Thứ 3, 21/05/2024 01:15:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 05:06, 25/10/2021 GMT+7

Mắt mờ, tai điếc nhưng…

Thứ 2, 25/10/2021 | 05:06:00 1,535 lượt xem
BPO - Khi nói về những người Khuyết tật thính giác và thị giác, tục ngữ có câu: “Điếc hay ngóng, ngọng hay nói”. Nghĩa bóng của câu này là những người bị điếc tai, nhưng lại luôn muốn biết mọi chuyện hoặc muốn nghe người ta nói những gì xung quanh mình. Nghĩa đen ý nói những người hay nhiều chuyện thường hay dỏng tai để cố nghe cho rõ người xung quanh nói gì về mình hoặc người khác. Còn “ngọng hay nói” có nghĩa bóng là những người nói không sõi nhưng lại luôn tỏ ra rằng ta là người nói hay và không ngọng như người khác. Còn nghĩa đen là ám chỉ những người hay nhiều chuyện, những việc chẳng liên quan gì đến mình cũng xía vô. Thậm chí có không ít người còn vì lợi ích bản thân, sẵn sàng bịa đặt, vu khống cho người khác.

Tương tự hay nói cách khác là đồng nghĩa với câu tục ngữ và những người có tính cách như vậy, trong dân gian thời nay còn có câu: “Câm hay nói, què hay đi”, hoặc “Mắt đã mờ (hoặc đui), tai đã điếc nhưng lại hay bàn chuyện thế sự”. Với những ai thì chưa rõ, nhưng với tổ chức Việt Tân thì những câu tục ngữ hay những lời của dân gian nêu trên quả là không sai, dù chỉ một ly. Bởi vì đã gần 2 năm nay, cả nhân loại nói chung, trong đó có nhân dân Việt Nam nói riêng đang phải “gồng mình” chống lại đại dịch Covid-19, thì tổ chức lưu vong Việt Tân lại ra sức chống phá bằng mọi âm mưu thâm độc và những thủ đoạn vô cùng xấu xa, bỉ ổi. Bằng chứng là khi dịch bệnh bùng phát, tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã phải tạm thời áp dụng biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 15, có nơi theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Ngay lúc đó, tổ chức khủng bố Việt Tân đã lớn tiếng hô hào các phần tử thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước đứng lên phản đối chính sách “ngăn sông cấm chợ”, “giam lỏng người dân” của Chính phủ. 

Chưa hết, khi một số đối tượng vi phạm quy định về giãn cách xã hội để phòng, chống dịch và bị cơ quan chức năng xử phạt, thì chúng lu loa lên rằng chính quyền ép dân đến “bước đường cùng” lại còn bắt nộp phạt. Bằng chứng là ngày 7-8-2021, trên trang facebook của Việt Tân đã đăng bài viết với tựa đề “Nạn cát cứ mùa dịch”. Nội dung bài viết có đoạn: “Khi các địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, các chốt kiểm dịch mọc lên ở khắp mọi nơi, trong phạm vi xã (phường), quận (huyện), tỉnh (thành phố). Mỗi khu vực như một vùng đất riêng thuộc quyền kiểm soát của chính quyền địa phương, của chốt kiểm dịch. Việc cấm cản, cho phép hay xử phạt thuộc toàn quyền vào lực lượng đứng kiểm tra tại chốt… Người dân và các doanh nghiệp như cá nằm trên thớt lúc nào cũng có thể bị phạt tiền, bị gây khó dễ. Có thể địa phương hoặc chốt kiểm dịch này cho qua vì thấy đó là thiết yếu nhưng chốt khác lại không cho qua vì thấy không thiết yếu”…

Với điều này, chẳng những Việt Tân và những tổ chức, cá nhân cùng hội, cùng thuyền đã cố tình bịt tai mà còn che mắt để nói liều. Thực tế trên thế giới có nhiều quốc gia đã áp dụng những chế tài cứng rắn đối với người vi phạm quy định phòng,  chống dịch Covid-19, như: phạt tiền, bêu tên công khai các cá nhân vi phạm…, đến phạt tù đối với những người vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ tính trong giai đoạn từ tháng 4-2020 đến hết tháng 3-2021, Singapore đã xử phạt trên 9.600 cá nhân và doanh nghiệp vi phạm các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Trong số đó, 7.500 người bị phạt vì vi phạm các quy định về giãn cách xã hội và những biện pháp an toàn nơi công cộng; 1.800 người bị phạt vì không đeo khẩu trang, với mức phạt 1.000 đô la Singapore. Ngoài ra, Bộ Nhân lực Singapore cũng đã kiểm tra hơn 38.000 nơi làm việc và đã xử phạt trên 300 công ty vi phạm.

Vào đầu tháng 8-2021, Bộ Y tế Nhật Bản đã công bố tên 3 công dân vi phạm quy định cách ly sau khi trở về từ nước ngoài. Cả 3 người bị cáo buộc cố tình né tránh liên lạc với giới chức y tế sau khi nhập cảnh. Vì theo quy định của quốc gia này, toàn bộ người nhập cảnh vào Nhật Bản phải tự cách ly 2 tuần sau khi đến nước này. Họ cũng phải dùng ứng dụng theo dõi vị trí và thường xuyên thông báo tình trạng sức khỏe cho nhà chức trách. Các giới chức nước này cũng cho biết, họ sẽ tiếp tục bêu tên người vi phạm cam kết trong những trường hợp mà họ nghi là có ý đồ xấu. Còn tại Hàn Quốc, trước tình hình phức tạp của biến thể Delta, quốc gia này đã công bố kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, đồng thời siết chặt biện pháp phòng, chống dịch. Theo đó, các trường hợp vi phạm về giãn cách xã hội có thể nhận quyết định xử phạt tối đa 3 triệu won (tương đương 58 triệu đồng Việt Nam). Nếu bệnh nhân không khai báo trung thực về lịch sử đi lại với cơ quan y tế, có thể nhận mức phạt tối đa lên tới 10 triệu won (193 triệu đồng).

Còn ở châu Âu, từ tháng 10-2020, khi lệnh giới nghiêm được áp đặt tại nhiều nơi trên toàn quốc, Chính phủ Pháp đã ban hành những biện pháp chống dịch cứng rắn đối với người vi phạm. Khoảng 12.000 cảnh sát và hiến binh với sự hỗ trợ của cảnh sát địa phương được huy động để bảo đảm việc tuân thủ lệnh giới nghiêm. Những ai vi phạm sẽ bị phạt 135 euro (khoảng 3,6 triệu đồng Việt Nam). Người vi phạm đến 3 lần có thể lãnh án tù 6 tháng và bị phạt tiền 3.750 euro (khoảng 100 triệu đồng Việt Nam). Vương quốc Anh cũng có những chế tài xử phạt nặng đối với người vi phạm. Những người bị bắt gặp tham gia tiệc có hơn 15 người tham dự sẽ bị phạt lần đầu ở mức 800 bảng Anh (khoảng 25 triệu đồng Việt Nam) và phạt tối đa 6.400 bảng Anh (khoảng 200 triệu đồng Việt Nam) nếu tái phạm. Đối với những người tổ chức sự kiện với hơn 30 khách tham dự, mức phạt sẽ là 10.000 bảng Anh (khoảng 312 triệu đồng Việt Nam). Với những cá nhân nhập cảnh vào Anh nếu không tuân thủ các quy tắc cách ly thì có thể đối mặt với án phạt nặng nhất lên tới 10 năm tù giam. 

Tinh thần yêu nước, trọng nhân nghĩa, khoan dung, sự cố kết, đùm bọc yêu thương nhau đã thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn mỗi người dân và trở thành lẽ sống, chất kết dính gắn bó các thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tinh thần ấy lại được khơi dậy, nhân lên gấp bội. Đó là những mô hình, sáng kiến, hoạt động thấm đẫm tình người, tính nhân văn, như: “cây xăng 0 đồng”, “cửa hàng 0 đồng”, ATM gạo, những suất cơm, phần quà miễn phí… Từ học sinh bớt đi bữa ăn sáng cho đến cụ già luôn sẵn sàng, thậm chí tiên phong trong phong trào nghĩa tình đồng bào. Những hành động, việc làm của các cá nhân dù nhỏ nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn. Qua đó đã nhân lên tinh thần “tương thân tương ái”, đồng cam cộng khổ với người dân trong tâm dịch, thể hiện nghĩa cử cao đẹp, truyền thống ngàn đời của dân tộc - “lá lành đùm lá rách”. Và đây chính là nhân tố quyết định trực tiếp đến sự toàn thắng của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến chống giặc dịch.

Thế nên, mặc cho các tổ chức, cá nhân thù địch, phản động, cơ hội chính trị hay bất mãn có bao nhiêu âm mưu, thủ đoạn, dù thâm độc đến đâu thì cũng chỉ là những âm thanh lạc lõng. Vì với nhân dân Việt Nam, mọi toan tính, âm mưu của chúng dù có tinh vi, hiểm độc đến đâu thì cũng chỉ là ảo tưởng viển vông mà thôi.   

Nhật Minh

  • Từ khóa
131697

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu