Thứ 3, 21/05/2024 03:34:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 04:49, 19/10/2021 GMT+7

Từ nha phiến đến thông tin

Nhất Huy
Thứ 3, 19/10/2021 | 04:49:00 1,743 lượt xem
BPO - Do sự đối lập của ý thức hệ và những mưu toan đen tối, đặt lợi ích vật chất lên hàng đầu, bằng mọi cách để vơ vét của cải, tiền tài nên trong giai đoạn tồn tại, phát triển của mình, chủ nghĩa tư bản luôn tìm mọi cách để gây áp lực lên các quốc gia, các chế độ không cùng chung hệ tư tưởng chính trị với mình, thậm chí là gây ra các cuộc chiến tranh rất phi lý, khó tưởng tượng như chiến tranh nha phiến, chiến tranh thương mại, chiến tranh thông tin.

Từ chiến tranh nha phiến…

Trong lịch sử bang giao giữa đế quốc Anh và triều đình nhà Thanh (Trung Quốc) đã từng xảy ra 2 cuộc chiến tranh nha phiến, mà nhân loại thường gọi là chiến tranh thuốc phiện lần 1 và chiến tranh thuốc phiện lần 2.

Cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ nhất thực chất không phải là sự đấu đá, hơn thua về mặt thuốc phiện giữa 2 nước như tên gọi của nó, mà là hàng loạt các cuộc giao tranh quân sự giữa Vương quốc Anh và nhà Thanh của Trung Quốc. Nguyên nhân sâu xa nhất, chính là sự mất cân bằng về thương mại giữa 2 bên do nhu cầu về xa xỉ phẩm của người Anh đối với các đặc sản của nhà Thanh, đặc biệt là lụa, sứ, các hương liệu, trà... Từ đó, đồng bạc Anh chảy vào Trung Hoa lớn dần theo từng ngày. Để đối phó lại sự mất cân bằng này, Công ty Đông Ấn thuộc Anh bắt đầu tổ chức trồng và chế biến thuốc phiện với diện tích hàng trăm héc ta tại các đồn điền ở Bengal, Bangladesh (Ấn Độ). Họ cho phép các thương nhân người Anh tuồn lậu vào Trung Quốc với số lượng lớn. Đường dây buôn lậu thuốc phiện này đã làm đảo ngược thặng dư thương mại, gây thâm hụt ngân khố quốc gia và gia tăng số người nghiện tại Trung Quốc, khiến nhà Thanh cực kỳ lo ngại.

Vì vậy, năm 1839, hoàng đế Đạo Quang đã từ chối các đề xuất hợp pháp hóa và đánh thuế thuốc phiện, phái Khâm sai đại thần Lâm Tắc Từ tới Quảng Châu để ngăn chặn hoàn toàn việc buôn bán thuốc phiện. Bằng những biện pháp cứng rắn của mình, mà đỉnh điểm là lệnh phong tỏa các tàu nước ngoài, đồng thời huy động quân triều đình để lục soát, tịch thu 20.283 rương thuốc phiện (khoảng 1.210 tấn) và đốt sạch để tiêu hủy. Anh đã đáp trả bằng cách gây chiến với nhà Thanh. Trong cuộc xung đột sau đó, đế quốc Anh với sức mạnh quân sự áp đảo đã chiến thắng một loạt các trận chiến quyết định, khiến triều nhà Thanh buộc phải ký điều ước Nam Kinh năm 1842. Theo đó, Anh quốc được bồi thường và được trao quyền giao thương, còn nhà Thanh bị bắt phải mở 5 cảng biển cho các thương nhân nước ngoài và nhượng lại đảo Hồng Kông cho đế quốc Anh. 

Không dừng lại ở đó, nhằm tiếp tục áp đặt quan hệ thương mại bất bình đẳng lên nhà Thanh, nước Anh tiếp tục phát động cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ hai (1856-1860), dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội tại Trung Quốc, chấm dứt sự tồn tại hơn 200 năm của nhà Thanh, khởi đầu lịch sử Trung Hoa hiện đại. Như vậy, thông qua việc du nhập và truyền bá lối sống, các sản phẩm ngoại lai; sự mâu thuẫn về lợi ích mà các thế lực ngoại bang đã tiêu diệt nhà Thanh - một triều đình phong kiến cực kỳ huy hoàng trong lịch sử Trung Hoa.

Vận vào lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc, để làm thui chột ý chí đấu tranh giành độc lập, triệt tiêu khát vọng giải phóng dân tộc của nhân dân ta, thực dân Pháp đã thực thi chính sách ngu dân để trị, chúng đầu độc nhân dân ta bằng rượu và thuốc phiện, bằng lối sống thực dụng cá nhân chủ nghĩa, trụy lạc, trác táng, đề cao lợi ích vật chất, coi thường tình làng nghĩa xóm, coi thường đạo đức, luân thường đạo lý. Hoặc, gần đây nhất là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nguyên nhân sâu xa cũng chính là do sự thâm hụt thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chính là hệ quả tất yếu của chính sách “nước Mỹ trên hết”, của khát vọng “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của cựu Tổng thống Donald Trump.

…Đến chiến tranh thông tin

Cùng với sự phát triển của công nghệ, để áp đặt, thao túng, tạo lợi thế cạnh tranh chiến lược, ngày nay các nước phương Tây đã và đang đẩy mạnh chiến tranh thông tin. Về lý thuyết, có thể hiểu chiến tranh thông tin là việc áp dụng công nghệ thông tin ở mức độ cao vào các hoạt động chỉ huy - quản lý, tình báo, điều khiển, chiến tranh điện tử, kinh tế, tâm lý, xã hội... và là một loại hình tác chiến phổ biến trong chiến tranh hiện đại: Đó là tổng hợp những hoạt động và biện pháp như tung tin giả, thông tin sai lệch nhằm vào cá nhân hoặc tổ chức với mục đích gây rối loạn trật tự xã hội, tác động vào các cơ cấu ra quyết định nhằm làm cho đối phương có các hành động sai lầm hay có các quyết định có lợi cho mình, đồng thời ngăn cản hoạt động thu thập, xử lý thông tin của đối phương.

Như vậy, internet và mạng xã hội cũng là một mục tiêu của chiến tranh thông tin, với thủ đoạn gây mê muội, đầu độc người dùng bằng thông tin sai lệch, tạo nên “cơn nghiện” tin giả, tin giật gân, không đến nỗi như thuốc phiện nhưng đôi khi nó lại trở thành một công cụ đắc lực để các thế lực thù địch tiến hành lật đổ chế độ ở các quốc gia độc lập, có chủ quyền. Thực tế như “mùa xuân Ả Rập” những năm 2011, 2021, cách mạng Maidan ở Ukraina năm 2014 là những minh chứng sinh động, hùng hồn. Đối với Việt Nam, các sự kiện xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương năm 2014, Hà Tĩnh năm 2017, Bình Thuận năm 2018 cho thấy các thế lực thù địch đã rất thành công trong việc sử dụng mạng xã hội để tập hợp, lôi kéo, kích động một bộ phận nhân dân nhẹ dạ, cả tin để gây rối, bạo loạn. Đặc biệt, nguy cơ mất an ninh quốc gia, mất chế độ thông qua chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin ở Việt Nam là rất lớn. Vì lượng người dùng internet, mạng xã hội ở Việt Nam hiện chiếm tới gần 70% dân số, trong đó đa phần là thanh thiếu niên - lớp người mà bản lĩnh chính trị và nhận thức về đối tượng, đối tác, các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch còn chưa sâu sắc. 

Bất chấp thực tế, các thế lực thù địch liên tục, triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để tuyên truyền, rêu rao, lên án “Việt Nam vi phạm tự do ngôn luận, không có tự do ngôn luận, đàn áp, bưng bít thông tin”; truyền bá để cổ xúy cho lối sống vọng ngoại, thực dụng, hời hợt với một mục tiêu duy nhất, xuyên suốt là làm thay đổi từ tư duy, nhận thức đến hành vi của giới trẻ Việt Nam, hình thành một thế hệ người dân lãng quên quá khứ hào hùng của dân tộc, lãng quên công ơn các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, lãng quên những truyền thống văn hóa tốt đẹp của tổ tiên để chạy theo lối sống lai căng, biến chất, tôn thờ chế độ tư bản chủ nghĩa.

Cổ nhân đã có câu: “Nước quá trong thì không có cá”, nên để tạo môi trường thuận lợi cho những “con cá phản động, chống đối tự do bơi lội”, các thế lực thù địch vẫn đang ngày đêm tìm mọi cách để làm vẩn đục môi trường mạng xã hội của Việt Nam. Chỉ có tỉnh táo, cảnh giác để không trở thành các quân tốt thí trong tay bọn chúng, giữ môi trường mạng xã hội “trong sạch” thì chúng ta mới có thể gìn giữ sự trường tồn của quốc gia, dân tộc Việt Nam mà thôi.             

  • Từ khóa
131442

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu