Thứ 2, 20/05/2024 21:39:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 14:20, 04/11/2015 GMT+7

“Giải thưởng” của niềm đam mê sáng tạo

Thứ 4, 04/11/2015 | 14:20:00 119 lượt xem
BP - Xuất phát từ thực tiễn sản xuất, niềm đam mê nghiên cứu khoa học, anh đã biến những ý tưởng của mình thành hiện thực, áp dụng thành công vào sản xuất, làm lợi hàng tỷ đồng cho đơn vị. Đó là kỹ sư cơ khí Đoàn Quang Trọng, Phó giám đốc, Trưởng ban Khoa học - kỹ thuật Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30-4, Công ty TNHH MTV cao su Bình Long.

“Hơn 10 năm công tác tại xí nghiệp, kỹ sư Đoàn Quang Trọng luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao và đi đầu trong phong trào sáng kiến, sáng chế cải tiến của đơn vị. Anh còn là đồng tác giả của các sáng kiến đã và đang được áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp” - ông Nguyễn Sỹ Thảo, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn xí nghiệp nói.

Kỹ sư cơ khí Đoàn Quang Trọng giới thiệu phương pháp cách nhiệt đáy lò golstar và điều chỉnh đường luân chuyển khí nóng tại dây chuyền sản xuấtKỹ sư cơ khí Đoàn Quang Trọng giới thiệu phương pháp cách nhiệt đáy lò golstar và điều chỉnh đường luân chuyển khí nóng tại dây chuyền sản xuất

Có thể kể đến một số đề tài, sáng kiến tiêu biểu mang lại lợi ích kinh tế cao của anh Trọng, như: “Xác định TSC trong mủ cao su thiên nhiên bằng lò vi sóng” đã được ứng dụng hiệu quả vào sản xuất của đơn vị, giúp nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm SVR, là giải pháp giúp sản xuất SVR CV từ nguyên liệu thu mua mà không tách giống như trước. Sáng kiến áp dụng các biện pháp tăng cường ánh sáng tự nhiên cho nhà xưởng sản xuất và thay thế các thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện. Anh còn thay đổi phương thức vận hành thiết bị, chuyển nhiên liệu xông sấy mủ từ dầu DO sang sử dụng gas LPG... mang lại hiệu quả, giảm chi phí và bảo vệ môi trường. Nổi bật trong các sáng kiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất là cải tiến thành công lò sấy mủ golstar công suất 2,5 tấn/giờ bằng phương pháp cách nhiệt đáy lò và điều chỉnh đường luân chuyển khí nóng giúp giảm gần 1,5kg gas/tấn sản phẩm và khoảng 25kWh điện/ngày; cải tiến lò sấy mủ tạp công suất 1,5 tấn/giờ giúp giảm 1,17kg gas/tấn sản phẩm và 20kWh/ngày. Công trình đưa vào vận hành đã tiết kiệm vật tư, nhiên liệu làm lợi cho đơn vị so với định mức gần 2 tỷ đồng mỗi năm. Được Sở Khoa học - Công nghệ và Ban công nghiệp Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đánh giá xuất sắc.

Gần đây nhất, đề tài thiết kế và xây dựng hệ thống tận dụng nước mưa đưa vào sản xuất đang được triển khai. Khi đưa vào vận hành dự kiến sẽ tiết kiệm 47 triệu đồng/năm và giảm khai thác nước mặt, bảo vệ môi trường. Không dừng lại ở đó, anh còn cùng Ban khoa học xí nghiệp đăng ký nhiều đề tài, giải pháp cải tiến để áp dụng vào sản xuất, đồng thời nghiên cứu nhiều công trình khoa học sát thực tiễn và được vinh danh. Cụ thể, các sáng kiến của anh và đồng nghiệp đạt 2 giải ba trong hội thi Sáng tạo khoa học - công nghệ tỉnh lần thứ I; 2 giải khuyến khích hội thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật toàn quốc (Vifotech) lần thứ XI; 2 cúp vàng sáng tạo trẻ của Trung ương Đoàn (năm 2011, 2013) và 2 bằng khen Lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (năm 2012).

Tại Đại hội thi đua yêu nước của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam lần thứ IV năm 2015, anh Trọng là một trong 5 cá nhân được vinh dự nhận giải thưởng “Cao su Việt Nam”. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh cán bộ, công nhân lao động có cống hiến xuất sắc trong lao động sáng tạo của ngành.

T.Mảng

  • Từ khóa
110912

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu