Thứ 6, 10/05/2024 09:39:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 07:07, 06/05/2017 GMT+7

Vì lợi ích của dân thì khó mấy cũng làm

Thứ 7, 06/05/2017 | 07:07:00 74 lượt xem
BP - Cách trung tâm huyện Phú Riềng không xa, những năm gần đây, thôn 6, xã Long Tân mặc dù là thôn đặc biệt khó khăn nhưng đã có sự thay đổi tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Đạt được kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của ông Vương Ngọc Bửu Sơn (SN 1968), Phó thôn mẫu mực, luôn đi đầu trong học tập và làm theo Bác.

Vì dân phục vụ

Thôn 6 có 242 hộ, trong đó 112 hộ nghèo, 43 hộ cận nghèo, 64 hộ không có đất sản xuất và 68 căn nhà tạm (trong đó 193 hộ người S’tiêng). 4 năm trước, ông Vương Ngọc Bửu Sơn (người gốc Ấn Độ) được nhân dân trong thôn tín nhiệm bầu làm Phó thôn. Là thôn khó khăn nhất của xã Long Tân, để làm tốt nhiệm vụ ông Sơn luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từ đó tìm cách tháo gỡ khó khăn. Bởi ông cho rằng tình làng nghĩa xóm, sẻ chia khó khăn chính là chất keo gắn kết mọi người. Mỗi khi trong thôn có người qua đời mà gia cảnh khó khăn, ông đứng ra vận động người dân ủng hộ tiền và gạo để giúp đỡ gia quyến. Đến nay, hàng chục hộ trong thôn đã được hỗ trợ, giúp họ vơi đi nỗi đau. Riêng năm 2016, ông vận động được gần 8 triệu đồng giúp 4 hộ. Ngoài ra, ông còn vận động nhân dân giúp đỡ 2 cụ già neo đơn mỗi tháng 180 ngàn đồng. Vì thế, người dân trong thôn ai cũng quý mến ông bởi sự gần gũi, quan tâm và hết lòng với người dân.

Phó thôn Vương Ngọc Bửu Sơn đã đóng góp không nhỏ trong vận động giải tỏa hành lang lưới điện tại thôn 6

Do học sinh trong thôn phải đi đường vòng hoặc lội qua suối để đến lớp, ông đã cùng ban điều hành thôn vận động nhân dân đóng góp hơn 20 triệu đồng xây cầu từ tháng 6-2015. Bên cạnh đó, để có nơi sinh hoạt cho người dân cũng là nơi vui chơi cho các cháu, ông đã vận động mọi nguồn đóng góp, từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất nhà văn hóa thôn từ bàn ghế đến loa đài và đổ bê tông sân khấu nhà văn hóa. Ông Sơn hồ hởi nói: “Long Tân không phải xã điểm xây dựng nông thôn mới, không vì thế mà trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tôi luôn ấp ủ kế hoạch từng bước xây dựng nông thôn mới ở thôn. Tôi nghĩ có khả năng đến đâu thì làm đến đó, tất cả vì lợi ích của người dân thì việc gì cũng có cách gỡ”.

Lấy dân làm gốc

 Là thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trước đây vấn đề tảo hôn, vi phạm pháp luật... còn xảy ra. Ông đã lồng ghép vào những buổi sinh hoạt thôn, dịp phát quà từ thiện để tuyên truyền người dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy lùi nạn tảo hôn, chịu khó học nghề, không nên bán điều non, vận động học sinh đến lớp, thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mới đây, trong công tác giải tỏa hành lang lưới điện, mặc dù một số hộ bị thiệt hại khá lớn nhưng nhờ làm tốt tuyên truyền, vận động nên việc giải tỏa sớm được hoàn thành.

Gần dân, hiểu dân nên khi Nhà nước hỗ trợ các hộ đồng bào khó khăn, thay vì được hỗ trợ máy phát cỏ, bình xịt thuốc thì ở thôn 6, để phù hợp với thực tế, ông Sơn đã mạnh dạn kiến nghị cấp trên chuyển đổi sang cấp máy chẻ hạt điều. Không những vậy gia đình cũng có 8 máy chẻ, ông đã mang đến 6 hộ để mỗi hộ 1 máy, ưu tiên hộ nghèo. Ông nhận điều gia công từ các xưởng lớn mang đến từng nhà giao, chiều lại gom về đi nhập. Ông Sơn cho biết: “Làm như vậy mình vừa có thu nhập mà bà con cũng có việc làm, tận dụng được thời gian rảnh kiếm thêm thu nhập”. Ông luôn gương mẫu đi đầu trong vận động người dân nên việc thực hiện các khoản đóng góp ở một thôn khó khăn tưởng chừng rất khó thì ở thôn 6 lại luôn hoàn thành đúng thời hạn và vượt chỉ tiêu.

Ông Sơn cho rằng, để người dân tin tưởng và ủng hộ các phong trào mà ban điều hành thôn vận động, trước hết kinh tế gia đình mình phải ổn định. Do vậy ngoài công việc của thôn hoặc đột xuất, hằng ngày ông vẫn cùng vợ con nhận điều về giao cho các hộ chẻ, rồi chăm sóc đàn heo hơn 20 con, chăm lo vườn rẫy và động viên con cái học hành. Quan trọng hơn là ông luôn nhận được sự đồng cảm từ  người vợ nên tham gia hoạt động xã hội ngày càng tích cực.

3 năm trở lại đây, thôn 6 có nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, riêng năm 2016 thôn giảm 16 hộ nghèo. Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện hiệu quả, mọi vấn đề đều được công khai, minh bạch theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân thôn 6 có nhiều chuyển biến. Từ những việc làm thiết thực, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, nhiều năm liền thôn không có mâu thuẫn, khiếu kiện, các tệ nạn xã hội không xảy ra, an ninh trật tự ổn định, người dân yên tâm phát triển sản xuất. Kết quả này ngoài sự đoàn kết của nhân dân còn có sự đóng góp không nhỏ của Phó thôn Vương Ngọc Bửu Sơn.

Phạm Yến

  • Từ khóa
110987

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu