Thứ 2, 20/05/2024 05:50:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 14:20, 16/01/2014 GMT+7

Bếp củi

Thứ 5, 16/01/2014 | 14:20:00 8,136 lượt xem

Ở quê ngày xưa nhà nào cũng nấu bằng bếp củi. Bếp củi thường đắp bằng đất, xây bằng gạch hoặc bằng xi măng, chủ yếu nấu bằng củi, có khi nấu bằng trấu hoặc rơm, có ống khói bằng ống đất nung hoặc xi măng để dẫn khói ra ngoài. Có nhà, bếp còn đơn giản hơn, chỉ là ba “ông táo” bằng đất hoặc là các hòn đá kê với nhau. Để lửa đỡ “ăn” soong nồi, nhiều người dùng các chảo lòng kê trên bếp trước khi đặt soong nồi vào, tùy theo cỡ nồi mà dùng cỡ chảo cho phù hợp. Vậy mà soong nồi nào cũng ám khói đen kịt.

Xài bếp củi, ngán nhất những ngày mưa dầm, củi ẩm ướt, nhóm hoài chẳng cháy. Nhà nào có lá dừa hay rơm thì còn đỡ, chứ không thì phải kiên nhẫn đốt những que củi nhỏ chờ lửa lớn bắt sang các thanh củi khác. Đã vậy, có lúc còn xài hộp quẹt đá, chưa kịp mồi sang đèn dầu thì cứ quẹt phồng tay… Nhà khá hơn thì dùng dầu hôi, dầu cặn hoặc củi thông để nhóm lửa. Tôi thì bắt chước mẹ, đi đường hay lượm những miếng cao su cũ, miếng ruột xe, cọng dây ràng bằng cao su… để dành nhóm lửa. Vậy mà có khi làm biếng, tôi cũng lén nhúng một cây củi nhỏ vào cái đèn dầu để mồi lửa…

Mồi được lửa rồi, giữ cho lửa cháy cũng không dễ. Nhớ những bữa nấu cơm bằng rơm, phải ngồi canh suốt, để không thiếu rơm mà lửa cháy đều, không “hỏa hào hỏa đế”, tức là cháy phừng phừng, mà cũng không được bỏ rơm quá nhiều làm nghẹt bếp, chỉ un khói chứ không cháy. Buổi tối hoặc tháng lạnh thì ngồi bên bếp còn thấy dễ chịu, gặp hôm nóng nực mà ngồi suốt bên bếp rơm thì như một cực hình, mồ hôi mẹ mồ hôi con cứ thi nhau tuôn ra… Còn nấu củi thì hay chạy tới chạy lui nên lửa tắt, hoặc nhầm củi ướt thì cũng trần ai. Để chống tắt bếp, bên cạnh đống củi thường có một cái ống thổi. Đó là cái ống bằng tre nhỏ, dài chừng hai gang tay người lớn, khi thổi có tiếng o o nghe vui tai. Nhưng xài vài tháng thế nào cũng bị cháy sém, phải thay ống thổi khác.

Nấu bằng bếp củi dĩ nhiên còn có một số bất tiện khác. Đó là làm nhà bếp luôn ám khói và đầy bồ hóng. Các tấm vách, trần nhà… thường xuyên có mùi khói và bị nám, không đẹp chút nào. Bởi vậy, ngày trước nhà nào có điều kiện, người ta hay làm nhà bếp tách biệt với nhà chính, ở nhà sau hoặc ở bên chái, để khói không ám tới.

Nấu bếp lắm khi khói um trời nhưng cái màu khói, mùi khói đã đọng lại thành ký ức thân thương của rất nhiều người. Bởi vậy, khi đi đâu xa mà thấy màu khói lam quấn quýt mái nhà hoặc quyện ở bờ tre thì nỗi nhớ nhà, nhớ quê dâng lên trong lòng tôi da diết.

Bây giờ ở quê, mẹ tôi vẫn còn nấu bếp củi. Lâu lâu về quê, ngửi mùi khói cay cay, nghe thổi ống tre o o, quẹt một chút lọ nghẹ… lại thấy tình cảm nồng nàn, sâu lắng. Uống một tách trà pha từ ấm nước đun bằng bếp củi lại thấy vị thật thân thuộc, đậm đà… Chợt nhớ những câu thơ nổi tiếng của Bằng Việt: Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/ Một bếp lửa ấp iu nồng đượm… mà càng thương hình ảnh người bà, người mẹ một thời lui cui với bếp, với củi, với lửa, với cơm canh…

Nguồn PNO

  • Từ khóa
107390

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu