Chủ nhật, 28/04/2024 05:16:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:43, 11/03/2024 GMT+7

Phản bác các quan điểm sai trái trên không gian mạng

Đại tá Nguyễn Phương Đằng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước
Thứ 2, 11/03/2024 | 08:43:12 1,570 lượt xem
BPO - Mặt tích cực của mạng xã hội (MXH) là giúp thông tin được chia sẻ nhanh chóng, rộng rãi tới cộng đồng và những lợi ích mà MXH mang lại là điều không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, sự phát triển chóng mặt của MXH cũng mang lại nhiều hệ lụy. Vì vậy, để đảm bảo mọi thông tin trên không gian mạng diễn ra an toàn, tích cực, các cấp, ngành chức năng của tỉnh Bình Phước nói chung và Công an tỉnh nói riêng luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều biện pháp thiết thực, góp phần lan tỏa cái đẹp, phản bác các quan điểm sai trái trên không gian mạng.

CUNG CẤP THÔNG TIN CHÍNH THỐNG

Thực tế cho thấy, không ít thông tin thiếu kiểm chứng, xuyên tạc, phản ánh sai sự thật trên MXH đã và đang gây ra nhiều hậu quả, tạo nên sự hoang mang, bất an cho dư luận. Sự gia tăng của những tin giả, tin thất thiệt, sai sự thật trên MXH không chỉ xâm phạm đến danh dự, uy tín, lợi ích của cá nhân, tổ chức mà còn gây nên những tác động tiêu cực trong dư luận, ảnh hưởng tới sự phát triển, hình thành nhân cách, đạo đức xã hội, gia tăng tội phạm, mất an ninh trật tự. Nghiêm trọng hơn, có thể làm giảm lòng tin của nhân dân đối với một bộ phận cán bộ, đảng viên, với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Nếu không kịp thời cung cấp thông tin chính thống, chủ động định hướng dư luận thì sự nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng và đời sống xã hội sẽ mang đến nhiều hệ lụy khó lường.

Điển hình như vụ chết người xảy ra tại Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng ngày 25-5-2023, người chết là anh N.T.D (27 tuổi, ngụ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Sau khi xảy ra vụ việc, một số người quen biết với anh D đã đăng hình ảnh, clip “ám chỉ Công an huyện Bù Đăng có hành vi đánh người” trên Facebook, TikTok… do trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Bù Đăng đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và áp giải, đưa anh D về trụ sở làm việc. Một cộng tác viên (thuộc Hội Nhà báo tỉnh Bình Phước) nghe thông tin từ người bạn đã viết bài gửi về một tờ báo chính thống duyệt và đăng tin. Nội dung gây hiểu nhầm cho người đọc về bản chất vụ việc trong khi chưa được xác minh, điều tra làm rõ và chưa có kết luận của cơ quan điều tra. 

Hay vụ việc một video clip thể hiện một cán bộ công an có hành vi đánh người dân lan truyền trên MXH trong tháng 8-2023. Khi xem clip, phần lớn đều cho rằng công an đánh dân và có những bình luận thể hiện bức xúc về hành vi của cán bộ công an mặc dù clip chỉ dài 48 giây và không thể hiện được bản chất của vụ việc. Điều này dẫn đến việc hoài nghi cho người xem, mỗi người có một suy đoán gây nhiễu loạn thông tin.

Trước những vụ việc nêu trên, Công an tỉnh Bình Phước đã chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, mà trước tiên là cơ quan báo chí địa phương để có nguồn thông tin chính thống trả lời trước dư luận. Về vụ việc chết người ở huyện Bù Đăng, ngay sau khi được cung cấp thông tin chính thống, cơ quan báo chí địa phương đã đưa thông tin tuyên truyền, từ đó người dân được tiếp cận thông tin chân thực, chính xác về quá trình xảy ra cũng như xử lý vụ việc, yêu cầu trưng cầu giám định pháp y có giám sát của gia đình.

 Đối với video clip “Công an đánh dân”, xác định có vụ việc cán bộ công an đánh người, tuy nhiên clip chỉ thể hiện một phần phiến diện của vụ việc. Trước đó, Công an huyện Phú Riềng đang điều tra vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra ngày 5-8-2023, tại thành phố Đồng Xoài liên quan đến một chiếc xe ba gác. Khi được người dân báo tin thì cán bộ công an tiến hành đưa xe về trụ sở để xác minh, làm rõ, nhưng anh H (là người trong clip) đã ngăn cản dẫn đến hành động chưa đúng chuẩn mực của cán bộ công an khi làm việc với người dân, không đúng điều lệnh và văn hóa ứng xử của ngành công an. Việc cung cấp thông tin chính thống của Công an tỉnh Bình Phước đã cho dư luận một câu trả lời thích đáng, minh bạch. Khi có thông tin đúng, kịp thời, công khai rộng rãi thì sự hoài nghi sẽ bị khắc chế, không để phức tạp kéo dài, để các phần tử xấu, thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc vụ việc nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta.

CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG PHẢI “ĐI TRƯỚC, ĐÓN ĐẦU”

Bài học rút ra từ công tác xử lý thông tin sai trái nêu trên của Công an tỉnh Bình Phước cho thấy, việc cung cấp thông tin kịp thời, thường xuyên, chính xác và đầy đủ là sự phản bác có hiệu quả nhất đối với những luận điệu xuyên tạc, chống phá. Để dẹp nhiễu loạn thông tin, xử lý những thông tin sai trái thì việc sử dụng thông tin chính thống để phản ứng nhanh nhạy, đầy đủ chính là giải pháp hàng đầu. Khi xuất hiện thông tin thất thiệt, sai sự thật, các bên liên quan không nên im lặng vì chỉ có thông tin mới giải tỏa được thông tin. Vấn đề cốt lõi ở đây thuộc về phía cơ quan chức năng có trách nhiệm phát ngôn và định hướng dư luận. Đây cũng là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện yêu cầu: Cần thoát khỏi thế “chống đỡ” để chuyển mạnh sang thế “tấn công” các thế lực thù địch, phản động. 

Có thể nói trong các giải pháp cơ bản để nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái thì việc chủ động bám sát vấn đề, sự kiện, cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng trong mặt trận đấu tranh trên MXH là giải pháp trung tâm, cốt lõi. Để thực hiện tốt giải pháp này chúng ta cần quán triệt phương châm “Công tác tư tưởng phải đi trước, đón đầu”, không tạo “khoảng trống” thông tin để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc chống phá. Các cơ quan chức năng phải luôn chủ động cung cấp thông tin, định hướng dư luận khi vụ việc xảy ra liên quan đến cán bộ, cơ quan mình; chủ động nắm tình hình, chú trọng nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo để xây dựng kế hoạch, nội dung, phương thức đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch ngay từ lúc mới manh nha, khởi phát trên không gian mạng.

Thông tin sai trái, xấu, độc, thù địch không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra, bởi bên cạnh những thông tin có chứa nội dung tiêu cực rõ ràng, có ngôn từ kích động, lời lẽ hằn học… vốn có thể nhận ra ngay dụng ý xấu của người đăng, phát thì nhiều trường hợp khác, thông tin được ẩn dưới nhiều lớp vỏ, có thể làm người tiếp nhận mơ hồ, nghi ngờ hoặc có khi còn không nhận thấy ý đồ xuyên tạc, thổi phồng, bóp méo… của người viết. Vì vậy, cần thông tin kịp thời các phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá của thế lực thù địch, chỉ rõ mục tiêu, luận điểm sai trái và cung cấp luận cứ đấu tranh phản bác, làm cơ sở cho các lực lượng viết tin, bài đấu tranh.

Hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên đều được tiếp cận với khoa học - kỹ thuật, công nghệ hiện đại, đều có thể truy cập vào các trang mạng; tự mình thiết lập, sử dụng các tài khoản, trang cá nhân trên nền tảng thư điện tử hay các nền tảng MXH như Facebook, Zalo, YouTube... để viết tin, bài đấu tranh phản bác chống lại các quan điểm sai trái, thù địch. Theo đó, các cơ quan chức năng cần quan tâm nghiên cứu, biên soạn tài liệu chuyên khảo, tham khảo để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng đấu tranh cho các lực lượng.

Trong giai đoạn hiện nay, việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên. Vì vậy, nội dung này cần được triển khai đồng bộ, có hệ thống các chủ trương, giải pháp. Thực hiện tốt những vấn đề cơ bản nêu trên sẽ góp phần ngăn chặn và giảm thiểu tác hại từ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động trên MXH và các phương tiện truyền thông, là cơ sở quan trọng để chúng ta thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị đã đề ra và cuối cùng là mục tiêu vì một Việt Nam dân chủ, công bằng, văn minh.

  • Từ khóa
191342

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu