Thứ 3, 21/05/2024 01:36:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 08:18, 24/02/2018 GMT+7

Năm mới gặp những điển hình đam mê sáng chế

Thứ 7, 24/02/2018 | 08:18:00 95 lượt xem
BP - Những ngày đất trời vào xuân, chúng tôi đã gặp gỡ, trò chuyện với các kỹ sư không chuyên. Tuy mỗi người một hoàn cảnh, con đường sự nghiệp khác nhau nhưng trong họ có chung niềm đam mê sáng chế thiết bị phục vụ quá trình lao động, sản xuất, đem lại hiệu quả cao nhất.

Đồng chí Trần Tuệ Hiền, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; GS-TS khoa học Đặng Vũ Minh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao giải cho các tác giả đoạt giải nhất hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ IV - Ảnh: Ngân Hà

Từ lợi ích nông nghiệp

Chị Huỳnh Thị Diệu Lộc, ngụ ấp Cây Chạch, xã Lộc Tấn (Lộc Ninh) tốt nghiệp Khoa Công nghệ sinh học Đại học Đà Lạt và từng có công việc ổn định tại TP. Hồ Chí Minh với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Nhưng với niềm đam mê trồng cây nông nghiệp và muốn tự mình làm giàu trên đất quê hương, hơn hết là niềm đam mê nghiên cứu, sáng chế các thiết bị điện tử đã thôi thúc chị Lộc rời bỏ sự nghiệp ổn định để về Lộc Ninh lập nghiệp.

Chị Huỳnh Thị Diệu Lộc bên thiết bị giám sát và tưới nước tự động

Từ số vốn ít ỏi ban đầu, chị đầu tư trồng cây khổ qua rừng trên diện tích đất của gia đình. Chị Lộc cho rằng, đây là loại rau tốt cho sức khỏe nên được người dân ưa chuộng, kể cả trái lẫn lá. Sau khi tích góp được chút vốn, chị đầu tư 300m2 trại trồng nấm. Trồng nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao không phải là chuyện dễ vì nấm là cây trồng khó tính, đòi hỏi phải đủ ánh sáng, độ ẩm và lượng nước thích hợp mới phát triển tốt. Khó khăn và tốn kém nhất trong quá trình sản xuất nấm là tưới nước, giữ độ ẩm cho nhà nấm. Để khắc phục hạn chế này và giảm tối đa chi phí cho quá trình sản xuất, chị Lộc đã tự tìm tòi, học hỏi, sáng chế ra hệ thống giám sát, tưới nước tự động cho nhà nấm, nhà lưới. Hệ thống này giúp tự động hóa quy trình tưới tiêu, cung cấp độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng trong nhà nấm với việc bật, tắt đèn, máy phun sương thích hợp cho từng loại nấm và từng giai đoạn phát triển. Ngoài ra, hệ thống còn có chức năng ghi nhật ký canh tác hằng ngày.

Từ 300m2 trại nấm ban đầu, đến nay chị đã phát triển lên 3 trại nấm với diện tích 700m2 có sức chứa 60 ngàn bịch phôi nấm. Mỗi tháng trại nấm của gia đình chị cho ra thị trường 2 tấn nấm, thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Đặc biệt là thiết bị hệ thống giám sát và tưới nước tự động cho nhà nấm, nhà lưới của chị đã đạt giải 3 cuộc thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh, bán ra thị trường với giá 2 triệu đồng/bộ và được người tiêu dùng ưa chuộng. Để đưa sản phẩm sáng chế của mình vươn ra thị trường toàn quốc, chị đã liên kết các nhà đầu tư thành lập Công ty khởi nghiệp AgrHub tại TP. Hồ Chí Minh.

Người của những sáng chế

Anh Lê Chí Hợp, làm việc tại Đội quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp Điện lực Lộc Ninh, đam mê nghiên cứu sáng chế các thiết bị hỗ trợ trong thi công, vận hành đường dây điện đã mang lại hiệu quả tích cực cho ngành điện. Với 27 năm công tác, từ những công việc hằng ngày của bản thân và anh em trong đội, để giảm bớt những vất vả và tăng hiệu quả công việc, giảm chi phí thi công, bảo dưỡng đường điện, anh đã nghiên cứu, sáng chế ra nhiều thiết bị phục vụ công tác. Những sản phẩm của anh làm ra được ngành điện lực đánh giá cao, áp dụng rộng rãi trong ngành. Đặc biệt, các sản phẩm đều đạt giải cao tại nhiều cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật. Điển hình như: Dụng cụ thay sứ trụ gốc 1 pha đạt giải nhất cấp huyện, giải nhì cấp tỉnh, khuyến khích toàn quốc; dụng cụ căn dây điện đạt giải ba cấp tỉnh; xe máy thu hồi dây cáp điện đạt giải khuyến khích cấp tỉnh. “Từ thực tế đa số lưới điện ở huyện Lộc Ninh đi trong vùng sâu, xa nên rất khó khăn trong thi công lưới điện vì xe cơ giới không thể vào để thu hồi dây điện, tôi đã nghiên cứu, sáng chế ra các thiết bị phục vụ việc thi công đường điện đạt hiệu quả hơn” - anh Hợp cho biết.

Anh Lê Chí Hợp đạt nhiều giải thưởng tại các hội thi sáng tạo kỹ thuật

Niềm đam mê sáng tạo của con người là không giới hạn, không phân biệt trình độ học vấn, lứa tuổi, nghề nghiệp. Chỉ cần có niềm đam mê sáng tạo và kiên trì tìm tòi học hỏi, họ có thể sáng tạo ra những sản phẩm, thiết bị kỹ thuật phục vụ đắc lực trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.

Văn Hùng

  • Từ khóa
111033

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu