Thứ 6, 10/05/2024 15:43:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 14:55, 16/11/2017 GMT+7

Bị bệnh hiểm nghèo vẫn luôn học giỏi

Thứ 5, 16/11/2017 | 14:55:00 442 lượt xem

BP - Mắc bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) hay còn gọi là bệnh máu trắng từ khi mới 18 tháng, thế nhưng Lục Thị Kiều Linh, dân tộc Nùng (2004), học sinh lớp 8A1, Trường THCS Tân Hòa, xã Tân Hòa (Đồng Phú) luôn là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó vươn lên trong học tập. Em được thầy cô quý mến, các bạn nể phục với thành tích 7 năm liền là học sinh xuất sắc, học sinh giỏi toàn diện.

Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bản thân mắc bệnh hiểm nghèo nhưng Linh vẫn đến trường đều đặn, cố gắng vươn lên trong học tập. Sức khỏe của em ngày càng yếu, hay chóng mặt, chảy máu cam, ăn uống kém... Vì vậy so với các bạn cùng trang lứa, trông Linh nhỏ bé hơn nhiều. Tuy nhiên, căn bệnh vẫn không làm dập tắt ý chí, nghị lực của em, Linh học rất giỏi và ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo và những người bị bệnh giống em.

Ngồi bên con gái, anh Lục Văn Lâm (ba Linh) lấy vạt áo lau những giọt nước mắt đang lăn dài trên má. Vẻ mặt hốc hác, đôi mắt đỏ hoe, anh kể: Lúc mới sinh ra Linh bụ bẫm, kháu khỉnh, khỏe mạnh nên cả gia đình rất vui. Nhưng khi em tròn 18 tháng tuổi thì có biểu hiện kém ăn, da xanh xao nhợt nhạt, sốt cao nhiều ngày không khỏi nên gia đình đã đưa em đến Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) khám bệnh. Tại đây, bác sĩ kết luận em mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Từ đó đến nay, đều đặn mỗi tháng 1 lần ba mẹ phải đưa em đến bệnh viện điều trị. Mỗi khi trở trời, Linh lại lên cơn sốt, rét run, kém ăn, đau mỏi khắp người... Những lúc ấy, ba mẹ thay nhau thức đêm chăm sóc em.

Mắc bệnh tan máu bẩm sinh sẽ phải truyền máu thường xuyên, như em Linh đều đặn 20-30 ngày truyền một lần để duy trì sức khỏe và hạn chế bệnh phát triển. Mỗi lần truyền như vậy, Linh phải xuống Bệnh viện Nhi Đồng II (TP. Hồ Chí Minh) để truyền máu. 2 năm nay Linh chuyển về truyền máu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Mỗi chuyến đi 3-4 ngày, gia đình phải chi phí hết 2-3 triệu đồng. “Mỗi lần truyền máu về, Linh lại cố gắng thức khuya dậy sớm học bài để đuổi kịp chương trình. Nhìn con xanh xao, ốm yếu, ăn uống kém nhưng vẫn cặm cụi, miệt mài bên đèn sách, nhiều lúc tôi rớt nước mắt” - anh Lâm chia sẻ.

Tuổi thơ sống trong bệnh tật, không được vui chơi thoải mái như các bạn nhưng Linh luôn nỗ lực học tập, đến trường đều đặn và năm học nào em cũng đạt học sinh giỏi toàn diện. Khi được hỏi về ước mơ và dự định trong tương lai, Linh nói: “Em rất thương ba mẹ. Ba mẹ đã vất vả vì em nên em chỉ biết cố gắng thật nhiều trong học tập. Em mong được chữa khỏi bệnh, có sức khỏe để tiếp tục học tập thật tốt sau này thi vào ngành y”.

Cô Nguyễn Mai Ngọc, giáo viên chủ nhiệm của Linh nhận xét: “Mặc dù mắc căn bệnh nan y từ nhỏ, song Linh rất lạc quan, chăm ngoan, tự giác. Em luôn cố gắng tự học, tự bổ sung kiến thức cho mình bằng cách mượn vở bạn, kết hợp sách giáo khoa và hỏi ý kiến các thầy cô sau những ngày nghỉ điều trị bệnh. Nghị lực của em rất đáng khâm phục”.

Chia tay Linh ra về mà lòng tôi trĩu nặng, trên môi em lúc nào cũng nở nụ cười, dù đang phải chống chọi với căn bệnh khó chữa. Hy vọng rằng cuộc sống sẽ có những phép nhiệm màu để giúp ước mơ của em trở thành hiện thực.

Nhung Hiền

  • Từ khóa
111020

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu