Thứ 2, 20/05/2024 21:15:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 09:37, 23/05/2014 GMT+7

Hết lòng vì người khiếm thị

Thứ 6, 23/05/2014 | 09:37:00 124 lượt xem

Xác định học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên, những năm qua ông Nguyễn Thanh Hoàng, cán bộ Văn phòng Hội người mù thị xã Đồng Xoài không chỉ cần mẫn trong lao động mà còn yêu thương, giúp đỡ mọi người. Ông Hoàng tâm niệm: “Là con người thì phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, cùng vượt qua khó khăn”.

Thầy giáo của người khiếm thị

Sau khi tham gia khóa học chữ Braille (chữ nổi dành cho người khiếm thị) năm 1998 tại Trung tâm Phục hồi chức năng cho người mù (Hà Nội), ông Nguyễn Thanh Hoàng mong trở thành thầy của những người khiếm thị. Đúng như ước nguyện, sau 6 tháng học chữ Braille, ông Hoàng trở về Bình Phước công tác tại Hội Người mù huyện. Năm 1999, ông mở lớp đầu tiên tại huyện Đồng Phú. Ông Hoàng cho biết, những ngày đầu vận động người khiếm thị đi học rất khó. Nhiều người tự ti, mặc cảm về khuyết điểm của mình. Để giúp họ hòa nhập cộng đồng, ông và một số hội viên đã tích cực vận động được 20 học viên tham gia.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng hướng dẫn người khiếm thị làm quen với các ký hiệu

Không đơn thuần chỉ là dạy bảng chữ cái với đường nét uốn, lượn... mà dạy bằng những ký hiệu riêng dành cho người khiếm thị. Ông Hoàng nói: “Dạy chữ Braille không khó, nhưng để họ tiếp xúc và ghi nhớ ký hiệu bằng các đầu ngón tay, người dạy phải kiên trì. Một lớp học chỉ nên có từ 15 đến 20 học viên mới kèm được hết”. Nhờ tâm huyết, nhiệt tình, sau 3 tháng học ông đã giúp 20 học viên đầu tiên của huyện Đồng Phú cũ (nay tách thành huyện Đồng Phú và thị xã Đồng Xoài) biết đọc, biết viết bằng chữ Braille.

Chị Phan Ngọc Phượng ở khu phố Phú Lộc, phường Tân Phú (TX. Đồng Xoài) cho biết: “Ngày đầu đi học được thầy cho làm quen với bảng con cắm và các ký hiệu của bảng chữ cái. Chỉ cảm nhận bằng đầu ngón tay nên rất khó nhớ. Với sự cố gắng của bản thân và sự nhiệt tình chỉ bảo của thầy Hoàng, sau 3 tháng tôi đã đọc, viết bằng chữ Braille thành thạo”.

Ông Hoàng cũng vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm tặng học bổng cho học sinh là con em người khiếm thị và những hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị xã Đồng Xoài. Năm học 2012-2013, ông Hoàng liên hệ tổ chức từ thiện “Làn gió ấm” (TP. Hồ Chí Minh) vận động tặng học bổng, sách vở, xe đạp cho 39 học sinh với tổng trị giá 45 triệu đồng. Học kỳ I năm học 2013-2014, đã có 30 học sinh được tặng học bổng, xe đạp với tổng trị giá 35 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Loan, phụ huynh của em Nguyễn Thanh Tâm (lớp 7A4, trường THCS Tân Xuân) cho biết: “Vợ chồng tôi đều bị khiếm thị, hàng ngày đi bán chổi đót dạo. Vì vậy, để lo cho con ăn học là một việc lớn. Vừa qua, cháu Tâm được tặng học bổng, gia đình tôi vui lắm”.

Tìm việc làm cho người khiếm thị

Với những người khiếm thị, họ sẽ làm quen với ký hiệu bằng cách dùng các con cắm (làm bằng i-nox, hoặc nhôm) cắm vào bảng có các ô hình chữ nhật, mỗi ô gồm 6 chấm (mô hình 6 chấm). Một chữ cái được viết trong một ô. 6 chấm (gồm 2 đường thẳng song song, mỗi bên 3 chấm) được quy định vị trí từ 1 đến 6 theo chiều từ trên xuống dưới, từ trái qua phải. Mỗi chữ cái được ký hiệu ở từng vị trí thích hợp. Ví dụ: Chữ cái A sẽ dùng con cắm, cắm vào vị trí chấm 1. Chữ cái B là vị trí chấm 1 và chấm 2, chữ cái C có vị trí chấm 1 và chấm 4... Những ký hiệu thay cho chữ cái, con số và các dấu câu được cảm nhận bằng đầu các ngón tay. Chỉ cần ghi nhớ những ký hiệu đó học viên có thể tự ghép vần, đọc và viết thành thạo.

Hội người mù thị xã Đồng Xoài có 118 hội viên. Để tìm công việc thích hợp cho hội viên lâu nay vẫn là chuyện khó. Ông Hoàng nói: “Người khiếm thị cũng phải sống và làm việc. Họ không làm được những việc cần đến đôi mắt thì mình tìm những việc cần đôi tay”. Năm 2013, ông trực tiếp đi khảo sát tìm hiểu nhu cầu việc làm của người khiếm thị, tham mưu cho Ban chấp hành hội thành lập cơ sở sản xuất tăm tre, chổi đót, nhang, tạo việc làm cho 10 người. Những sản phẩm làm ra, ông liên hệ với các trường học, tiệm tạp hóa, trại hòm ủng hộ. Tuy nhiên số điểm bỏ mối còn hạn chế, nhiều hội viên phải đi bán dạo. Ngoài ra, ông Hoàng còn tham mưu Ban chấp hành hội mở phòng massage người mù, tạo việc làm cho 3 hội viên, với mức thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Để hội viên có vốn chăm sóc đàn bò sinh sản và vườn cây, ông Hoàng chủ động lập dự án vay vốn cho 29 hội viên với tổng số tiền 298 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, hội viên Hội người mù thị xã Đồng Xoài cho biết: Trước đây, 4 ha điều xen hồ tiêu của gia đình do không có điều kiện bón phân, chăm sóc nên mỗi năm chỉ cho thu nhập vài chục triệu đồng. Năm 2012, gia đình được hỗ trợ vay 8 triệu đồng để chăm sóc vườn cây nên kinh tế gia đình đã ổn định, mỗi năm thu trên 100 triệu đồng.

Khác với hộ chị Hạnh, hộ chị Trịnh Thị Hồng Loan ở khu phố 5, phường Tân Đồng (TX. Đồng Xoài) lại dùng 8 triệu đồng vay ngân hàng để chăm sóc bò, dê sinh sản và vườn cao su non. Anh Bùi Quốc Đoàn (chồng chị Loan) cho biết: “Nhờ nguồn vốn này gia đình đã có thu nhập từ chăn nuôi nên không còn khó khăn như trước”.       

Thùy Hương

  • Từ khóa
110823

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu