Thứ 2, 20/05/2024 23:15:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 13:46, 04/02/2016 GMT+7

Ông Tư Hiền

Thứ 5, 04/02/2016 | 13:46:00 125 lượt xem
BP - Trên con đường gập ghềnh, người đàn ông ngoài 60 tuổi cùng chiếc xe máy cũ, dáng người gầy gò, làn da ngăm đen nhưng nét mặt tươi vui rong ruổi hết nhà này đến nhà khác. Với ông, “dân là trên hết”.

27 NĂM “VÁC TÙ VÀ”

Những ngày giữa tháng 12-2015, chúng tôi về ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn (Lộc Ninh) để tìm gặp ông Nguyễn Thanh Hiền, người mà rất nhiều hộ dân nơi đây xem như ruột thịt trong gia đình và gọi với cái tên thân mật “Ông Tư Hiền”. Năm 1985, ông Tư rời quê hương Quảng Trị đến xã vùng biên của huyện Lộc Ninh lập nghiệp. Sau 4 năm làm công nhân cạo mủ cao su, ông xin nghỉ về nhà làm rẫy. Cũng từ đây, ông có điều kiện gần gũi người dân nhiều hơn và được tín nhiệm bầu làm trưởng ấp.

Ông Tư Hiền (bên phải) trao đổi công việc với người dân tại nhà văn hóa ấpÔng Tư Hiền (bên phải) trao đổi công việc với người dân tại nhà văn hóa ấp

Năm 1990, tình hình an ninh trật tự ở vùng biên có nhiều phức tạp và ấp Thạnh Tây cũng không ngoại lệ. “Địa bàn ấp Thạnh Tây ngày đó bao gồm cả ấp Thạnh Đông hiện nay nên rất rộng. Là nơi gần Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, đời sống khó khăn nên người dân đổ xô đi buôn hàng lậu như: thuốc lá, quần áo, vật dụng trong gia đình... Tôi đã đến từng nhà vận động, phân tích việc làm của họ là trái pháp luật. Sau đó, tôi và ban ấp phối hợp với bộ đội biên phòng và lãnh đạo xã kịp thời xử lý” - ông Tư Hiền kể lại.

Nhắc đến ông Tư, hầu hết người dân ở đây đều thể hiện lòng kính trọng. Cô giáo Nguyễn Thị Xuyên nhớ lại những ngày mới về nhận công tác tại điểm lẻ Thạnh Tây: “Năm 2002, về đây dạy, chúng tôi ở lán do bộ đội biên phòng làm cho, ngoài ra không có bất kỳ vật dụng gì. Trời lạnh, muỗi lại nhiều, chính chú Tư đã mang cho chúng tôi mền, mùng. Những năm đầu giảng dạy ở điểm lẻ với bao khó khăn, nếu không có sự giúp đỡ, động viên của chú Tư và Ban quản lý ấp, có lẽ tôi cũng giống như nhiều giáo viên trước phải bỏ nghề dạy học”.

Bà Nguyễn Thị Hoa, 58 tuổi ở tổ 4 nhắc đến ông Tư với sự biết ơn. Bà Hoa không nhớ rõ khi nào, chỉ biết thời điểm đó đồng tiền có giá lắm. Gia đình bà Hoa lại nghèo, gạo bữa có bữa không. Được vận động đóng các loại quỹ, bà Hoa cũng cố gắng vay mượn 100 ngàn đồng để đóng. Nhưng khi viết biên lai xong, ông Tư trả lại và nói bà Hoa cầm tiền mua gạo cho con, ông ủng hộ thay.

Năm 2005, ấp Thạnh Tây tách ra thành 2 ấp Thạnh Đông và Thạnh Tây. Nhưng người dân hai ấp đã quen với hình ảnh của ông Tư Hiền. Bất cứ việc gì, họ cũng đều nhờ ông đến giải quyết. Ngày nào cũng vậy, ông Tư Hiền “vi hành” khắp ấp Thạnh Tây, lúc vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, khi lo vận động giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Ông còn là “chuyên gia” hòa giải ở cơ sở, từ những chuyện liên quan đến hôn nhân gia đình đến các vụ tranh chấp đất... Ông Giang Minh Hiến, Chủ tịch UBND xã Lộc Tấn luôn đánh giá ông Tư Hiền là cán bộ ấp hết lòng vì dân, năng nổ trong mọi công việc và là cầu nối quan trọng giữa người dân với chính quyền xã.

NỖI NIỀM ẤP TRƯỞNG

Hơn 27 năm làm trưởng ấp, ông Tư Hiền chứng kiến nhiều đổi thay của xóm làng, sự khó khăn, thiệt thòi và cả những ước mơ của bọn trẻ nơi vùng biên này. Ấp Thạnh Tây còn nghèo. Những năm gần đây, đời sống người dân khó khăn hơn vì giá mủ cao su xuống thấp; đất đai cằn cỗi, nhiều gia đình không có đất để canh tác, chủ yếu đi làm thuê kiếm sống. Điều mà ông Tư Hiền trăn trở nhất là làm thế nào để người dân bớt khổ, những đứa trẻ không vì hoàn cảnh gia đình, trở ngại trước mắt mà phải bỏ học giữa chừng.

Nhiều năm tháng gắn bó với công việc, chừng ấy thời gian không lúc nào ông Tư Hiền được thảnh thơi. Công việc ở ấp ngày càng nhiều, hết phong trào này đến cuộc vận động khác, chưa kể liên tục cập nhật triển khai những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật mới của Nhà nước... Cái nào cũng quan trọng, cũng mang lại quyền và lợi ích cho nhân dân. Từ sáng sớm, ông là người có mặt đầu tiên ở nhà văn hóa ấp để giải quyết công việc, hội họp, rồi lại tất bật xuống địa bàn ấp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhân dân xem có “ai cần gì thì mình giúp”. Ông nói: “Muốn hiểu dân thì phải sâu sát, gắn bó, chia sẻ vui buồn với dân dù lớn hay nhỏ, từ đó vận động chuyện gì cũng thành công, nói gì họ cũng nghe”.

Không ai có thể làm tốt công việc ở thôn, ấp nếu không có lòng chân thành, nhiệt tình, nhất là với nghề “vác tù và...” này. Bởi trưởng ấp không có lương mà chỉ được phụ cấp 900 ngàn đồng/tháng. Ông Tư có thể tìm một công việc khác có thu nhập cao hơn nhưng hơn 27 năm qua, ông vẫn làm công việc này. “Tôi sẽ làm cho đến khi người dân không còn tín nhiệm nữa. Gắn bó hơn 27 năm, tôi đã quen những việc liên quan đến dân cũng giống như của chính gia đình tôi vậy. Tôi cảm thấy mình còn nợ người dân, vì có những việc nằm ngoài khả năng. Người dân ở đây vẫn còn nghèo và thiệt thòi lắm!” - ông Tư Hiền chia sẻ.

Hải Yến

  • Từ khóa
110931

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu