Thứ 3, 21/05/2024 01:36:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Góc nhìn thẳng 04:42, 21/10/2021 GMT+7

Cả giận mất khôn

Thứ 5, 21/10/2021 | 04:42:00 945 lượt xem
BPO - Đã là người bình thường thì ai cũng có cảm xúc vui mừng, yêu thương hay nóng giận… Những trạng thái này có thể đến với bất kỳ ai, lúc nào và dù là ở nhà, trong trường học, nơi công sở hay ngoài đường. Trong số những cảm xúc ấy, nóng giận chính là “kẻ thù” giấu mặt đối với mọi người. Bởi, nó không chỉ gây tác hại đối với sức khỏe, mà nóng nảy hay bực tức thái quá sẽ mất tỉnh táo, dễ dẫn đến mắc sai lầm nghiêm trọng, thậm chí là không thể cứu vãn đối với bản thân và những người xung quanh. Vì thế, tục ngữ mới có câu “cả giận mất khôn” hay “giận quá mất khôn”. Với trường hợp nêu trong bài, câu tục ngữ này hoàn toàn đúng.

Mấy ngày nay, cư dân mạng cũng như dư luận xôn xao về lá đơn xin nghỉ việc của thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn, giáo viên Trường tiểu học An Lợi, xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, được công khai trên mạng xã hội. Trong lá đơn này, thầy giáo Sơn đã nêu lý do xin thôi việc là vì: “… có nhiều điều phi giáo dục, tởm nhất là vấn nạn dối trá”. Ngay sau đó, cộng đồng mạng xã hội đã có không ít người bày tỏ sự ngỡ ngàng, thậm chí là “rất sốc”. Trong đó, rất nhiều người đồng tình cho rằng, ngôn ngữ viết trong đơn xin nghỉ việc của thầy giáo Sơn mang nặng lối ứng xử kiểu chợ búa, vô cùng phản cảm, nói đúng hơn là phản giáo dục và hoàn toàn không phù hợp với đạo đức nhà giáo. 

Có người đưa ra nhận định và đặt câu hỏi: Nhà giáo nói chung và mỗi người thầy nói riêng, trước hết là một trí thức. Do đó, lời ăn tiếng nói của người thầy phải đúng chuẩn mực. Có như vậy mới có thể làm gương để dạy dỗ học trò và để học sinh noi theo. Vậy, cộng đồng mạng xã hội nghĩ gì về tư cách, phẩm chất của chủ nhân lá đơn này? Lại có người thẳng thắn bình luận rằng, ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, người thầy cũng cần giữ cho mình sự chuẩn mực của nghề nghiệp. Dù có giận đến đâu thì người thầy cũng cần hướng lời nói, ngòi bút của mình tới sự trong sáng, vì cả giận sẽ mất khôn… Đối với trường hợp này, khi đặt bút viết, tức là thầy giáo Sơn có thời gian để suy nghĩ, nghiền ngẫm, cân nhắc việc sử dụng ngôn ngữ… Nhưng tiếc rằng giờ đây đã quá muộn, vì các bậc phụ huynh cũng như đông đảo học sinh đã có cái nhìn rõ hơn về nhân cách của nhà giáo này!

Lại có người chia sẻ rằng, chắc là thầy giáo Sơn viết đơn xin nghỉ việc trong trạng thái bức xúc, dẫn đến việc không thể kiềm chế, làm chủ được bản thân trong tư duy ngôn ngữ. Tuy nhiên, những thiếu sót, sai phạm có thể xảy ra và tồn tại trong một cơ sở giáo dục, nhưng nếu có điều gì đó không bằng lòng, lẽ ra thầy giáo Sơn phải thẳng thắn, dũng cảm để phản ảnh tới cơ quan có thẩm quyền và đề nghị được giải quyết thấu tình, đạt lý. Không thể chỉ vì lý do bất mãn cá nhân dẫn đến xin nghỉ việc, rồi viết đơn theo cảm tính với những lời lẽ thiếu trong sáng, gây bức xúc trong dư luận. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến nói rằng, “bệnh thành tích” và những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục vẫn chưa được khắc phục triệt để. Vì vậy, qua sự việc này, các cấp có thẩm quyền chắc chắn sẽ vào cuộc để có kết luận minh bạch, khách quan, công bằng.

Trên đây là những suy nghĩ, ý kiến của cư dân mạng và dư luận. Còn thực tế ở Trường tiểu học An Lợi, xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai có xảy ra sự việc như trong đơn của thầy giáo Sơn đã viết hay không thì chưa ai biết. Hoặc nếu có thì mức độ của sự sai phạm đến đâu, ai là người phải chịu trách nhiệm? Vì vậy, vấn đề ở đây những người ngoài cuộc không nên suy diễn hay từ sự việc này mà có cái nhìn, hoặc quan điểm lệch lạc về người thầy cũng như môi trường sư phạm khi chưa nắm được cụ thể vụ việc. Đặc biệt là đừng khoét sâu vào những điều không hay bằng những lời gạch đá, gậy gộc, thậm chí là dao búa trên mạng. Một trong những truyền thống tốt đẹp và vô cùng nhân văn của dân tộc Việt Nam là biết tha thứ và bao dung để cùng nhau cố gắng. Bao dung với người khác chính là chừa cho mình một lối thoát, một con đường để đi. Tha thứ cho người khác cũng là bao dung cho chính mình.

Chính vì vậy, mỗi chúng ta hãy phát huy cao độ truyền thống quý báu ngàn đời của dân tộc, đó là sẵn sàng tha thứ để quên đi những lỗi lầm mà người khác đã gây ra. Hơn nữa, thực tế cuộc sống đã chứng minh, ở nơi nào có môi trường giáo dục tốt, thì ở nơi đó mọi người đều biết giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương và đùm bọc, không để một ai đơn độc hay bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, cái xấu, cái ác và tất cả lời nói, hành vi lệch chuẩn trong xã hội cần được lên án mạnh mẽ, cũng như xử lý triệt để. Việc làm này không chỉ để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và phát huy các giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong phát triển đất nước mà còn để ngăn chặn những hành động phá hoại của các thế lực phản động, thù địch và cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước. Bởi vì những đối tượng này chưa bao giờ từ bỏ các âm mưu, thủ đoạn chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Bằng chứng là ngay sau khi lá đơn xin nghỉ việc của thầy giáo Sơn xuất hiện trên mạng xã hội, cùng với đó là những lời bình không có căn cứ, thiếu chuẩn mực đã tạo cơ hội cho Việt Tân có cớ xuyên tạc, bịa đặt và nói xấu chế độ. Cụ thể là ngày 12-10-2021, dù ở tận trời Tây và chẳng biết gì về nội dung sự việc, nhưng trên facebook của tổ chức này đã xuất hiện bài viết có nội dung khẳng định rằng lá đơn xin nghỉ việc này:… “Không chỉ nói lên sự trăn trở của nhà giáo, mà còn nói lên một thực trạng nhếch nhác đang diễn ra trên phạm vi toàn quốc. Đây không chỉ là lý do để đoạn tuyệt với ngành mà đã gắn bó gần một đời với nhà giáo Lê Trần Ngọc Sơn, mà gọi đúng tên của nó là bản cáo trạng lên án ngành giáo dục nước nhà. Chỉ vắn tắt vài chữ như “phi giáo dục”, “vấn nạn dối trá” mà đã lột tả hết những gì diễn ra hằng ngày trên đất nước này. Chỉ là một cấp tiểu học, nhưng giáo viên đã không chịu được lối giáo dục dối trá thì lên những cấp bậc cao hơn học sinh sẽ được học những cái gì nữa”?. 

Như vậy, vấn đề cốt lõi của lá đơn nêu trên là sự thật nếu có thì sự “dối trá” ấy ra sao hay sự “phi giáo dục” kia ở chỗ nào, mức độ ra sao thì chưa một ai được biết. Vì chính người viết đơn và cũng là người trong cuộc chưa hề nói ra. Hơn nữa, cơ quan chức năng chưa vào cuộc để xác minh sự việc. Tức là tất cả đều chưa rõ ràng, vậy mà Việt Tân đã vội vàng “kết luận” rằng đó là “những gì diễn ra hàng ngày trên đất nước này”. Chưa hết, với bản chất phản động, chống phá của mình, Việt Tân còn gieo rắc, hướng người đọc tới tư tưởng hoài nghi rằng ở bậc tiểu học đã vậy thì những cấp học cao hơn thì sao? Ngày nay, nếu là người bình thường thì ai cũng biết rõ triết lý là một hiện tượng, sự việc không bao giờ là bản chất của một con người, lại càng không thể là của một tập thể và rộng hơn nữa là quốc gia, dân tộc. Chỉ có những kẻ phản quốc với tâm địa bẩn thỉu mới có tư duy kiểu này. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy là người sử dụng mạng xã hội thông minh, đừng tạo kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng và quan trọng hơn là đừng “cả giận mất khôn”.                   

Nhật Minh

  • Từ khóa
131538

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu