn. Không hiểu vì sao khi ấy con voi không dám tiến đến gần. Cuối cùng bị bọn quản tượng kích thích, con voi mới quấn tấm thân bà tung lên... Phải 3 lần tung hứng, nữ tướng mới tắt thở.

Riêng mẹ con bà công chúa Lê Ngọc Hân (vợ của Quang Trung) thì đã nhanh chân chạy trốn vào Quảng Ngãi sau khi Phú Xuân bị Gia Long tái chiếm. Nhưng tay chân của Gia Long đã bắt được bà và hai con. Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân đã phải tự tử chết, hai người con thì bị thắt cổ.

Có một điều ngang trái là Lê Ngọc Bình (em gái Lê Ngọc Hân, con của vua Lê Hiển Tông) lúc bấy giờ là vợ trẻ của Quang Toản lại được vua Gia Long “chiếu cố”. Bởi vì khi Phú Xuân thất thủ, Lê Ngọc Bình bị kẹt lại và Nguyễn Ánh đã ngây ngất trước vẻ đẹp sắc nước hương trời của Ngọc Bình, rồi Gia Long quyết định chiếm đoạt và phong cho nàng làm Đệ Tam cung.

Như thế công chúa Ngọc Bình có hai đời chồng đều làm vua. Vì vậy cho nên trong dân gian thời ấy đã đặt câu ca rằng: “Số đâu có số lạ lùng; Con vua mà lấy hai chồng làm vua”.

Lời bàn:

Cái chết đột ngột của vua Quang Trung và sự rối ren của triều đình nhà Nguyễn Tây Sơn sau đó là nguyên nhân chính giúp cho Gia Long lên ngôi hoàng đế vào năm 1802. Thịnh rồi lại suy là quy luật của các triều đại phong kiến và lịch sử phong kiến Việt Nam đã chứng kiến biết bao cảnh giao thời giữa triều đại này sang triều đại khác, song có lẽ chỉ cuộc thay ngôi đổi chủ giữa nhà Tây Sơn sang nhà Nguyễn là dã man, tàn ác và hèn hạ nhất. Cứ như nội dung của giai thoại trên thì cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại chuyện ấy có lẽ chẳng mấy ai là không rùng mình kinh sợ.

Cuộc đời nếu cứ “oan oan tương báo” thì sự thù hận biết đến bao giờ mới chấm dứt? Hơn nữa, kẻ thắng đã làm vua tức là ngồi trên thiên hạ thì còn phải sợ gì nữa mà lại đi báo thù người đã chết với cả đàn bà và trẻ con. Và chính việc làm này của Gia Long đã vô tình gieo vào lòng hậu duệ của ông sự nhẫn tâm đến mức tàn ác trong những cuộc truyền ngôi sau này. Thế mới hay rằng, người càng ở cao càng phải có tấm lòng nhân ái, độ lượng và vị tha thì mới có cơ may thu phục được nhân tâm và tạo được sự đồng thuận. Một khi đã có điều này thì việc gì cũng thành và mong hậu thế đừng quên cái triết lý đơn giản đó.

N.N

  • Từ khóa
109318

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu