Thứ 2, 20/05/2024 21:20:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 10:30, 12/11/2015 GMT+7

Khi trưởng ấp là nữ

Thứ 5, 12/11/2015 | 10:30:00 146 lượt xem
BP - 17 năm tham gia công tác xã hội, trải qua nhiều công việc khác nhau, từ Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã, giờ là Trưởng ấp Tân An, xã Tân Tiến (Bù Đốp), ở cương vị nào bà Vũ Thị Ngọc Hồi (63 tuổi) cũng tìm được niềm vui vì còn sức khỏe để giúp đỡ nhiều mảnh đời kém may mắn.

DANG TAY VỚI NHIỀU HOÀN CẢNH KÉM MAY MẮN

“Tôi tham gia Hội chữ thập đỏ xã từ năm 1995. Ngày đó khó khăn nên không ai mặn mà với công tác hội. Việc vận động người dân quyên góp ủng hộ cũng khó khăn không kém. Nhiều hôm đi bộ hàng chục kilômét nhưng cũng chỉ xin được vài lon gạo, bó rau. Ai cho gì nhận nấy. Người cho rau, người cho gạo, cũng có người “cho” cả những lời mắng chửi vì xin nhiều lần nhưng tôi nhận hết vì không phải xin cho mình mà xin cho những hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ. Nếu tôi đặt tự ái cá nhân lên trên thì không thể theo đuổi công việc tới bây giờ. Vậy là cứ chai mặt, dần dà mọi người cũng hiểu, thông cảm rồi cùng chia sẻ công việc với mình” - bà Hồi nói.

Bà Hồi (ngoài cùng bên trái) nhận bằng khen biểu dương người tốt việc tốt ngành dân vận năm 2015Bà Hồi (ngoài cùng bên trái) nhận bằng khen biểu dương người tốt việc tốt ngành dân vận năm 2015

Bà Hồi nhớ lại, năm 1994, vào Bù Đốp lập nghiệp, không đất sản xuất, gia đình 6 người phải ở nhà tạm. Vợ chồng bà đi phát rẫy thuê để có tiền trang trải cuộc sống. Gặp hoàn cảnh đáng thương của một gia đình, cha mẹ qua đời vì tai nạn giao thông, bỏ lại 5 đứa con thơ nheo nhóc, không người thân, nhà cửa. Bà Hồi không đắn đo suy nghĩ liền bàn với chồng nhận 5 đứa trẻ về nuôi. Cộng thêm 4 người trong gia đình là 9. Trong khi phải chạy ăn từng bữa nuôi 9 miệng ăn thì việc cho các cháu đến trường là điều không thể. Nhận nuôi các cháu được 2 năm, cuộc sống quá chật vật, đắn đo suy nghĩ nhiều đêm, vợ chồng bà đành gạt nước mắt làm thủ tục đưa các cháu vào cô nhi viện ở tỉnh Bình Dương với mong muốn các cháu sẽ có điều kiện tốt hơn để đi học.

“Hiện 5 cháu đều đã trưởng thành, được đi học và có việc làm tự nuôi sống bản thân. Cháu út được một gia đình khá giả ở nước ngoài nhận nuôi, hiện đã học xong đại học và đi làm. Anh em các cháu xem vợ chồng tôi như cha mẹ thứ hai và vẫn thường xuyên về thăm hỏi” - bà Hồi vui vẻ nói.

63 tuổi nhưng bà Hồi không cho phép mình nghỉ ngơi, ở đâu có người cần giúp đỡ là bà sẵn sàng. Từ việc vận động xây cổng chào và bê tông sân nhà văn hóa ấp với kinh phí 12,5 triệu đồng; mua 25 xe đạp tặng học sinh nghèo; hỗ trợ 250kg gạo cho các hộ thiếu đói lúc giáp hạt; tặng 25 bộ sách giáo khoa cho học sinh nghèo trong ấp... đến việc thành lập bếp ăn nhân ái nhằm giảm bớt một phần khó khăn cho người nghèo và những cảnh đời bất hạnh đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Bù Đốp. Bếp cơm thành lập năm 2012 và duy trì bằng tiền đóng góp hằng tháng của 10 chị em và những tấm lòng hảo tâm trong ấp. Mỗi tháng, bếp nấu ăn 2 ngày (ngày mồng 2 và 20), mỗi ngày cấp 40 suất cơm trị giá 20 ngàn đồng/suất gồm cá, thịt, rau, sữa. Suất ăn được các thành viên phát tận giường cho bệnh nhân.

KHÉO LÉO VÀ TÂM LÝ

Bà Hồi chia sẻ: “Là phụ nữ lại làm trưởng ấp, nếu không uy tín và làm việc bằng cái tâm thì nói sẽ chẳng ai nghe”. Ấp Tân An rộng và đông dân nhất xã (372 hộ, gồm 1.467 người), trong đó 37% là đồng bào dân tộc thiểu số. Do ấp gần chợ nên an ninh trật tự phức tạp, thường xuyên xảy ra trộm cắp, đánh nhau, đặc biệt là “đá nóng” xe máy. Vài năm trở lại đây, tình trạng này giảm nhiều vì Ban điều hành ấp phối hợp chặt chẽ với dân quân tự vệ xã, công an huyện, đồn biên phòng tăng cường tuyên truyền an ninh trật tự, an toàn giao thông, ngăn chặn kịp thời việc người dân qua Campuchia đánh bạc.

Nhờ bà Hồi giải quyết công việc có tình, có lý, khéo léo trong cách thuyết phục mà nhiều gia đình đã hàn gắn mâu thuẫn. Mỗi khi có phụ nữ đến tố cáo bị chồng bạo hành, bà luôn có mặt kịp thời. Bà đợi cả hai bên bình tĩnh rồi mới tìm cách tiếp cận, hỏi chuyện từng người để tìm ra mấu chốt của vấn đề, từ đó đưa ra hướng giải quyết. Gặp những vụ việc phức tạp như tranh chấp đất đai dẫn đến đánh nhau gây mất trật tự khu dân cư, bà đều cứng rắn xử lý. Có trường hợp tranh chấp đất đai, tổ phải đến nhà hòa giải 12 lần mới thành công.

Không thể kể hết những bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương bà Hồi nhận được từ các cấp, ngành. Cũng không vì những thành tích đó mà tự mãn nguyện với bản thân, vì bà tâm niệm: “Làm công tác xã hội ngoài sự nhiệt tình, trách nhiệm thì phải có cái tâm. Đừng chỉ làm cho xong mà hãy coi việc xã hội như việc của nhà mình”.

Ngân Hà

  • Từ khóa
110917

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu