Thứ 2, 20/05/2024 23:14:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 15:10, 17/10/2015 GMT+7

Nữ cựu chiến binh giàu lòng nhân ái

Thứ 7, 17/10/2015 | 15:10:00 97 lượt xem
BP - Với những việc làm thầm lặng, khi thì vài chục ký gạo, vài chai dầu ăn, khi thì vài chục cuốn tập học sinh... nhưng hằng tháng bà Lê Thị Phán (53 tuổi) ở ấp 8, xã An Khương (Hớn Quản) lại tìm đến trao tận tay những học sinh, bệnh nhân nghèo trong xã để giúp họ vượt qua khó khăn.

Bà Lê Thị Phán (bên phải) trao quà định kỳ hằng năm cho học sinh nghèo vượt khó 

Xuất thân từ gia đình giàu truyền thống cách mạng ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, năm 1978, bà Phán tình nguyện vào bộ đội, được phân công về đơn vị C9 - Cục Hậu cần - Đoàn 530 - Bộ Tư lệnh công binh, đóng quân ở Lào Cai, Yên Bái. Tuổi xuân của bà là những năm tháng gắn bó với môi trường quân ngũ. Ngoài nhiệm vụ tham gia xây dựng trận địa chốt tuyến biên giới, đơn vị của bà còn tích cực chăn nuôi, trồng trọt, làm đường...

Năm 1981, bà phục viên về quê rồi lập gia đình, 3 đứa con lần lượt chào đời. Quê nghèo thiếu đất sản xuất, cuộc sống khó khăn nên năm 1999 bà vào Bình Phước lập nghiệp. Những ngày vào định cư ở vùng đất mới, cuộc sống cũng thiếu thốn đủ bề. Hằng ngày, bà đạp xe hơn 30 cây số ra thị xã Bình Long lấy rau, củ, quả rồi rong ruổi khắp ngả đường bán cho công nhân, lao động nghèo. Cuộc sống cơ cực khiến người chồng bỏ về quê cùng 2 con để bà với con út chưa tròn 2 tuổi ở lại. Khó khăn chồng chất nhưng bản chất được tôi luyện trong quân ngũ cùng quyết tâm vượt qua đói nghèo là động lực để bà phấn đấu. Khi đó không có đất, bà thuê 3 héc ta đất hoang trồng lúa nước, làm việc cần mẫn từ sáng đến khuya, chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm. Qua bao năm làm việc cật lực, cuộc sống bắt đầu dư giả chút ít, bà về quê đón mẹ già và 2 người con vào cho ăn học. Sau đó, dựng vợ gả chồng cho con, sống quây quần bên nhau.

Đi lên từ cơ cực nên bà hiểu cảnh nghèo khổ, nhất là thân phận phụ nữ. Vì vậy, trong xã có hoàn cảnh khổ hơn mình là bà sẵn sàng giúp đỡ. Tuy chỉ là gạo, chai dầu ăn, tập vở, hộp bút... nhưng cũng đã giúp nhiều người vượt qua cơ cực, đúng như tinh thần “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Bà Trần Thị Toàn (70 tuổi) ở ấp 8, xã An Khương cho biết: “5 năm nay, bà cháu tôi luôn nhận được sự giúp đỡ của cô Phán. Đều đặn hằng tháng 2 bà cháu được cô hỗ trợ 20kg gạo, dầu ăn, nước mắm... Còn dịp lễ, tết hay vào năm học mới thì các cháu được tặng quà trị giá 200 ngàn đồng. Khi tôi đau ốm là cô Phán cho tiền đi khám, chữa bệnh”.

Gia đình bà Nguyễn Thị Xuân (53 tuổi) ở cùng ấp 8 cũng được bà Phán cưu mang nhiều năm qua. Bà Xuân bị bệnh đau tim không làm được việc nặng. Con gái Châu Thị Dầu (SN2000) đang học lớp 8, Trường THCS An Khương được đến trường là nhờ sự giúp đỡ của bà Phán và các nhà hảo tâm. Hằng tháng, gia đình bà Xuân nhận được 200 ngàn đồng, 20kg gạo, dầu ăn... và các vật dụng như tủ, tivi, bàn học, sách vở... đều được bà Phán mua tặng.

Chỉ tính năm 2015, ngoài việc hỗ trợ hằng tháng 10kg gạo, dầu ăn và 200 ngàn đồng cho 4 học sinh nghèo vượt khó học giỏi, bà Phán còn tặng 84 tập vở, bút viết cho học sinh; tặng 20 phần quà tết cho hộ nghèo, người tàn tật, học sinh giỏi tại xã An Khương, mỗi phần 200 ngàn đồng; hỗ trợ gia đình bà Vinh, cựu chiến binh xã Tân Lợi 1,4 triệu đồng để làm nhà.

Ông Bùi Duy Dũng, Chủ tịch UBND xã An Khương cho biết: “Cô Phán là tấm gương mẫu mực trong cuộc sống. Ở xã, cô tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội như Trưởng ban liên lạc Hội Cựu chiến binh, Hội trưởng Hội Khuyến học, Tổ trưởng phụ nữ ấp 8. Ở cương vị nào cô cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Có tấm lòng độ lượng, nhân ái nên dù cuộc sống còn khó khăn nhưng nhiều năm qua cô vẫn tình nguyện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Tấm lòng thiện nguyện của cô được chính quyền xã ghi nhận. Cô Lê Thị Phán xứng đáng là tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để mọi người học hỏi, noi theo”.   

Quang Đức - Hồng Nhung

  • Từ khóa
110908

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu