Chủ nhật, 28/04/2024 05:53:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:30, 06/03/2024 GMT+7

Giá trị trường tồn

Thanh Quang
Thứ 4, 06/03/2024 | 09:30:53 1,559 lượt xem
BPO - Một trong những luận điệu mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vẫn không ngừng xuyên tạc, chống phá ta là: “Chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, lạc hậu, có từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin thì Việt Nam mới có thể phát triển”. Luận điệu này hòng làm lung lay niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) nhằm thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tiến tới xóa bỏ nền tảng tư tưởng, loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ XHCN mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang xây dựng.

Sự phi lý của luận điệu nêu trên quá rõ ràng nếu chúng ta nghiên cứu kỹ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Trước hết phải khẳng định, Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam là hoàn toàn đúng đắn. Điều đó đã được khẳng định ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và được chứng minh qua thực tiễn 94 năm qua của cách mạng nước ta. Nhờ có chủ nghĩa Mác - Lênin soi sáng dẫn đường, cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thực tiễn đã chứng minh, vững bước dưới lá cờ vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam, đi theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đã giành được những thắng lợi rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Mới 15 tuổi, chỉ với 5.000 đảng viên, Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành tổng khởi nghĩa đánh đổ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng ta đã sáng suốt đề ra đường lối lãnh đạo nhân dân đoàn kết vừa diệt thù trong, vừa chống giặc ngoài, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính” mà đỉnh cao chính là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7-1954), đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp nhảy vào xâm lược miền Nam Việt Nam. Đất nước ta tạm chia thành 2 miền Nam - Bắc. Cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới với hai nhiệm vụ chiến lược, đó là tiến hành đồng thời cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam. Phân tích kỹ bối cảnh đất nước và tình hình quốc tế, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, đề ra những chủ trương, giải pháp phù hợp để cải tạo, xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến khốc liệt miền Nam; xác định đúng đắn con đường giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà là dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng ở miền Nam. Bằng đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kết thúc bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đưa Việt Nam vào một thời kỳ mới, thời kỳ cả nước thống nhất đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH). Vì lẽ đó, Bác Hồ đã khẳng định thắng lợi của cách mạng Việt Nam trước hết là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chính điều ấy đã và đang là nỗi ám ảnh của các thế lực thù địch, phản động, chúng tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin, nhất là lý luận về CNXH đã lạc hậu, lỗi thời; đã cáo chung cùng với sự sụp đổ của mô hình CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu từ cuối thế kỷ XX.

Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Cương lĩnh năm 1991), lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tựu có ý nghĩa lịch sử đó đã tiếp tục khẳng định bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin. Bất cứ luận điệu nào quy chụp sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu cùng những khó khăn mà các quốc gia đi theo con đường CNXH ngày nay gặp phải thuộc về lỗi của chủ nghĩa Mác - Lênin là hoàn toàn sai lầm. Kêu gọi Đảng ta từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh đều là luận điệu xuyên tạc tinh vi, thâm độc; là sự suy luận chủ quan thuần túy, không có cơ sở lý luận và thực tiễn. 

Liên Xô và Đông Âu sụp đổ hoàn toàn do lỗi chủ quan của mỗi đảng cộng sản trong nhận thức và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn cụ thể của nước mình. Chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là thứ khoa học trừu tượng, tư biện mà là khoa học về cách mạng, khoa học của thực tiễn và vì thực tiễn. Chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là khuôn mẫu để các nước áp đặt một cách máy móc, mà đó là những nguyên lý, đường hướng cơ bản để thực hiện mục tiêu xây dựng CNXH, tiến tới chủ nghĩa cộng sản, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho con người và một xã hội tốt đẹp cho nhân loại. Mặt khác, cần khẳng định rõ rằng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước theo con đường XHCN, việc xảy ra những hạn chế, yếu kém, khó khăn, bất cập là khó tránh khỏi, nhưng nếu có thì đó không phải là lỗi của chủ nghĩa Mác - Lênin, mà đó là lỗi chủ quan của con người, do chưa nhận thức đầy đủ những vấn đề lý luận, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin một cách máy móc, giáo điều, cứng nhắc, thiếu tính sáng tạo trong đề ra các chủ trương, quyết sách để giải quyết các nhiệm vụ của cách mạng. Sự nghiệp xây dựng CNXH vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi tính khoa học cao, sự kiên trì, bền bỉ, nguồn lực to lớn và nhiều điều kiện khác. Trong khi đó, Việt Nam đi lên xây dựng CNXH từ một đất nước nông nghiệp lạc hậu, thiếu thốn nhiều điều kiện, nguồn lực, lại phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh, sự tàn phá của thiên tai, thảm họa, dịch bệnh… Thêm vào đó, thực hiện “diễn biến hòa bình” tìm mọi cách chống phá Việt Nam đó là điều mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chưa bao giờ từ bỏ. 

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Đảng và nhân dân ta giành được trong hơn 9 thập kỷ qua đã minh chứng cho sự thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều đó khẳng định tính đúng đắn của chân lý: Ngày nay, học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin là chắc chắn nhất, sâu sắc nhất và chân chính nhất, là “cẩm nang thần kỳ” cần thiết để dân tộc ta đi đến thắng lợi cuối cùng: Xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.

  • Từ khóa
190920

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu