Thứ 2, 20/05/2024 21:20:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 07:13, 22/11/2015 GMT+7

Từ nông dân trở thành giám đốc

Chủ nhật, 22/11/2015 | 07:13:00 302 lượt xem
BP - Năm 1984, sau khi xuất ngũ trở về địa phương xây dựng gia đình, vì hoàn cảnh khó khăn và khát vọng tìm hướng thay đổi cuộc sống, ông Hà Thanh Thuẫn đã chọn đất Bình Phước lập nghiệp. Trên quê hương mới, gia đình ông từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên gặt hái nhiều thành công.

HÀNH TRÌNH MƯU SINH

Ông Hà Thanh Thuẫn (56 tuổi) ở thôn Tân Phú, xã Bù Nho (Phú Riềng) là giám đốc doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất phân bón vi sinh và làm chủ hơn 70 ha đất sản xuất, thu lợi mỗi năm nhiều tỷ đồng. Thế nhưng, khi nhắc đến thành quả, ông chỉ cười và nói: “Cũng chỉ đủ nuôi các cháu ăn học thôi!”. Nghe ông nói đơn giản nhưng đó là cả một quá trình. Vì trước khi trở thành ông chủ, ông chỉ là một nông dân bình thường, phải làm đủ nghề để mưu sinh.

Ông Thuẫn giới thiệu thành phần và tác dụng của phân bón Hudavil do công ty sản xuấtÔng Thuẫn giới thiệu thành phần và tác dụng của phân bón Hudavil do công ty sản xuất

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng khuôn viên công ty, ông kể về một thời vất vả “chạy ngược chạy xuôi” kiếm sống và hành trình trở thành giám đốc. Năm 1979, khi mới 20 tuổi, ông nhập ngũ tham gia bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc. Năm 1983, xuất ngũ trở về quê hương và lập gia đình nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên ông chuyển vào Nam lập nghiệp.

Từ năm 1985-1987, ông làm trong đội bảo vệ của Công ty cao su Phú Riềng. Nhưng ở thời điểm đó thu nhập cũng chỉ đủ sống nên ông xin nghỉ. Ông Thuẫn bộc bạch: “Nhờ 4 năm quân ngũ đã rèn cho tôi không biết ngại khó, ngại khổ và vượt qua những lúc cam nguy nhất trong cuộc sống”.

Sau một thời gian bươn chải với nhiều nghề khác nhau, ông tích góp được ít vốn và bắt đầu mua đất canh tác. Ông nói: “Ngày trước, đất ở đây giá thấp nên có tiền là tôi mua đất hết. Có thời điểm tôi sở hữu hơn 90 ha đất. Mình là nông dân, phải có đất mới sống được. Hiện tôi còn hơn 70 ha đất, trong đó có 38 ha điều, còn lại trồng cao su, xà cừ, giá tỵ và cây ăn trái. Để ổn định cho lao động làm vườn, tôi xây 12 căn nhà trong rẫy để họ yên tâm làm ăn”.

VÀ LÀM GIÁM ĐỐC CỦA NÔNG DÂN

Trải qua nhiều phen sóng gió đã tạo nên một nông dân Hà Thanh Thuẫn dám nghĩ, dám làm. Từ ý tưởng tận dụng vỏ củ mì của Nhà máy Vedan làm phân bón cho cây cao su, năm 2013, ông mở một nhà máy nhỏ sản xuất khoảng 900 tấn phân bón/năm phục vụ sản xuất của gia đình và người thân. Sau một thời gian, thấy loại phân bón này hiệu quả, được người dân đánh giá là chất lượng nên ông mạnh dạn mở rộng sản xuất và thành lập Công ty cổ phần Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sạch phân bón Hudavil, chuyên sản xuất phân bón vi sinh cho cây trồng.

 “Để thành công trong kinh doanh phải biết giữ chữ tín và đặt cái tâm lên trên hết, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Nếu có được sự tin tưởng của người dân thì công ty mới thành công. “Chất lượng là trên hết” là nguyên tắc bất di bất dịch mà công ty đề ra trong những ngày đầu bước vào thương trường” - ông Thuẫn chia sẻ.

Với tiêu chí “Kinh doanh phải có lời và nông dân phải có lợi”, ông xuống tận vườn những hộ đăng ký mua phân vi sinh của công ty, khuyên họ nên bón một nửa diện tích bằng phân bón vi sinh của công ty, còn lại bón bằng phân thường dùng nhằm đánh giá đúng hiệu quả phân bón vi sinh do công ty sản xuất. Khi nông dân hợp đồng mua phân bón thì công ty làm cam kết sẽ đền bù và trả lại tiền nếu phân bón không hiệu quả.

Để tạo thuận lợi cho người dân, từ khi nhà máy phân bón vi sinh Hudavil đi vào hoạt động, công ty đã bán thiếu cho nông dân các xã Long Tân, Long Bình (Phú Riềng). Riêng ở xã Long Bình, ông bán thiếu 100% phân bón cho 200 hộ nghèo và những gia đình dân tộc thiểu số, sau khi thu hoạch mới trả tiền.

Ông Thuẫn cho hay: Phân bón Hudavil của công ty được chuyển giao công nghệ từ Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Phân bón Hudavil dựa vào nhu cầu dinh dưỡng của từng loại cây và theo từng thời kỳ phát triển. Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng đã đem mẫu của công ty đi kiểm nghiệm đạt hiệu quả tốt nên năm 2013 mua 473 tấn bón thúc và năm 2014 mua 945 tấn bón thúc cùng 200 tấn bón lót.

Hữu Dụng

  • Từ khóa
110921

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu