Thứ 6, 10/05/2024 22:01:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 14:07, 06/06/2017 GMT+7

Nữ công nhân cao su ưu tú

Thứ 3, 06/06/2017 | 14:07:00 200 lượt xem
BP - Đến Nông trường Thọ Sơn (Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng) tại xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng, hỏi chị Huỳnh Thị Lệ Hằng, ai cũng biết và yêu mến. Nụ cười luôn nở trên môi và thành tích “khủng” trong khai thác mủ cao su là điều mọi người ấn tượng về chị. Không chỉ là “bàn tay vàng” khai thác mủ cấp tập đoàn, chị còn là gương phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Chị vinh dự được Công đoàn Cao su Việt Nam tuyên dương danh hiệu “Công nhân cao su Việt Nam ưu tú” lần 1/2017.

THÀNH TÍCH NHIỀU NGƯỜI NGƯỠNG MỘ

Chị Huỳnh Thị Lệ Hằng (1985), quê xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đầu năm 2003, sau khi tốt nghiệp THPT, không có điều kiện học tiếp, chị xin vào làm công nhân khai thác mủ cao su ở tổ 2, Nông trường Thọ Sơn. Khi mới vào, chị được nhận làm công nhân khai thác tại phần cây già. Qua từng năm, tích lũy nhiều kinh nghiệm, chị được Ban giám đốc nông trường tin tưởng và chuyển dần sang khai thác tại phần cây khác.

Nữ công nhân ưu tú Huỳnh Thị Lệ Hằng

Từ năm 2003 đến nay, chị luôn đạt danh hiệu lao động giỏi. Năm 2008, chị bắt đầu tham gia và là gương mặt quen thuộc trong các cuộc thi thợ giỏi do nông trường, công ty tổ chức. Nhiều năm liền chị tham gia tích cực phong trào “Luyện tay nghề - Thi thợ giỏi”. Với nỗ lực, cố gắng vượt bậc, tháng 11-2016, chị đã đoạt giải ba tại hội thi bàn tay vàng khai thác mủ cao su cấp tập đoàn lần thứ 10 với số điểm tuyệt đối 100. Tháng 5-2017, chị là đại biểu duy nhất của tỉnh tham gia lễ tuyên dương thợ trẻ toàn quốc lần thứ 8/2017.

Chị Hằng cho biết: “Giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức hằng năm để tôn vinh những thợ trẻ có tay nghề cao, thành tích xuất sắc trong lao động, có giải pháp sáng tạo được áp dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội. Năm 2017, có 60 đại biểu tiêu biểu của cả nước được tuyên dương. Khi biết mình là đại diện duy nhất của tỉnh được tuyên dương, tôi vô cùng xúc động”.

Hơn 14 năm làm công nhân khai thác, chị luôn nỗ lực học hỏi, nâng cao kỹ thuật cạo mủ, hoàn thành vượt mức sản lượng từ 101% trở lên, kỹ thuật khai thác đạt 0,9%. Hiện nay, chị là một trong 9 công nhân của Nông trường Thọ Sơn được “chọn mặt gửi vàng” để khai thác D4.

“GIỎI VIỆC NƯỚC, ĐẢM VIỆC NHÀ”

Ngoài hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chị Hằng còn là nhân tố điển hình trong các hoạt động phong trào của đơn vị, công ty. 10 năm tham gia Ban Chấp hành Công đoàn nông trường, chị là chỗ dựa vững chắc của anh chị em công nhân, đoàn viên trong đơn vị. Mỗi khi đồng nghiệp gặp khó khăn, chị luôn lắng nghe và chia sẻ. Chị nhiệt tình với mọi hoạt động, tích cực tham gia đội văn nghệ, bóng chuyền, cầu lông, dẫn chương trình...

Chị Hằng nói: “Lúc mới vào làm công nhân khai thác mủ cao su, tôi chỉ nghĩ phải làm để kiếm tiền mưu sinh. Cứ như vậy, qua mỗi năm tôi yêu nghề, yêu đường dao cạo khi nào không hay. Tôi vẫn thường xuyên rèn luyện để nâng cao tay nghề, khai thác hiệu quả vườn cây đúng quy trình kỹ thuật để đạt năng suất cao, duy trì ổn định hết chu kỳ khai thác.

Ngoài công việc tại nông trường, chị có một gia đình nhỏ với chồng và hai con. Song song làm việc và sinh hoạt tại nông trường, chị cũng dành thời gian để cùng gia đình phát triển kinh tế và dạy bảo các con học hành. Với 4 ha rẫy trồng điều và cà phê, gia đình chị đã có kinh tế khá ở thôn Sơn Quý. Liên tục nhiều năm, hộ chị được công nhận là “Gia đình văn hóa” tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Chị là điển hình xuất sắc, tấm gương tiêu biểu xứng đáng với danh hiệu “Công nhân cao su Việt Nam ưu tú”.

Thanh Nga

  • Từ khóa
110992

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu