Thứ 3, 21/05/2024 03:53:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 09:16, 20/10/2021 GMT+7

Họ lại “khai thác” vấn đề Tây nguyên

Thảo Linh
Thứ 4, 20/10/2021 | 09:16:36 558 lượt xem
BPO - Cách đây không lâu, Đài Á châu tự do (RFA) - một tổ chức luôn thể hiện sự thiếu thiện chí về Việt Nam đã đăng loạt bài 3 kỳ với tiêu đề “Phận người sắc tộc Tây Nguyên” của tác giả Giang Nguyễn. Ngay từ tít của loạt bài viết đã thể hiện cái nhìn phiến diện, kích động của tác giả và quản lý trang mạng này. Cả 3 phần của bài viết đều là những nội dung xuyên tạc, kích động, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc của Việt Nam.

Bài đầu tiên với tựa đề “Bóng ma Fulro và niềm tin tôn giáo”, tác giả khơi dậy vấn đề Fulro Tây nguyên bằng giọng điệu xuyên tạc và cho rằng Chính phủ Việt Nam luôn hô hào về những chính sách hỗ trợ người dân tộc thiểu số, nhưng đa phần đồng bào vẫn sống trong nghèo nàn, lạc hậu, bị phân biệt đối xử, bị bức hại. Bài viết này còn vu khống rằng, người Thượng tại Tây nguyên bị chính quyền “trả thù” vì vấn đề Fulro, bị bắt tù vì theo tôn giáo; trẻ em không được đến trường vì cha mẹ theo đạo Tin lành. Bài tiếp theo, tác giả công kích chính sách phát triển đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Việt Nam nói chung, đồng bào Tây nguyên nói riêng, vu khống chính quyền Việt Nam đối xử bất bình đẳng với người Thượng ở Tây nguyên; rằng đồng bào ở Tây nguyên bị đàn áp tàn bạo, bị tước đoạt quyền làm người! Và bài cuối với tiêu đề “Nỗ lực vượt thoát và lối ra”, tác giả kích động người dân Tây nguyên muốn có “quyền hành đạo”, “quyền bình đẳng” thì phải vượt biên, chạy trốn khỏi Việt Nam và xin tị nạn ở nước ngoài. Bài viết còn cổ vũ những tổ chức phản động như: “Tổ chức cứu người vượt biển - BPSOS”, “Người Thượng đứng lên vì công lý”… tăng cường các hoạt động chống lại Nhà nước Việt Nam.

Đây chỉ là một trong hàng ngàn nội dung xuyên tạc của trang mạng RFA về Việt Nam. Và vấn đề dân tộc, tôn giáo luôn được RFA cũng như các trang mạng chống cộng khác ưu tiên khai thác nhất. Đọc hết loạt 3 bài của Giang Nguyễn sẽ thấy, tất cả nội dung đều xây dựng trên những thông tin vô căn cứ. Những lập luận trong bài phần lớn dựa trên đánh giá phiến diện của người viết và nội dung trả lời phỏng vấn của các đối tượng, tổ chức chống đối chính quyền. Những “người dân” được phỏng vấn thì được ghi là “giấu tên”; còn những người có tên thì đều là những phần tử chống đối lâu nay ai cũng biết tên, biết mặt nên nội dung trả lời đều là vu cáo chính quyền, xuyên tạc trắng trợn vấn đề dân tộc, tôn giáo tại Việt Nam và Tây nguyên nói riêng.

Phải khẳng định rằng, chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam là phát triển, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Tây nguyên không ngừng được nâng lên. Với các chương trình xóa đói giảm nghèo, định canh, định cư, Chương trình 134, 135 cùng nhiều chính sách thiết thực khác, đời sống của người dân tại vùng dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt.

Cùng với đó, hệ thống trường học được tăng cường đầu tư. Đặc biệt, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được hình thành từ Trung ương đến tỉnh, huyện, cụm xã đã góp phần nâng cao trình độ dân trí. Tại Bình Phước, một tỉnh chỉ khoảng 1 triệu dân mà có tới 5 trường dân tộc nội trú từ bậc THCS đến THPT. Mỗi năm có hàng ngàn học sinh dân tộc thiểu số trong tỉnh được hưởng các chính sách hỗ trợ. Nhà nước còn phát gạo cho gia đình học sinh dân tộc thiểu số để các em yên tâm đi học. Đã có hàng ngàn câu chuyện cảm động về những giáo viên cắm bản, vượt đèo, vượt suối đến tận nhà dân để đưa trẻ đến trường. Không chỉ những em ở lứa tuổi đi học, nhiều năm qua các thầy cô giáo cùng những người thầy mang quân hàm xanh đã miệt mài “cõng chữ” lên nương, vào bản, thôn, ấp, sóc để dạy cho cả những người lớn tuổi, góp phần nâng cao dân trí vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có không ít đồng bào theo đạo. Hàng ngàn lớp học tình thương được mở vào ban đêm để bảo đảm người dân không bị ảnh hưởng sản xuất. Học viên đến lớp còn được phát sách vở, bút mực; được hỗ trợ khi đau bệnh, hoạn nạn. Vậy hà cớ gì lại có chuyện trẻ em không được đến trường vì chính quyền “trả đũa” cha mẹ các em theo đạo Tin lành(!?).

Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam luôn được tôn trọng. Việt Nam đang có khoảng hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động. Trong hệ thống báo chí tại Việt Nam, có 12 báo, tạp chí liên quan tới hoạt động tôn giáo; phần lớn các tổ chức tôn giáo đều có website riêng. Như vậy, làm sao có thể nói Việt Nam ngăn chặn quyền tự do tôn giáo, càng không có việc người dân phải vượt biên, xin tị nạn tại nước ngoài để được hưởng quyền tự do tôn giáo, bình đẳng như RFA rêu rao lâu nay.

Cho dù Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội đã dành nhiều quan tâm, ưu ái đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào ở Tây nguyên, song khu vực Tây nguyên vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn, tư tưởng hẹp hòi dân tộc và tự ti dân tộc vẫn tồn tại trong một bộ phận đồng bào. Bên cạnh đó, một số hủ tục lạc hậu, dị đoan vẫn tồn tại… Đây là những vấn đề mà các thế lực thù địch đã và sẽ tiếp tục lợi dụng để xuyên tạc, kích động hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Vì thế, bên cạnh triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây nguyên, các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp và hệ thống làm công tác tuyên truyền cần giúp người dân nhận diện chính xác, kịp thời ngăn chặn, đấu tranh, phản bác những thông tin sai trái, xuyên tạc chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng vững chắc thế trận “an ninh nhân dân”, “quốc phòng toàn dân”, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, không tạo kẽ hở để các đối tượng thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng xuyên tạc, kích động đồng bào; không để xảy ra “điểm nóng”, “điểm phức tạp” về an ninh trật tự.

  • Từ khóa
131502

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu