Thứ 6, 10/05/2024 04:04:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 13:51, 28/07/2017 GMT+7

Điểm sáng vùng biên

Thứ 6, 28/07/2017 | 13:51:00 78 lượt xem


BP - “Sau 11 năm thành lập, từ một vùng đất nghèo khó, đường đi lại khó khăn, không có điện, hộ nghèo chiếm gần 35%, đến nay cơ sở hạ tầng của ấp đã được cải thiện, đời sống người dân ngày một nâng cao, nhiều hộ có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Vinh dự nhất năm 2016, ấp được Huyện ủy Lộc Ninh tuyên dương là khu dân cư tiêu biểu về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” - ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp 7, xã Lộc Hưng chia sẻ.

Đoàn kết vượt khó

Ấp 7, xã Lộc Hưng được thành lập tháng 9-2006 trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính và dân cư của 3 ấp 1, 2 và 5. Địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, trong khi điện không có, cơ sở vật chất thiếu thốn, còn đường đi chỉ là những lối mòn. Lúc mới tách, toàn ấp có 112 hộ với 370 người, nhưng có đến 36 hộ nghèo, chưa kể hộ cận nghèo, phần lớn thu nhập thấp và khó khăn về nhà ở. Chi bộ ấp lúc ấy được thành lập với 2 đảng viên tại chỗ và 2 đảng viên được Đảng ủy xã điều động từ ấp 5 qua sinh hoạt ghép. Các đoàn thể cũng được thành lập dựa trên đội ngũ cán bộ được điều động từ các ấp khác về. Ông Nguyễn Đức Thanh cho biết: Sau khi hệ thống chính trị được củng cố, hằng tháng chi bộ đều xây dựng và triển khai nghị quyết đến các đoàn thể vào buổi họp giao ban. Những vấn đề cần phát động trong dân, chi bộ và các đoàn thể xuống các tổ dân cư họp triển khai rộng rãi. Nghị quyết chi bộ được cụ thể hóa bằng những chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, nhân dân được tham gia góp ý, bày tỏ chính kiến và biểu quyết thực hiện bảo đảm khách quan, dân chủ. Do đó, các hoạt động trong ấp đều được người dân đồng tình, ủng hộ. 2 năm sau hệ thống giao thông được sửa chữa, nâng cấp, điện được kéo về. Ấp còn được Nhà nước quan tâm đầu tư, cải tạo hệ thống kênh mương, nội đồng, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các vốn vay ưu đãi và tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên đời sống ngày một đổi thay.

Bí thư Chi bộ ấp 7, xã Lộc Hưng Nguyễn Đức Thanh cho biết, toàn bộ trang thiết bị nhà văn hóa ấp đều được mua sắm từ tiền của nhân dân đóng góp

Ông Hà Văn Phương, Chi hội trưởng nông dân ấp 7 cho biết: Toàn ấp hiện có 25 ha lúa, 110 ha cao su, 40 ha cây ăn trái, còn lại là tiêu, điều. Trước đây, đất trồng lúa chỉ canh tác được một vụ, nay trồng 3 hoặc 2 vụ lúa, 1 vụ bắp. Hiện ấp có một tổ trồng bắp nếp với 15 thành viên do ông Đỗ Văn Thân làm tổ trưởng. Ông Thân tự điều tiết sản xuất từ khâu xuống giống đến khi thu hoạch và bao tiêu sản phẩm. Với giá 6.000 đồng/kg, nguồn thu từ trồng bắp ăn trái cao hơn nhiều so với trồng lúa, lại tận dụng được lá và thân làm thức ăn cho bò, dê.

“Được học tập các mô hình điểm về nuôi bò, dê sinh sản, trồng lúa nước, bắp... và nghe tuyên truyền, phổ biến hình thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên hầu hết người dân trong ấp đã thay đổi tư duy làm kinh tế. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng. Đến nay, toàn ấp có 147 hộ với 510 người, nhưng chỉ còn 4 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo” - ông Thanh cho biết.

Khu dân cư văn hóa nhiều năm liền

Không chỉ đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân, Ban điều hành ấp 7 còn tuyên truyền, vận động và thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện diện mạo khu dân cư và chăm lo tốt hơn đời sống người dân. Ông Thanh cho biết: Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, ấp đã vận động nhân dân chung tay cùng Nhà nước làm 4 tuyến đường bê tông với chiều dài 1.750m và 2 tuyến đường sỏi đỏ dài 1.700m. Trong đó, nhân dân đóng góp gần 200 triệu đồng và hàng trăm ngày công lao động. Chúng tôi đang tiếp tục vận động đóng góp để thi công 4 tuyến đường còn lại, giúp người dân đi lại và trao đổi hàng hóa thuận tiện hơn. Ban điều hành ấp còn vận động nhân dân đóng góp 55 triệu đồng mua bàn ghế, hệ thống âm thanh, phông màn, làm sân bóng chuyền, mái che... để bảo đảm hoạt động của nhà văn hóa. Có được kết quả này là do ban điều hành đã phát huy hiệu quả tinh thần dân chủ, bảo đảm khách quan, công khai minh bạch trong vận động, sử dụng. Người dân tự vận động, tự giám sát, tự chịu trách nhiệm về chất lượng công trình. Khi vận động phải giải thích rõ ý nghĩa, mục đích và cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động. Nhờ vậy, không chỉ hộ khá, giàu mà các hộ tạm trú, hộ nghèo cũng tích cực hưởng ứng.

Ngoài hỗ trợ phát triển sản xuất, chăm lo việc học hành của con em trong ấp, thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết, các chi hội đoàn thể, tổ dân cư đều có những hoạt động mang ý nghĩa thiết thực. Điển hình là Chi hội phụ nữ góp quỹ xoay vòng 100 triệu đồng cho hội viên vay không lãi hoặc lãi suất thấp để phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Tổ 5 vận động nhân dân đóng góp hơn 60 triệu đồng và 50 ngày công lao động làm mới 2 cây cầu bắc qua suối và 3 cống thoát nước; đóng góp tiền, hiến đất, cây trồng làm mới tuyến đường sỏi đỏ chạy qua tổ... Được sự quan tâm của các cấp, ngành và nhà hảo tâm, từ khi thành lập đến nay, ấp đã có 21 hộ khó khăn về nhà ở được tặng nhà tình thương và 7 gia đình chính sách được tặng nhà tình nghĩa.

Bà Nguyễn Thị Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch UBMTTQVN xã Lộc Hưng cho biết: “Nhờ tinh thần đoàn kết cao từ cấp ủy chi bộ đến các tổ chức đoàn thể nên ấp 7 luôn dẫn đầu các phong trào thi đua của xã, trong đó có nhiều chỉ tiêu xã giao, ấp đều thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nhờ đó, Chi bộ ấp 4 năm liền đạt trong sạch vững mạnh, ấp nhiều năm liền đạt khu dân cư văn hóa”. Còn ông Lục Thanh Xuân, Trưởng ban công tác mặt trận ấp nói: “Từ người đứng đầu chi bộ đến các đoàn thể đều xuất thân bộ đội Cụ Hồ. Chúng tôi từng vào sinh ra tử nên luôn đoàn kết, gắn bó, đồng lòng, chung sức, quyết tâm xây dựng khu dân cư ngày càng giàu đẹp, văn minh”.

Lâm Phương

  • Từ khóa
110998

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu