Chủ nhật, 28/04/2024 00:37:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 06:25, 08/02/2024 GMT+7

Tết cổ truyền qua góc nhìn hiện đại

Cẩm Liên
Thứ 5, 08/02/2024 | 06:25:06 3,038 lượt xem
BPO - Chỉ còn một ngày nữa sẽ đến thời khắc giao thừa chuyển giao năm cũ sang năm mới. Từ trẻ nhỏ, thanh niên đến người lớn tuổi đều háo hức đón chờ tết cổ truyền của dân tộc. Vậy nhưng, một số phần tử cơ hội, thế lực thù địch, phản động vẫn tung ra luận điệu cho rằng “trong giai đoạn hiện đại bây giờ Việt Nam không cần phải duy trì tết Nguyên đán cổ truyền, bởi tết Việt quá rườm rà, kéo dài gây nên lãng phí, tốn kém tiền của người dân; nhiều phong tục đã trở nên lạc hậu”. Vậy, trong giai đoạn hiện đại hóa, hội nhập toàn cầu có sự giao thoa nhiều nền văn hóa khác nhau, người dân Việt Nam nhìn nhận tết xưa - tết nay ra sao?

Ý nghĩa tết cổ truyền

Sư cô Thích nữ Trung Hiếu, Trụ trì chùa Tây Trúc, huyện Lộc Ninh chia sẻ: Theo lịch âm dựa trên sự vận động của mặt trăng, mỗi tháng bắt đầu vào một ngày trăng mới. Và năm mới bắt đầu vào ngày trăng xuất hiện sau khi mặt trời ló rạng khỏi chí tuyến Nam, dấu hiệu cuối cùng trong 3 dấu hiệu mùa đông. Tết vì thế mà theo sự diễn biến của cả mặt trăng và mặt trời. Tết mở ra mùa xuân và luôn rơi vào khoảng từ 10 ngày cuối cùng của tháng 1 đến ngày thứ ba của tháng 2. Ngày này là ngày bắt đầu của năm, của tháng và của mùa, vì vậy Nguyên đán là buổi sớm đầu năm, buổi sáng thiêng liêng nhất. Và tết Nguyên đán là tiết lễ đầu tiên của năm mới, bắt đầu từ lúc giao thừa với lễ trừ tịch thường được tiến hành giữa giờ Hợi của ngày 30; nếu tháng thiếu thì vào ngày 29 tháng Chạp và giờ Tý của mồng 1 tháng Giêng. Tết là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất của người Việt trong năm và ai cũng dành những điều tốt đẹp nhất cho tết.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh, Trưởng Ban chỉ đạo các ngày lễ lớn của tỉnh kiểm tra các hạng mục không gian trưng bày mỹ thuật tại Quảng trường 23-3 phục vụ tết Nguyên đán 2024 - Ảnh: Trương Hiện

Tết Nguyên đán của dân tộc Việt Nam mang hai ý nghĩa chính sâu sắc. Thứ nhất là ý nghĩa tâm linh, tức khi tết đến con người thường quay về với chính mình, quay về với ông bà tổ tiên, soi lại tâm mình một năm bình an chưa, nhẹ nhàng hơn chưa. Thứ hai là tình cảm tinh thần, khi xuân về, tết đến chúng ta về thăm ông bà, cha mẹ; cùng đoàn viên sum họp, gia đình đầm ấm bên mâm cơm, hỏi han chia sẻ những khó khăn, thuận lợi trong năm vừa qua.

Văn hóa nghệ thuật thư pháp vẫn được duy trì trong mỗi dịp tết đến, xuân về

Tại chùa Tây Trúc, cứ mỗi dịp tết Nguyên đán vẫn xây dựng phố ông đồ để tặng chữ thư pháp cho người yêu chữ, qua đó truyền đạt, gìn giữ đạo hiếu học của con người Việt Nam. Bên cạnh đó, việc ăn tết hay chơi tết cũng phải phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc, không tiêu xài xa hoa, lãng phí, không phải cứ chuộng hàng ngoại mới là tết ấm. Người Việt chơi tết, đón tết tiết kiệm như lời Bác Hồ từng khuyên dạy “tiết kiệm là quốc sách”.

Gia đình hiện đại giữ nếp tết xưa

Từ giữa tháng Chạp của năm đã dễ dàng cảm nhận được không khí tết đến, xuân về. Nhà nhà rộn ràng trang hoàng chào đón năm mới. Những ngày này, gia đình chị Lưu Thị Ngọc Hà ở khu phố Suối Đá, phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài tất bật trang trí không gian tết cổ truyền dân tộc rất riêng và độc đáo, mang đậm hương sắc tết xưa. Mâm ngũ quả tròn đầy, cây mai, cành đào, câu đối đỏ, bánh chưng xanh… tất cả lễ vật truyền thống đó được chị Hà chuẩn bị đầy đủ và kỹ lưỡng với mong muốn giáo dục truyền thống dân tộc cho con cháu trong gia đình và lan tỏa tại dân cư. Chị Hà bày tỏ: Trong thời đại 4.0, mỗi gia đình đều có những cách nhanh gọn để đón tết cổ truyền. Thế nhưng, với tôi nếu cứ chóng vánh, hiện đại, công nghệ số thì nhiều nghi lễ, tập tục truyền thống trong dịp tết cổ truyền dễ bị mai một, con cháu thế hệ sau sẽ không còn biết và nhớ về tết xưa. Do đó, cứ đến 20 tháng Chạp là tôi cùng các thành viên trong gia đình mua sắm, trang trí không gian tết Việt để mọi người cùng thưởng thức hương vị tết cổ truyền. Đó cũng là cách giáo dục con cháu hiệu quả nhất về giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Các cửa hàng kinh doanh mặt hàng hiện đại vẫn dành không gian trang trọng bài trí khung cảnh tết xưa 

Bé Nguyễn Anh Thư, học sinh Trường THCS Tân Xuân, TP. Đồng Xoài chia sẻ: Con rất vui và háo hức khi cùng ba mẹ sửa soạn, trang trí nhà cửa đón tết. Rộn ràng với không khí tết Nguyên đán, chúng con cùng nhìn lại việc làm được và chưa được trong năm qua, cũng hiểu được những việc làm không hay để hướng đến năm mới nhiều điều tốt đẹp.

Không gian tết cổ truyền được gia đình chị Lưu Thị Ngọc Hà, khu phố Suối Đá, phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài bài trí chu đáo, vẹn nguyên giá trị tết xưa

Thế giới xoay chuyển theo công nghệ số, công nghiệp hóa về tận các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, cốt cách, nét đẹp văn hóa tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam vẫn được gìn giữ và phát huy. Trong đó, hằng năm những gian hàng tặng chữ thư pháp được bày biện rất riêng và thu hút đông người yêu thư pháp đến xin chữ. Đó là cách hướng về chính mình, hướng về nguồn cội dân tộc mà người dân gìn giữ bao đời nay. Chị Phạm Thùy Trang, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh chia sẻ: Tết cổ truyền luôn hấp dẫn và ý nghĩa với giới trẻ chúng tôi. Ngoài hương vị tết xưa vẫn được thực hiện gần như đầy đủ, tôi còn rất hào hứng với xin chữ thầy đồ đầu năm mới. Điều này giúp tôi thư thái, đón năm mới bình an và hạnh phúc.

 Đó còn là truyền thống gói bánh chưng, bánh dày gợi nhớ nền văn hóa lúa nước lâu đời của dân tộc Việt Nam. Sự hào hứng, hồ hởi và hạnh phúc rạng ngời trên từng gương mặt trong không gian văn hóa tết Việt do các cấp chính quyền tổ chức đủ chứng minh tết cổ truyền dân tộc vô cùng quan trọng đối với mỗi người dân Việt Nam. Bà Ngô Thị Vân ở ấp 4, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh bày tỏ: Trong thời đại mới, tết cổ truyền có những thay đổi khác hơn theo văn minh tiến bộ. Đổi mới để giản lược những hủ tục, còn cốt cách văn hóa tết Việt vẫn được gìn giữ và phát huy.

Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam không những không bị mai một như luận điệu xuyên tạc của các phần tử cơ hội mà luôn được lưu giữ truyền đời và phát huy mạnh mẽ hơn từ trong những hoạt động, không gian đón tết rất độc đáo, rất riêng. Những hình ảnh không gian tết Việt ngập tràn trên phố xá đèn hoa rực rỡ hiện đại đã chứng minh tết xưa vẫn luôn được các thế hệ kế cận gìn giữ, bảo đảm hồn cốt văn hóa dân tộc. Và tết vẫn luôn là thời khắc tuyệt vời để mỗi người tự nhìn nhận và ước nguyện năm mới mạnh khỏe, an khang, thịnh vượng.

Trong phiên họp cuối cùng của năm 2023, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết công nhận tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ hằng năm của Liên hợp quốc. Việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết ngay trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024 không chỉ có ý nghĩa quan trọng với các nước chính thức đón mừng tết Nguyên đán mà còn là tin vui cho gần 2 tỷ người dân trên toàn thế giới coi năm mới âm lịch là dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Đây cũng là minh chứng phản bác những luận điệu cho rằng “trong giai đoạn hiện đại bây giờ Việt Nam không cần phải duy trì tết Nguyên đán cổ truyền”.


  • Từ khóa
189026

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu