Thứ 3, 21/05/2024 04:38:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 08:21, 01/11/2021 GMT+7

Kẻ trở cờ lộng ngôn

Thứ 2, 01/11/2021 | 08:21:31 654 lượt xem
BPO - Ngày 2-10-2021, trên trang Facebook “Câu lạc bộ nhà báo tự do” có đăng bài viết với tựa đề: “Chống dịch Covid-19 bằng biện pháp chống Hiến pháp và chống dân”. Nội dung bài viết có đoạn: “Chống dịch như chống giặc” Dịch ở lẫn trong dân. Chính quyền nhìn người dân nào cũng như một ổ dịch và mọi việc làm chống dịch của chính quyền đều nhằm chống dân… Chính quyền các cấp nhiều nơi trên cả nước ngang nhiên xé bỏ Hiến pháp, tước quyền tự do đi lại của người dân. Bịt bùng thép gai, quây kín khu dân cư bằng thép tấm, tôn lá, dây thép gai như trại giam, như chuồng thú. Trập trùng bốt gác với bê tông chắn đường, lính vũ trang lăm lăm súng trong tay lập chiến tuyến tầng tầng, lớp lớp trên đường, tuyên chiến với cuộc sống người dân chứ không phải chống dịch…

Mới nghe qua, hoặc không nhìn tên tác giả thì chắc hẳn sẽ chẳng một ai có thể tin được rằng, những ngôn từ và giọng điệu lộng ngôn đến mức lố bịch nêu trên lại được thốt ra từ tâm địa của một kẻ từng là đại tá quân đội, nhà văn và có gần 40 năm theo Đảng. Nhưng đó là sự thật, vì chỉ có kẻ bất mãn, trở cờ, cơ hội chính trị đến mức phản động như Phạm Đình Trọng mới điêu ngoa và hằn học đến thế. Bởi ông ta không phải là trẻ nít mà không biết cơ chế lây nhiễm của vi rút SARS-CoV-2 là lan truyền từ người sang người, thường là sau khi tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh, ví dụ tại nơi làm việc, trong gia đình hoặc nơi công cộng. Đặc biệt, các biến thể của vi rút SARS-CoV-2 lây truyền qua không khí, nhất là trong môi trường kín và bật điều hòa. Khoảng cách lây truyền đã vượt qua lằn ranh 2m và có trường hợp lây với khoảng cách 10m.

Trước diễn biến phức tạp và vô cùng nguy hiểm của đại dịch Covid-19, không chỉ Việt Nam, mà tất cả các nước trên thế giới đều thực hiện nghiêm biện pháp phong tỏa khu dân cư có ca nhiễm bệnh, giãn cách xã hội ở những địa bàn có nhiều người lây nhiễm để ngăn chặn, khống chế việc lây lan. Thực tế đã chứng minh, ở bất cứ quốc gia nào nếu việc phong tỏa, giãn cách không nghiêm thì nơi đó dịch bệnh lây lan nhanh, số người bị nhiễm và tử vong sẽ tăng cao. Vậy mà, Phạm Đình Trọng cố tình nhắm mắt, bịt tai viết rằng “chính quyền các cấp nhiều nơi trên cả nước ngang nhiên xé bỏ Hiến pháp, tước quyền tự do đi lại của người dân”... Thử hỏi, nếu những khu vực bùng phát dịch không được phong tỏa kịp thời, bảo vệ chặt chẽ, nghiêm ngặt thì dịch bệnh sẽ lây lan thế nào?

Đã vậy, trong bài viết, Phạm Đình Trọng còn gán cho lực lượng bảo vệ các khu phong tỏa, cách ly là đội quân canh gác “các khu tạm giam” và lăm lăm cây súng trên tay. Trong khi đó, việc phong tỏa các khu dân cư bằng rào đường, phân công người canh gác ngày đêm là để ngăn chặn những người thiếu hiểu biết, thiếu ý thức dẫn đến có thể có những hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch, làm tăng nguy cơ lây lan. Do đó, mục đích trên hết và trước hết của chính quyền các cấp là để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của cộng đồng chứ không phải là “tước quyền” đi lại của người dân. Và lẽ ra, đã từng là đại tá trong quân đội thì ông ta phải biết các lực lượng vũ trang khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự thì đương nhiên phải có vũ khí - thông thường là súng trường hay tiểu liên AK. Vậy thử hỏi ông rằng, trên thế giới này có lực lượng vũ trang của quốc gia nào khi thi hành nhiệm vụ mà lại không mang theo vũ khí?

Chưa hết, cũng trong bài viết này, Phạm Đình Trọng còn trích dẫn Điều 22 của Hiến pháp rằng: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý”. Rồi ông ta đưa ra bình luận về vụ việc một phụ nữ bị lực lượng chức năng phá khóa cửa căn hộ chung cư để cưỡng chế đi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội, rằng: “… Bất chấp Hiến pháp, hành xử của đội quân vũ trang… là hành xử của đội quân chiếm đóng với người dân bị mất nước ở thời Bắc thuộc xa xưa…”. Tuy nhiên, sự tráo trở của ông ta không thể qua mặt được mọi người. Cụ thể là tại Điều 22 của Hiến pháp hiện hành có 3 khoản, ông ta chỉ viện dẫn nội dung của khoản 2. Trong khi đó, nội dung khoản 3 Điều 22 ghi rõ: “Việc khám xét chỗ ở do luật định”. Như vậy, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân là một trong những quyền cơ bản của công dân và việc thực thi quyền này là do pháp luật quy định. Nói cách khác là “quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân” chỉ được pháp luật bảo vệ khi quyền này không ảnh hưởng hoặc không xâm hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Xin nói thêm để bạn đọc hiểu rõ hơn về bản chất của “nhà văn trở cờ” này là mới đây, trên trang Bauxite Việt Nam, ông ta có viết một bài với tiêu đề “Ngày 30 tháng 4”. Trong bài viết này, ông ta đã đưa ra những lời bình luận về sự kiện vĩ đại này theo hướng xuyên tạc lịch sử, phủ nhận chiến công oanh liệt bậc nhất trong lịch sử dân tộc, bằng giọng điệu cực kỳ phản động: “Ngày 30 tháng Tư năm 1975 mang đến mất mát uất hận lớn như vậy cho cả triệu người Việt Nam làm sao có thể gọi là Ngày Giải phóng”. Trong khi đó, tờ báo hàng đầu của Nhật Bản là Asahi Shimbun đã đăng tải bài xã luận vào ngày 1-5-1975, trong đó có đoạn viết: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng, điều đó nói lên rằng, thời đại mà các nước lớn dùng sức mạnh bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt rồi”. Và tháng 10-1975, tạp chí châu Âu (Pháp) đã bình luận: “Sau 30 năm chiến đấu… - từ mùa xuân này, hòa bình đã trở lại trên toàn nước Việt Nam. Hòa bình trong độc lập. Chắc chắn đây là thắng lợi trọn vẹn nhất mà một dân tộc có thể giành được với một đế quốc hùng cường vào bậc nhất. Phải hàng năm, hàng chục năm nữa mới có thể lường hết được tầm quan trọng của thắng lợi này”.

Lẽ ra, ông ta cũng được thế giới và người dân trong nước tôn vinh, trân trọng như vậy, vì chính ông ta cũng là người trong cuộc. Nhưng tiếc rằng, ông ta đã không bỏ được bản tính cơ hội, hám lợi của mình. Chính bản tính đó đã giết và biến ông ta từ một nhà văn, đại tá quân đội trở thành một kẻ ích kỷ và đểu cáng. Vẫn biết rằng, từ thượng cổ đến nay người quân tử không ăn ở hai lòng, nhưng một khi sự hận thù và cơ hội đã chiếm hết não trạng thì ắt sẽ có kẻ đi đến tận cùng của sự khốn nạn. Bởi thế cư dân mạng mới có người đã nhái lời của nhà thơ Bảo Sinh để nói về trường hợp này bằng 2 câu lục bát: “Đêm nằm nghĩ mãi không ra; Tại sao thằng ấy lại là… Nhà văn”?

Nhật Minh

  • Từ khóa
132023

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu