Thứ 3, 21/05/2024 03:01:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 11:54, 30/03/2014 GMT+7

Người giữ màu xanh nơi thượng nguồn

Chủ nhật, 30/03/2014 | 11:54:00 124 lượt xem

Gần 20 năm gắn bó với rừng, bao tâm huyết, tiền của cùng mồ hôi, công sức của ông đã làm hàng trăm héc ta đất đồi hoang, khô cằn nơi thượng nguồn sông Sài Gòn trở thành những khu rừng bạc tỷ. Ông là đảng viên, cựu chiến binh Nguyễn Quang Dương (mọi người thường gọi là Năm Dương), ở ấp Vườn Rau, xã Thanh Lương (TX. Bình Long). Ông Năm Dương đang sở hữu hơn 200 ha rừng trồng và rừng tự nhiên tại ấp 1, xã Minh Tâm (Hớn Quản) với mức lợi nhuận lên đến hàng chục tỷ đồng.

MANG CẢ SẢN NGHIỆP ĐỂ TRỒNG RỪNG

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc trồng và phát triển rừng nhằm phủ xanh đất trống, đồi trọc, năm 1996, ông Năm Dương ký hợp đồng với Lâm trường Minh Đức (tỉnh Sông Bé cũ) nhận giao khoán hơn 200 ha đất để trồng mới, chăm sóc một số khu rừng tự nhiên còn lại.

Khó khăn đầu tiên ông gặp phải đó là khu vực rừng núi hoang vu, cây bụi, cỏ tranh, lau sậy, gần ½ diện tích quanh năm ngập nước và hầu như chưa có tác động từ bàn tay con người. Một số bạn bè, người thân khi biết chuyện trồng rừng của ông đều ngăn cản.

Là đảng viên, người lính đã từng vào sinh ra tử trong chiến tranh, ông Năm Dương tự nhủ không được chùn bước trước mọi khó khăn thử thách. Nhưng để chuyển đổi được diện tích đất hoang ngập đó thành rừng, phải mất nhiều công sức, tiền của và thời gian của nhiều người. Bao nhiêu tài sản dành dụm được cùng với cơ ngơi của bố mẹ để lại ông đều đầu tư trồng rừng. Ông cho biết: Để trồng 1 ha rừng xà cừ thời điểm năm 1996, chi phí ban đầu khoảng 15 triệu đồng. Với 100 ha rừng, ông đã đầu tư 1,5 tỷ đồng (tương đương 300 cây vàng).


Ông Năm Dương trong rừng cây ngáo vàng 4 năm tuổi

Sản nghiệp đổ vào rừng, nhà cửa đều thế chấp ngân hàng vay vốn, nhiều người hoài nghi tính khả thi và lợi ích kinh tế của dự án ông đang theo đuổi. Bằng khối óc và đôi tay, ông đã tìm tòi, nghiên cứu những loại cây phù hợp đưa vào trồng. Ông đã trồng thêm 40 ha cây ngáo vàng có độ tuổi từ 4 đến 10 năm trên diện tích ngập nước quanh năm, 30 ha tràm hoa vàng 8 năm tuổi trên diện tích bán ngập, hơn 30 ha còn lại là rừng tự nhiên đã được ông giữ gìn và chăm sóc gần 20 năm nay. Để có tiền chi phí và chăm sóc bảo vệ rừng, lúc cây còn nhỏ ông trồng xen canh hơn 5 ha cây ăn trái, 20 ha điều, 10 ngàn nọc tiêu, hàng chục ha mì. Ông còn đầu tư chuồng trại nuôi gà vịt, trâu bò chăn thả xung quanh bìa rừng, lấy ngắn nuôi dài.

TỶ PHÚ RỪNG XANH

Gần 20 năm gắn bó với rừng, bao mồ hôi, công sức, thậm chí cả máu và nước mắt đổ xuống, đến nay những vùng đất hoang hóa, lau sậy, bán ngập trên thượng nguồn sông Sài Gòn đã trở thành những rừng cây bạt ngàn, xanh tốt.

Tính riêng 100 ha rừng xà cừ gần 20 năm tuổi, mỗi ha hiện nay có giá khoảng 500 đến 600 triệu đồng. 40 ha tràm hoa vàng từ 8-10 năm tuổi, mỗi ha bán sẽ lãi từ 200 đến 250 triệu đồng. 30 ha cây ngáo vàng từ 4 đến 10 năm tuổi hiện có đường kính 40-50cm, cao từ 8-12m. Được biết, cây ngáo vàng trồng 15 năm, đường kính sẽ đạt 80-90cm, ước tính giá trị trên 1 tỷ đồng/ha. Ngoài ra, ông Năm Dương còn bảo vệ và chăm sóc hơn 30 ha rừng tự nhiên đầu nguồn, trong đó có nhiều loại gỗ thuộc nhóm quý, hiếm.

Hơn 20 năm vất vả với rừng, hiện thành quả mà ông dày công chăm sóc đã cho thu hoạch với giá trị hàng chục tỷ đồng. Nhìn người đàn ông ngày đêm cần mẫn lao động, vóc dáng khỏe mạnh, nhanh nhẹn, trí tuệ minh mẫn, ít ai nghĩ ông sắp bước sang tuổi 70.

 Chia sẻ với chúng tôi bí quyết trồng rừng hiệu quả, ông Năm Dương cho biết: Trước hết phải có đam mê với công việc mình làm. Phải dám nghĩ dám làm, kiên trì, tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Để trồng được diện tích rừng lớn như hiện nay thì nguồn lực đầu tư ban đầu không hề nhỏ, cùng với đó phải có kế hoạch rõ ràng cho từng thời điểm, từng giai đoạn cụ thể. Khởi đầu còn gặp nhiều khó khăn nên chỉ trồng vài chục ha, rồi phát triển dần lên theo thời gian...

Chia tay ông Năm Dương trong một buổi trưa giữa mùa nắng gắt, đi dưới rừng cây bạt ngàn, xanh tốt, mát rượi tôi chợt nhớ lời bài hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn “Một đời người, một rừng cây”. Đời người rồi sẽ kết thúc, nhưng cái tồn tại với thời gian và cuộc sống là “màu xanh”. Màu xanh bạt ngàn nơi thượng nguồn sông Sài Gòn là tâm huyết của ông để lại cho các thế hệ mai sau.

Nguyễn Quang Đức

  • Từ khóa
110815

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu