Thứ 6, 10/05/2024 07:33:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 15:09, 12/10/2017 GMT+7

Nhà nông sáng chế máy xắt thức ăn cho dê

Thứ 5, 12/10/2017 | 15:09:00 213 lượt xem

BP - Hiện nay, trên địa bàn huyện Bù Đốp phát triển mạnh nghề trồng tiêu kết hợp nuôi dê. Trước đây trong một thôn, ấp chỉ có vài hộ nuôi dê thì nay đa số gia đình áp dụng cách làm này. Do vậy, thức ăn là lá cây lấy từ các trụ tiêu sống (chủ yếu là cây cẩm hoặc cây keo) ngày càng khan hiếm, hộ trồng nhiều tiêu cũng chỉ vừa đủ cung, còn phần lớn phải kiếm thêm thức ăn khắp nơi cho dê. Từ thực tế đó, nhiều nông dân trong vùng đã cải tiến máy xắt chuối thành máy xắt cây keo, cẩm... tận dụng tối đa thức ăn sẵn có để duy trì đàn dê và phát triển bền vững.

từ thực tế khan hiếm thức ăn

Ông Trần Khánh Hứng (1953) ở ấp Tân Nhân, xã Tân Tiến (Bù Đốp), cách đây 2 năm, từ vốn vay của Chi hội cựu chiến binh ấp, ông mua được 2 con dê giống và làm chuồng nuôi. Đến nay, đàn dê đã tăng lên 14 con. Thời gian đầu ít người nuôi nên việc đi xin cành lá trong vườn tiêu rất dễ. Hiệu quả kinh tế từ việc trồng tiêu dùng trụ sống kết hợp nuôi dê đem lại cao nên hầu như nhà nào trồng tiêu cũng nuôi dê. Vì vậy, thức ăn cho dê ngày một khan hiếm. Ông Hứng nói: “Hiện nhà nào trồng tiêu mà không nuôi dê thì họ cũng bán cành lá trụ sống, chứ chẳng cho không như trước, trung bình giá từ 3.000 đồng/trụ/năm trở lên và phải cắt tỉa gọn gàng. Nuôi 10 con trở lên thì cần phải có 1.000 trụ tiêu bằng nọc sống mới đáp ứng nổi”.

Ông Trần Khánh Hứng điều khiển máy xắt thức ăn cho dê do ông sáng chế

Thời gian đầu lượng thức ăn đi xin dồi dào, việc cho dê ăn rất đơn giản, chỉ cần vứt cả lá lẫn cành vào máng. Nhưng với cách này thì dê chỉ ăn lá non, ngọn, còn phần lá già và cành bỏ lại rất lãng phí và mất thời gian thu gom phế phẩm. Tình cờ vào tháng 6-2016, sau khi được người bạn ở Bình Long giới thiệu máy xắt chuối cho heo với giá 5,5 triệu đồng, ông Hứng đã nghĩ tại sao có máy xắt chuối mà không có máy xắt cây keo, cẩm...

Tiện ích từ sáng chế

Từ suy nghĩ đó, ông Hứng bắt đầu nghiên cứu, chế tạo chiếc máy xắt cây keo, cẩm. Những ngày đầu khi bắt tay vào sáng chế, ông gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lúc máy không xắt được phải tháo ra làm lại, khắc phục nhược điểm. Cứ thế, sau nhiều lần sửa chữa, máy xắt cây keo, cây cẩm cũng hoàn thiện đưa vào sử dụng từ tháng 3-2017. Với mục đích làm ra máy để phục vụ chăn nuôi của gia đình nên tiêu chí đơn giản, dễ vận hành luôn được ông Hứng đặt lên hàng đầu. Các chi tiết máy đơn giản với một môtơ đấu nối với trục xoay bằng dây cu roa và lưỡi dao dùng để cắt nguyên liệu cùng hộp sắt bao quanh lưỡi dao tránh vung vãi thức ăn. Ngoài ra ông chế tạo ra nhiều lưỡi dao để xắt các loại cây khác nhau tùy nhu cầu, mục đích cho vật nuôi. Ông Hứng cho biết: “Nhiều đêm nằm suy nghĩ, bất chợt nảy ra ý tưởng cải thiện công năng của máy, tôi liền bật dậy lấy giấy viết vẽ ra và làm luôn trong đêm. Sau mấy tháng miệt mài cùng với những lần kiên trì tự gỡ khó sau thất bại, cuối cùng tôi cũng thành công chỉ với 2,5 triệu đồng đã làm ra được máy xắt cây keo, cẩm vừa tiện lợi vừa rẻ lại hiệu quả cao”.

Ông Hứng cho biết, với 14 con dê, trước đây gia đình phải đi lấy thức ăn 3 lần/ngày. Nhưng từ đầu năm đến nay, nhờ máy xắt  nên việc lấy thức ăn cho dê không còn khó khăn, chỉ cần mỗi ngày lấy 1 lần rồi đem xắt nhỏ cho dê ăn cả ngày. Bởi dùng máy xắt nhuyễn cành nhỏ, lá nên dê ăn được hết. Vì vậy giúp tiết kiệm thức ăn, thời gian, công sức và chỉ cần 300 trụ tiêu trong vườn nhà cũng đủ cung cấp cho cả đàn. Thấy hiệu quả từ chiếc máy do ông cải tiến, các xưởng cơ khí tại địa bàn đã đến xin ý tưởng và sản xuất, chế tạo để bán ra thị trường. Vì vậy, hiện nay đã có rất nhiều hộ dân dùng loại máy này để xắt thức ăn cho dê.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tiến Phạm Đức Ánh cho biết: Người dân trong xã rất bất ngờ trước sáng chế của ông Hứng. Qua thử nghiệm, họ nhận thấy máy xắt thức ăn cho dê mang lại hiệu quả cao trong chăn nuôi. Hiện nay, hội đã phổ biến rộng rãi sản phẩm này. Tới đây nếu ông Hứng đăng ký sáng chế và được công nhận, sản xuất đại trà, thì thủ phủ trồng tiêu kết hợp nuôi dê huyện Bù Đốp sẽ có thêm một loại máy nông nghiệp mới phục vụ đắc lực cho nông dân trong chăn nuôi.

Đức Trung

  • Từ khóa
111013

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu