Thứ 3, 21/05/2024 02:21:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:09, 29/10/2021 GMT+7

“Đâm bị thóc, chọc bị gạo”

Đỗ Thành
Thứ 6, 29/10/2021 | 09:09:39 9,942 lượt xem
BPO - Theo nghĩa bóng, “đâm bị thóc, chọc bị gạo” là hành vi kích động, xúi giục, làm tăng thêm mâu thuẫn giữa hai bên. Thóc, gạo là những thực phẩm cần thiết cho cuộc sống, tượng trưng cho những gì tốt đẹp và quý giá. Kẻ xấu thì luôn ganh tỵ, nếu đã phấn đấu không thể bằng người thì chỉ còn cách kéo người xuống bằng mình. Hành động “đâm bị thóc, chọc bị gạo” với mong muốn phần nào có thể làm bớt đi sự đố kỵ trong suy nghĩ. Hành động đó xảy ra ở nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Và Việt Tân là một tổ chức luôn như thế, chỉ có “đâm” và “chọc”.

Tập hợp toàn thành phần bất hảo, với tư tưởng muốn dân chủ hóa, canh tân đất nước nên dễ dàng nhận ra “mâm” nào cũng có mặt của Việt Tân. Từ lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, đường lối, chính sách của Đảng, dịch Covid-19…, mấy ngày nay, lại thấy Việt Tân lảng vảng ở “cái bánh vẽ” nhân quyền nhưng không phải vì dân, vì nước. Đó là vì sự hẹp hòi, ích kỷ, thù hằn khi Việt Nam được ASEAN đề cử tham gia ứng cử vào vị trí thành viên của Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (UN HRC), nhiệm kỳ 2023-2025. Với những bài viết theo kiểu “chọc gậy bánh xe”, bình luận xuyên tạc mang tính vu khống Việt Nam vi phạm nhân quyền như: “Lạnh xương sống với tình trạng nhân quyền ở Việt Nam”, “Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng”…

Hùa theo giọng điệu ấy, các đối tượng “tay nhanh hơn não” trong nước cũng tăng cường đăng tải, chia sẻ các thông tin, bài viết sai sự thật, các video clip, hình ảnh cắt ghép hoặc trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, vu cáo, xuyên tạc Việt Nam đang lợi dụng dịch bệnh, gia tăng bắt giữ người bất đồng chính kiến, bỏ mặc đối tượng yếu thế trong đại dịch. Từ đó, chúng kêu gọi các tổ chức quốc tế, chính khách các nước can thiệp, trả tự do cho số đối tượng chống đối đang bị bắt giữ và cho rằng: “Việt Nam không xứng đáng với vai trò đó. Việt Nam không có đủ năng lực để ứng cử vào UN HRC”. Có thể nói, chúng đã sử dụng rất nhiều chiêu trò nhằm cản trở Việt Nam tham gia vào UN HRC nhiệm kỳ 2023-2025. Nhưng sự thật có phải vậy hay không?

Thực tiễn là minh chứng sinh động nhất thông qua các con số. Gần 10 năm sau nhiệm kỳ đầu tiên tại UN HRC, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ vượt bậc trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhất là trên lĩnh vực bảo đảm quyền con người. Việt Nam là một trong số không nhiều quốc gia đã hoàn thành các “Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ” của Liên hợp quốc (LHQ), trong đó chỉ số phát triển con người (HDI) đã tăng 45,8% giai đoạn 1990-2019. Chính chỉ số này đã đưa Việt Nam trong danh sách các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất thế giới. Theo báo cáo chỉ số hạnh phúc của LHQ năm 2020, Việt Nam đứng thứ 83/156 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 11 bậc so với năm 2019. Cùng với đó, các thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội là một trong những điểm sáng của Việt Nam được quốc tế ghi nhận. Từ năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành “Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ” về xóa đói giảm nghèo. Đó là thành tích đáng tự hào khi Việt Nam về đích trước thời hạn những 10 năm.

Ông bà ta thường dạy “biết thì thưa thớt, không biết thì dựa cột mà nghe” để ám chỉ những kẻ đã không biết gì mà cứ “bô bô” cái miệng. Việt Tân hay bất kỳ tổ chức nào khác đã và đang nói vấn đề nhân quyền tại Việt Nam thì hãy để thực tiễn, sự thật chứng minh. Không nên ngồi trong phòng “cào phím”, đổi trắng thay đen, ra kết quả bất lợi đối với đồng bào, dân tộc, quê hương mình. Việc Việt Nam vinh dự được ASEAN đồng thuận đề cử làm ứng cử viên, đại diện cho 11 quốc gia trong khối tham gia ứng cử thành viên UN HRC, nhiệm kỳ 2023-2025 là sự thấu hiểu, tin tưởng vào năng lực thực tế của Việt Nam.

Nhớ lại trước đây, trong lần bỏ phiếu bầu thành viên UN HRC, nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam nhận được số phiếu đồng thuận cao nhất gồm 184/192 quốc gia. Đây là sự tin tưởng của các thành viên LHQ dành cho Việt Nam. Niềm tin đó có được dựa trên sự đóng góp tích cực, có hiệu quả của Việt Nam trong quá trình là thành viên của LHQ. Đó cũng thể hiện kết quả, thành tựu bảo đảm quyền con người ở chính Việt Nam. Bởi vậy, ngày 21-9-2021, trên báo The Washington Times của Mỹ có đăng bài viết “Việt Nam thể hiện vai trò lãnh đạo trong các vấn đề toàn cầu tại Hội đồng Bảo an LHQ”. Bài báo đã đánh giá cao nỗ lực đóng góp của Việt Nam cho tổ chức có vai trò quan trọng bậc nhất trên thế giới này. Tham gia vào UN HRC, Việt Nam sẽ có thêm tiếng nói, sáng kiến, giải pháp để giải quyết những vấn đề về quyền con người vẫn đang phát sinh trong thực tiễn cuộc sống ở trong nước, khu vực và toàn thế giới.

Từ những đóng góp và thành tựu đã đạt được, ngày 22-9-2021, tại phiên thảo luận chung cấp cao, khóa họp 76, Đại hội đồng LHQ với chủ đề: “Cùng vững tin và tự cường; Hướng tới phục hồi sau Covid-19, tái thiết bền vững, bảo vệ hành tinh, thúc đẩy quyền con người và cải tổ LHQ”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng, nhấn mạnh: “Tôi trân trọng cảm ơn các nước đã tin tưởng, trao cho Việt Nam trọng trách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, nhiệm kỳ 2020-2021. Trong 2 năm qua, Việt Nam luôn nêu cao tinh thần đối tác vì nền hòa bình, bền vững, đề cao đối thoại hợp tác, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào nỗ lực ngăn ngừa, giải quyết các xung đột. Việt Nam đã thúc đẩy các nội dung mới, thiết thực, đáp ứng sự quan tâm chung về đề cao Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác với các tổ chức khu vực, ngăn ngừa xung đột, giải quyết hậu quả bom mìn, bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang. Quốc kỳ của Việt Nam đang tung bay tại các phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Xu Đăng, Cộng hòa Trung Phi và sắp tới sẽ hiện diện ở nhiều phái bộ khác của LHQ tại các quốc gia. Với nguyện vọng tiếp tục đóng góp cho công việc chung, Việt Nam đang ứng cử vào UN HRC, nhiệm kỳ 2023-2025, các cơ chế quan trọng khác của LHQ và mong muốn nhận được sự ủng hộ của các nước”.

Với quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và nhân dân, được ASEAN tin tưởng, đề cử đại diện thì Việt Nam là thành viên của UN HRC, nhiệm kỳ 2023-2025 chỉ còn là vấn đề thời gian. Việt Tân hay bất cứ tổ chức phản động nào dù có xuyên tạc, vu khống, bóp méo tình hình nhân quyền ở Việt Nam sẽ đều thất bại. Những nỗ lực cùng thành tựu đất nước đạt được trên lĩnh vực nhân quyền chính là cơ sở để bạn bè quốc tế tin tưởng, bầu chọn cho Việt Nam.

  • Từ khóa
131918

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu