Thứ 3, 21/05/2024 00:35:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 10:45, 28/11/2013 GMT+7

Đóa hoa thơm vùng biên

Thứ 5, 28/11/2013 | 10:45:00 94 lượt xem

Trong căn nhà nhỏ tại ấp vùng sâu của xã Thanh Hòa, huyện biên giới Bù Đốp, có một phụ nữ ngày đêm lặng lẽ với những lo toan không phải cho mình. Đó là chị Lê Thị Thơ, công nhân Đội sản xuất 1, Trung đoàn 717 (Binh đoàn 16).


Đại tá Lê Chung, Phó tư lệnh Binh đoàn 16 trao giải nhất bàn tay vàng thợ cạo năm 2011 cho chị Lê Thị Thơ

Chị Thơ tâm sự: Năm 2001, gia đình tôi từ miền Bắc vào huyện Bù Đốp lập nghiệp. Thời gian đầu vợ chồng phải làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày. Năm 2004, vợ chồng tôi được Trung đoàn 717 nhận vào làm công nhân trong vùng dự án kinh tế - quốc phòng của đơn vị... Tôi thấy mình may mắn hơn nhiều người vì có công việc ổn định, đời sống khá. Vì vậy, tôi luôn suy nghĩ phải có trách nhiệm chung tay góp một phần cùng trung đoàn ổn định tư tưởng cho số hộ công nhân mới vào làm, giúp họ biết khai thác mủ đúng quy trình kỹ thuật để đạt năng suất, thu nhập cao.

Đều đặn mỗi ngày, cạo xong phần cây của mình, giữa giờ chờ trút mủ, chị tranh thủ gần gũi trò chuyện, trao đổi thêm với các anh chị em đồng nghiệp đi trước về kỹ thuật cạo để nâng cao tay nghề, cũng như những kinh nghiệm trong công tác quản lý vườn cây, quản lý sản phẩm. Với những công nhân mới vào làm, chị gần gũi để biết hoàn cảnh, giúp đồng nghiệp ổn định tư tưởng, đồng thời hướng dẫn họ nắm vững quy trình kỹ thuật, nhằm bảo vệ tốt vườn cây nhận khoán.

Chị Nguyễn Thị Lý, công nhân Đội 1, Trung đoàn 717 cho biết: “Chị Thơ hướng dẫn cho em rất nhiệt tình từ tư thế đứng, xoay người, cách đặt dao vào miệng cạo và khuyên em cạo dăm mỏng, đúng kỹ thuật. Em chú ý lắng nghe và thực hành trên vườn cây nên giờ thuần thục từng động tác, không phạm lỗi kỹ thuật như hồi mới vào làm”.

Chị Thơ là một trong những công nhân được Trung đoàn 717 cử đi học khóa cạo mủ cao su đầu tiên vào năm 2004. Từ đó đến nay chị vừa làm vừa học, vừa hướng dẫn lại cho công nhân khác. Năng suất vườn cây chị nhận khoán luôn dẫn đầu đơn vị. Đều đặn hàng tháng trung đoàn và đội tổ chức chấm điểm kỹ thuật, lúc nào chị cũng đạt tay nghề giỏi. 2 lần đơn vị tổ chức hội thi tay nghề thợ cạo mủ giỏi cấp cơ sở, chị đều tham gia, trong đó 1 lần đạt giải khuyến khích, 1 lần đạt danh hiệu “bàn tay vàng”. Cuối tháng 12-2012, chị được cử tham gia hội thi thợ cạo mủ giỏi ngành cao su Việt Nam do Tập đoàn công nghiệp cao su tổ chức và được chứng nhận thợ giỏi.

Được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ban chấp hành chi hội phụ nữ nhiều năm liền, chị Thơ càng thấy mình phải có trách nhiệm hơn với gia đình hội viên. Đặc biệt, từ khi Đội sản xuất 1 xây dựng mô hình hộ công nhân người Kinh kết nghĩa với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chị luôn tích cực thăm hỏi, động viên gia đình hội viên người Xêtiêng; tuyên truyền mục tiêu của dự án kinh tế - quốc phòng; vận động phụ nữ sinh đẻ có kế hoạch; xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ. Với kiến thức và tay nghề cạo mủ, chị đã giúp nhiều gia đình biết cách trồng cao su trên vùng đất thấp.

Với người dân xã Thanh Hòa và Hưng Phước (Bù Đốp), hình ảnh chị Lê Thị Thơ đến thăm hỏi, sẻ chia những nhọc nhằn khó khăn với bà con nghèo đã trở nên quen thuộc. Bà Nguyễn Thị Dương, một phụ nữ đơn thân làm thuê làm mướn nuôi 2 cháu nội mồ côi cả cha lẫn mẹ, chị Thơ không chỉ là người bảo trợ cưu mang, mà trở thành người em gái bù đắp yêu thương, là điểm tựa nâng đỡ tinh thần, tiếp thêm cho bà Dương nghị lực sống, quên đi nhọc nhằn, bệnh tật.

Ngoài 2 ha đất của gia đình trồng cây lương thực, hồ tiêu, cao su, chị còn mạnh dạn nhận 4 ha đất bàu trũng ngập nước của trung đoàn để cải tạo trồng thành công cây công nghiệp. Đến nay, trong tổng diện tích hơn 6 ha đất, chị trồng 1.000 nọc hồ tiêu và 2.500 cây cao su chuẩn bị khai thác. 

Nhờ sự quan tâm dạy bảo của cha mẹ, 2 con của chị Thơ luôn chăm ngoan, nhiều năm liền đạt học sinh giỏi. Niềm vui của gia đình chị càng nhân lên khi con gái đầu thi đậu trường Cao đẳng Sư phạm Bình Phước. Nhưng hạnh phúc lớn nhất của chị Thơ sau gần 10 năm làm công nhân cho Trung đoàn 717 là đã góp phần cùng đơn vị thực hiện thành công dự án kinh tế - quốc phòng. Đây như một sự trả ơn của chị đối với Đảng, Nhà nước, quân đội đã cưu mang để gia đình chị có được cuộc sống sung túc hôm nay.

Anh Đức

  • Từ khóa
110798

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu