Thứ 2, 20/05/2024 20:54:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 09:01, 04/12/2015 GMT+7

Già làng Điểu Ganh: Nói dân nghe, làm dân tin

Thứ 6, 04/12/2015 | 09:01:00 141 lượt xem

BP - Từng là Phó chủ tịch UBND, Trưởng công an xã Tân Quan, huyện Bình Long cũ, năm 1993, ông chuyển về xã Quang Minh (Chơn Thành) làm Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã cho đến khi nghỉ hưu. Đã trải qua 65 mùa rẫy, già làng Điểu Ganh ở ấp Cây Gõ muốn được vui vầy bên con cháu nhưng người dân không muốn ông nghỉ nên tiếp tục bầu làm già làng. Dù ở cương vị nào, già làng cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cấp ủy, chính quyền và người dân tin tưởng, kính trọng.

KHI GIÀ LÀNG LÀM DÂN VẬN

Đến ấp Cây Gõ, hỏi nhà già làng Điểu Ganh ai cũng biết. Người dân ở đây thường gọi già làng với tên thân mật là bác Năm, có người lại gọi là bố Ganh. Trong căn nhà được bài trí gọn gàng, sạch sẽ, già làng kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời làm dân vận của mình.

Già làng Điểu Ganh (trái) đã vinh dự được tuyên dương tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh lần thứ IVGià làng Điểu Ganh (trái) đã vinh dự được tuyên dương tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh lần thứ IV

Năm 1968, Mỹ càn quét vùng căn cứ cách mạng. Lúc này thanh niên Điểu Ganh mới 16 tuổi đã xung phong làm du kích tại địa phương, giúp bộ đội tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, vận động đồng bào theo cách mạng và Bác Hồ, không bỏ buôn làng theo địch.

7 năm làm cách mạng, cùng sống và chiến đấu với bộ đội đã giúp Điểu Ganh ngày càng trưởng thành. Tuy không được học hành nhiều nhưng với bản tính cần cù, chịu khó, lại năng nổ, tháo vát, tích cực tham gia hoạt động xã hội, khi hòa bình, ông được bầu làm Trưởng ấp Tranh 3, xã Phước An, huyện Bình Long cũ. Năm 1982 khi tách xã, ông được giao giữ chức Phó chủ tịch UBND xã Tân Quan, kiêm Trưởng công an xã. Đến năm 1993, thực hiện chính sách giãn dân của Nhà nước, ông cùng dân làng ở ấp Tranh 3 di cư đến ấp Cây Gõ (nay thuộc xã Quang Minh) định canh, định cư, phát triển kinh tế. Khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã, ông từng bước xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, giúp đồng bào xóa tập tục lạc hậu để có cuộc sống tốt hơn.

Già làng Điểu Ganh kể: “Sau năm 1975, đồng bào S’tiêng còn nhiều hủ tục lạc hậu lắm. Tôi đã đến từng nhà vận động họ, bị bệnh thì phải đến cơ sở y tế, phải ăn chín uống sôi, đặc biệt xóa bỏ lệ đồng bóng. Thời đó, tôi hay kể chuyện tấm gương của Bác Hồ cho đồng bào nghe... Cứ thế, năm này qua năm khác, nhận thức của nhiều người dân trong vùng được nâng cao; các hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi giảm dần. Đặc biệt đồng bào đã ý thức được việc chi tiêu tiết kiệm, lao động cần cù hơn, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao đời sống.

ĐẢNG VIÊN GƯƠNG MẪU

Già làng Điểu Ganh luôn khắc ghi câu “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, bản thân không gương mẫu thực hiện thì nói ai nghe, ai tin!? Vì vậy, già làng luôn răn dạy các con sống tốt và có ích. Già làng có 4 người con, đến nay đã trưởng thành, có công việc ổn định và đều là đảng viên gương mẫu.

Nhiều gia đình người dân tộc thiểu số đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, cuộc sống ổn định, con cháu có tương lai nhờ sự giúp đỡ của già làng Điểu Ganh. Anh Điểu Hoàng (47 tuổi) có con nghỉ học. Già làng đã nhiều lần phân tích giúp gia đình anh thấy được sự quan trọng của việc học. Bây giờ cháu đã đi học trở lại và tiến bộ nhiều.

Cách đây 2 năm, vợ chồng anh Điểu Ký ở ấp Bàu Teng mâu thuẫn gay gắt và có ý định ly dị. Già làng Điểu Ganh đến nhà phân tích, làm rõ đúng sai của từng người nhưng vợ chồng anh nhất quyết không nghe. Sau đó, già làng dùng “chiêu”, dọa rằng nếu ly dị phải nộp 20 triệu đồng cho nhà nước. Thấy số tiền quá lớn, 3 ngày sau anh Ký chở vợ đến nhà già Ganh xin về ở lại với nhau. Già cười: “Phải biết được hoàn cảnh gia đình từng người thì mới có biện pháp phù hợp. Nhà Điểu Ký lúc đó còn nghèo, cơm còn chưa no cái bụng, 2 con nhỏ, làm sao có 20 triệu đồng mà nộp nên không thể ra tòa ly dị được. Thấy vợ chồng nó chở nhau đến, tôi bề ngoài thì nghiêm khắc nhưng trong lòng vừa thương vừa buồn cười”

Xã Quang Minh có 5 ấp, trong đó 3 ấp chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Vậy mà có 97% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; các ấp đều đạt nếp sống văn minh. Kết quả này có một phần công sức của già làng Điểu Ganh. Chủ tịch UBND xã Quang Minh Đỗ Văn Hiếu cho biết: “Bác Năm rất  tâm huyết trong công việc, là đảng viên gương mẫu. Bác là sợi dây kết nối giữa nhân dân với Đảng, với chính quyền”. Tháng 9-2015, già làng Điểu Ganh vinh dự là 1 trong 70 cá nhân, tập thể được tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ IV.

Hải Yến

  • Từ khóa
110927

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu