Thứ 3, 21/05/2024 03:34:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 13:38, 31/08/2013 GMT+7

Những điểm sáng trong phong trào phụ nữ ở thị xã Phước Long

Thứ 7, 31/08/2013 | 13:38:00 129 lượt xem

TỪ “CON ĐƯỜNG KHÔNG RÁC” ĐẾN “VIÊN GẠCH HỒNG”

Xuất phát từ những nội dung mà câu lạc bộ “5 không, 3 sạch” (không đói nghèo, không có thành viên vi phạm pháp luật, không có bạo lực, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp) hướng tới, Chi hội phụ nữ khu phố 3, phường Long Thủy đã đề xuất việc xây dựng con đường không rác tại chi hội mình từ năm 2012. Con đường không rác được chính chị em ở các hộ gia đình dọn sạch mỗi ngày và mỗi tháng được thành viên câu lạc bộ tập trung thu gom rác một lần. Sau hơn 1 năm hoạt động, 3 con đường không rác của Chi hội phụ nữ khu phố 3 đã sạch hơn rất nhiều so với trước. Đường không có rác đã nhận được nhiều sự cổ vũ của nhân dân khu phố và lan rộng ra nhiều chi, tổ của các phường khác. Một người dân ở khu phố 3 cho biết: “Tôi thấy vợ cứ sáng ra là đi nhặt rác đoạn đường trước nhà. Từ đó hình thành được thói quen và tôi cũng làm theo. Việc làm này tuy nhỏ nhưng lại giúp mình có ý thức hơn về vệ sinh môi trường. Mình nhặt rác cho nhà mình sạch là chuyện bình thường, nếu ai cũng làm vậy thì phố phường sẽ sạch đẹp. Chị em nghĩ ra được việc làm này rất hay!”.


Phong trào “Viên gạch hồng” đã góp được 400 viên xây nhà cho hội viên Lý Tuyết Nga, khu phố 3, phường Long Thủy

Đầu năm 2013, từ nhật ký làm theo lời Bác của một hội viên, Chi hội phụ nữ khu phố 3 đề xuất xây dựng phong trào “Viên gạch hồng” giúp phụ nữ nghèo xóa nhà tạm. Chị Lê Thị Danh, Chủ nhiệm câu lạc bộ “5 không, 3 sạch” chia sẻ: Từ ý tưởng đi nhặt những viên gạch rơi vãi, bỏ đi rồi tập hợp lại đóng góp xây nhà cho 3 hội viên cần xóa nhà tạm của khu phố, chúng tôi đã vận động hội viên, người dân đóng góp bằng tiền. Ban chủ nhiệm câu lạc bộ rất năng động, sáng tạo và nhiệt tình. Nếu tôi là người kiên trì đi vận động, thì hội viên Nguyễn Thị Hồng lại là người chỉ cho chúng tôi cách thức làm, từ những việc cụ thể nhất. Ngoài ra, các thành viên còn nêu gương ủng hộ trước nên phong trào mạnh dần lên. Từ đầu tháng 5 đến nay, chúng tôi đã nhận được 12 ngàn viên gạch từ hội viên và người dân, góp sức cùng chính quyền phường xây nhà mới cho các chị khó khăn về nhà ở.

Trước khi đưa ra mô hình “Phụ nữ nói không với túi ni-lon”, Hội phụ nữ thị xã đã tổ chức hội thảo ở chi hội phụ nữ 5 khu phố thuộc phường Long Thủy. Hội thảo nhận được sự hưởng ứng của hội viên, chi bộ và ban điều hành các khu phố. Bước đầu mô hình đã ra đời tại 5 chi hội phụ nữ này và Ban chấp hành Hội phụ nữ thị xã Phước Long, một số hội viên được tặng giỏ đi chợ, hộp đựng thức ăn.

Bà Phạm Thị Liễu, Chủ tịch Hội phụ nữ thị xã Phước Long, người đưa ra ý tưởng mô hình này cho rằng: Tuy mới ra đời nhưng hội rất kỳ vọng vào sự lan tỏa và lớn mạnh của mô hình. Thay thế thói quen mua, bán sử dụng túi ni-lon của người dân là không dễ và rất cần sự thay đổi nhận thức của người sử dụng về môi trường.

... VÀ QUYẾT TÂM DUY TRÌ NHỮNG MÔ HÌNH

Tham gia hầu hết các phong trào do hội cấp trên phát động, các chi, phường của Hội phụ nữ thị xã Phước Long hiện đã có nhiều phong trào hiệu quả ghi dấu ấn trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung. Cũng là các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng vốn xoay vòng... nhưng cách làm hay, sáng tạo của một số chi hội đã thúc đẩy phong trào nhiều nơi ngày càng đi lên, làm tiền đề cho nhiều hoạt động khác. Bà Nguyễn Thị Hồng, thành viên Câu lạc bộ “5 không, 3 sạch” cho biết: “Chúng tôi hiện đã xây dựng được nhiều nguồn quỹ như quỹ chi hội, quỹ heo đất, vốn xoay vòng, vốn xóa đói giảm nghèo... Vốn xóa đói giảm nghèo của chúng tôi được xây dựng dựa trên tinh thần tự nguyện, do các thành viên có vốn góp vào (không tính lãi) cho các chị em khó khăn mượn để phát triển kinh tế. Qua phát động, chúng tôi đã thu được 42 triệu đồng, cho 28 chị mượn và nhiều chị được vay với số tiền lên đến 10 triệu đồng. Hiện vẫn còn 8 chị tự nguyện cho mượn”.

Chị Trần Thị Minh Cúc, Chi hội trưởng phụ nữ khu phố 3 cho biết thêm: Khi cho mượn quỹ, chúng tôi đều thực hiện bốc thăm, đồng thời kêu gọi chị kinh tế khá nhường cho các chị còn khó khăn. Khi bốc thăm trúng, lại vận động chị khó khăn chưa có nhu cầu nhường lại cho chị đang cần theo kiểu “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát” nên chị em rất đoàn kết, vui vẻ, hưởng ứng phong trào hội.

Từ “người thật, việc thật, phong trào thật”, cách làm phù hợp, có tính cộng đồng cao nên nhiều phong trào của phụ nữ thị xã Phước Long đã đi vào cuộc sống. Mới đây, hội đã tham mưu UBND thị xã kế hoạch thành lập mô hình “Địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng. Bà Phạm Thị Liễu giải thích: Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng là nơi hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời các nạn nhân bị bạo lực gia đình về nơi ở và nhu cầu thiết yếu khác. Vì vậy, khi đưa ra kế hoạch chúng tôi nghĩ chỉ mình phụ nữ không thể thực hiện có hiệu quả mô hình này. Theo kế hoạch sẽ có sự vào cuộc của Phòng văn hóa thông tin, UBND các xã, phường, ban, ngành, đoàn thể, tổ trưởng, tổ phó các khu dân cư... nên hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều, từ đó cũng tạo ra được sự ảnh hưởng, răn đe đối với những đối tượng có hành vi bạo lực gia đình.

Bà Liễu cũng nhấn mạnh các mô hình này đều có tính lâu dài, phải thực hiện thường xuyên và đặc biệt không mang “tính phong trào”. “Chúng tôi sẽ duy trì và tìm cách để phong trào phát triển rộng khắp, chú trọng thay đổi nhận thức của hội viên, người dân để cùng nhau phát triển vì lợi ích cộng đồng”.                                        

Phương Dung

  • Từ khóa
110782

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu